Cần có một điều luật bảo vệ người tố cáo

06/10/2006
Gần đây có rất nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng được quần chúng nhân dân phát hiện và tố cáo. Tuy nhiên, những vụ việc bị tố cáo như vậy có vẻ như đang rất khiêm tốn. Tại sao vậy? Có thể có nhiều nguyên nhân, song theo tôi, có thể có hai nguyên nhân cơ bản như sau:

Thứ nhất: Những người đứng ra tố cáo thường là người trong cuộc hoặc trong cùng một cơ quan, hiểu rõ được bản chất của sự việc. Anh ta hiểu rõ điều người nào đó làm sai quy định, trái với pháp luật hiện hành, nhưng lại không dám mạnh dạn đứng ra để tố cáo, vì sợ bị trù dập.

Tố cáo cũng như một cuộc tử chiến, nghĩa là nếu thành công thì không có gì để bàn, còn nếu thất bại thì đồng nghĩa với việc anh sẽ phải ra đi.

Một ví dụ điển hình là vụ chạy trường tại Trường THPT Lê Quý Đôn, rõ ràng là các giáo viên ở đây biết rất rõ về những việc làm sai trái của hiệu trưởng nhưng người tố cáo đầu tiên đã phải ra đi và chỉ cho đến khi báo chí phanh phui ra tấm ra miếng thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc, và sự tố cáo mới rộ lên.

Thứ hai: Muốn tố cáo người khác thì anh phải có bằng chứng và để có được bằng chứng có khi trở thành người phạm luật. Điển hình là vụ lộn xộn ở Trường THPT Nam Đàn 2 tại Nghệ An, muốn tố cáo trường đã vi phạm nghiêm trọng quy chế thi, bản thân thầy Hoàng đã vi phạm quy chế thi và tất nhiên ai vi phạm thì phải được xử lý theo pháp luật.

Trong quy chế tuyển sinh đã nói là giám thị không được mang điện thoại di động vào phòng thi. Rõ ràng trong quy chế thi không có một điều nào quy định rằng giám thị được phép đưa điện thoại vào phòng thi hoặc khu vực thi với mục đích là để tố cáo tiêu cực. Ở đây chúng ta không bàn đến chuyện đúng hay sai với một sự việc cụ thể mà chúng ta cần nhìn nhận một cách tổng quát hơn là những quy định hay những điều luật hiện có đã đủ để bảo vệ quyền lợi của người tố cáo hay chưa?

(Theo website Đảng Cộng sản/SGGP)