Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 16/2005/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình

06/10/2006
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị định số 112/2006/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP về quản lý đầu tư xây dựng công trình.

Nghị định nêu rõ: Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì chủ đầu tư xây dựng công trình do người quyết định đầu tư quyết định trước khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư thì chủ đầu là một trong các cơ quan, tổ chức sau: Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước. Đối với dự án do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan cấp Bộ, Chủ tịch UBND các cấp quyết định đầu tư thì chủ đầu tư là đơn vị quản lý, sử dụng công trình. Trường hợp chưa xác định được đơn vị quản lý, sử dụng công trình hoặc đơn vị quản lý, sử dụng công trình không đủ điều kiện làm chủ đầu tư, người quyết định đầu tư giao nhiệm vụ cho đơn vị sẽ quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm cử người tham gia với chủ đầu tư để quản lý đầu tư xây dựng công trình và tiếp nhận quản lý, sử dụng khi công trình hoàn thành.

Nghị định nhấn mạnh: Đối với các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 66/2006/QH11 của Quốc hội thì chủ đầu tư phải lập Báo cáo đầu tư trình Chính phủ xem xét để trình Quốc hội thông qua chủ trương và cho phép đầu tư. Đối với các dự án khác, chủ đầu tư không phải lập Báo cáo đầu tư. Những dự án nhóm A không có trong quy hoạch ngành được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư phải báo cáo Bộ quản lý ngành để xem xét, bổ sung quy hoạch theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch trước khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình. Vị trí, quy mô xây dựng công trình phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; nếu chưa có quy hoạch xây dựng thì phải được UBND cấp tỉnh chấp thuận.

Nghị định cũng lưu ý: các dự án đầu tư xây dựng công trình đã được phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng chưa triển khai hoặc đang thực hiện dở dang thì không phải làm thủ tục phê duyệt lại dự án, các công việc khác tiếp theo được thực hiện theo Nghị định này.

(Theo website Chính phủ)