Kiểm tra căn cước người bào chữa, bảo vệ quyền lợi đương sự là luật sư – cần hướng dẫn thống nhất

21/05/2015
 

Để điều khiển một phiên tòa diễn ra đúng với các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) và các văn bản hướng dẫn thi hành của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa không chỉ cần phải có trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có kinh nghiệm xét xử, nhất là kinh nghiệm xử lý tình huống phát sinh tại phiên tòa theo đúng trình tự, thủ tục luật tố tụng quy định, nghĩa là với sự điều khiển, chỉ huy của Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa, những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người khác trong phòng (nơi) xử án phải triệt để chấp hành sự điều khiển đó. Có thể nói, điều khiển phiên tòa là một nghệ thuật, nó là thước đo đánh giá trình độ nghiệp vụ, năng lực chuyên môn của người Thẩm phán.

Tại Chương XIX BLTTHS hiện hành có quy định cụ thể về thủ tục bắt đầu phiên tòa (từ Điều 201 đến Điều 205); thủ tục xét hỏi tại phiên tòa (từ Điều 206 đến Điều 216); Tranh luận tại phiên tòa (từ Điều 217 đến Điều 221); Thủ tục nghị án và tuyên án (từ Điều 222 đến Điều 228). Thủ tục bắt đầu phiên tòa có ý nghĩa rất quan trọng cho việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm cho việc tiến hành phiên tòa theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, trong thủ tục bắt đầu phiên tòa, Hội đồng xét xử tiến hành các nội dung sau: Khai mạc phiên tòa; Kiểm tra căn cước những người tham gia tố tụng được Tòa án triệu tập và giải thích cho họ về quyền và nghĩa vụ tố tụng; Giải quyết việc hoãn phiên tòa. Thực tiễn xét xử không phải tất cả các Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa đều có nhận thức thống nhất chung tinh thần các điều luật quy định tại Chương XIX BLTTHS năm 2003, mà không ít trường hợp do nhiều nguyên nhân khác nhau, sự điều khiển phiên tòa của chủ tọa phiên tòa, nhất là những thẩm phán mới được bổ nhiệm đã gây bức xúc đối với người tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự nói riêng và giới luật sư nói chung, mà dưới đây là một trong những tình huống thực tế đã diễn ra ở nhiều phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, tại trụ sở tòa án kể cả khi xét xử lưu động.

Vụ án thứ nhất: Ngày 20/3/2012 TAND thành phố M mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Văn Thành H về các tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 202 và khoản 2 Điều 104 BLHS, tại phiên tòa, sau khi Thư ký Tòa án báo cáo sự có mặt, vắng mặt của những người được triệu tập, Chủ tọa phiên tòa tiến hành kiểm tra căn cước của bị cáo, người bị hại, người đại diện hợp pháp người bị hại, người làm chứng, người bào chữa là luật sư và giải thích cho họ biết quyền và nghĩa vụ của họ tại phiên tòa.

Vụ án thứ hai: Ngày 12/7/2013 tại Nhà văn hóa phường 1, thành phố M, TAND tỉnh T mở phiên tòa xét xử điển hình sơ thẩm hình sự vụ án “Giết người”, sau khi Thư ký Tòa án báo cáo danh sách những người được triệu tập đã có mặt, Chủ tọa phiên tòa tiến hành kiểm tra căn cước của bị cáo, người bị hại, người đại diện hợp pháp người bị hại, người làm chứng, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của người bị hại (đều là luật sư) và giải thích cho những người này biết quyền và nghĩa vụ của họ tại phiên tòa.

Xoay quanh việc kiểm tra căn cước của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại (nguyên đơn dân sự) tại phiên tòa của Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa hiện có những quan điểm khác nhau như sau:

Quan điểm thứ nhất: Căn cứ quy định tại Điều 201 BLTTHS năm 2003: “Khi bắt đầu phiên tòa, chủ tọa phiên tòa đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử. Sau khi nghe Thư ký Tòa án báo cáo danh sách những người được triệu tập đã có mặt, chủ tọa phiên tòa kiểm tra căn cước của những người đó và giải thích cho họ biết quyền và nghĩa vụ của họ tại phiên tòa….”. Như vậy, Chủ tọa phiên tòa tiến hành việc kiểm tra căn cước và giải thích về quyền và nghĩa vụ cho những người tham gia tố tụng trong vụ án có mặt tại phiên tòa là nghĩa vụ mà pháp luật tố tụng bắt buộc chủ tọa phiên tòa  phải thực hiện, do vậy, nếu có luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại (nguyên đơn dân sự) thì việc chủ tọa phiên tòa kiểm tra căn cước cũng là việc rất bình thường, hoàn toàn đúng và phù hợp với quy định của pháp luật. Hơn nữa, qua việc kiểm tra căn cước của những người tham gia tố tụng trong vụ án mà chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX thực hiện, cũng không ngoài mục đích công khai kiểm tra chứng cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đồng thời giới thiệu cho những người tham gia tố tụng khác và người dân biết rằng, phiên tòa xét xử mà một bên chủ thể tham gia tố tụng như đã kiểm tra căn cước, nhằm hướng đến tính công khai, minh bạch, đề cao tính dân chủ trong hoạt động xét xử, bởi trong thực tế có trường hợp người luật sư quá trình hành nghề của mình đã vi phạm vào điều cấm luật sư không được làm, như: móc nối, quan hệ với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cán bộ, công chức khác để làm trái quy định của pháp luật trong việc giải quyết vụ án; hoặc lợi dụng việc hành nghề luật sư, danh nghĩa luật sư để gây ảnh hưởng, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, mà cơ quan, tổ chức quản lý luật sư đó không phát hiện, mà chỉ có người dân thông qua công tác kiểm tra hoạt động xét xử mới phát hiện những sai phạm đó của luật sư. Mặt khác, việc giải thích quyền và nghĩa vụ khi tham gia tố tụng của người bào chữa theo quy định tại Điều 58 BLTTHS hoặc Điều 59 BLTTHS với trường hợp luật sư tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền lợi của đương sự cũng không ngoài quy định của luật và cũng nhằm tạo điều kiện cho sự điều khiển phiên tòa của Chủ tọa phiên tòa diễn ra theo đúng trình tự, thủ tục luật định mà thôi. Nên theo quy định tại Điều 201 BLTTHS, nếu chủ tọa phiên tòa không kiểm tra căn cước của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của người bị hại (nguyên đơn dân sự) nếu có, cho dù họ là luật sư đi chăng nữa thì đều bị coi là vi phạm thủ tục tố tụng.

Quan điểm thứ hai: Trái ngược với quan điểm trên, quan điểm này cho rằng việc chủ tọa phiên tòa tiến hành kiểm tra căn cước và giải thích quyền và nghĩa vụ của luật sư khi tham gia tố tụng tại phiên tòa với tư cách là người bào chữa hay người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại (nguyên đơn dân sự) tuy đúng theo quy định tại Điều 201 BLTTHS,  nhưng rõ là không cần thiết, điều đó chỉ làm phiên tòa kéo dài thêm thời gian mà không giải quyết được vấn đề gì và quan trọng hơn là chưa quán triệt đúng với tinh thần văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Người viết đồng tình với quan điểm này. Vì, theo hướng dẫn Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Xét xử sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (viết tắt Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTP), mà theo đó, tại mục 1 phần III của Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTP có quy định:

1. Về Điều 201 của BLTTHS

1.1. Việc kiểm tra căn cước của những người được triệu tập và có mặt tại phiên toà được thực hiện như sau:

a. Đối với bị cáo phải hỏi họ để họ khai về: họ tên; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; nơi cư trú (nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; nơi tạm trú); nghề nghiệp; trình độ văn hoá; hoàn cảnh gia đình (bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con); tiền án, tiền sự; ngày bị tạm giữ, tạm giam.

b. Đối với người đại diện hợp pháp của bị cáo phải hỏi họ để họ khai về: họ tên; tuổi; nghề nghiệp; nơi sinh; nơi cư trú; quan hệ thế nào với bị cáo.

c. Đối với người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ phải hỏi họ để họ khai về: họ tên; tuổi; nghề nghiệp; nơi cư trú. Trong trường hợp người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cơ quan, tổ chức thì khai về: tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức; họ tên; tuổi; nghề nghiệp; nơi cư trú của người đại diện hợp pháp cho cơ quan, tổ chức.

1.2. Trong trường hợp các tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng như lời khai của người được triệu tập (đặc biệt là bị cáo) về căn cước của họ có sự khác nhau thì cần phải xác định chính xác về căn cước của họ. Đối với bị cáo thì ngoài việc ghi họ tên chính thức, còn phải ghi đầy đủ họ tên mà họ đã khai trong quá trình điều tra.

Ví dụ: Họ tên bị cáo: Nguyễn Văn A (còn có các tên gọi khác: Nguyễn Trần A, Nguyễn Văn á...).

Nếu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án chưa có đủ căn cứ để xác định chính xác về căn cước của bị cáo thì ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

1.3. Việc giải thích quyền và nghĩa vụ của người được triệu tập đến phiên toà, chủ toạ phiên toà phải giải thích đầy đủ quyền và nghĩa vụ của họ quy định tại điều luật tương ứng của BLTTHS.

Ví dụ: Đối với bị cáo phải giải thích đầy đủ quyền và nghĩa vụ của họ quy định tại Điều 50 của BLTTHS, đồng thời cần công bố thêm quy định tại Điều 188 của BLTTHS cho họ biết.

Đối với người bị hại phải giải thích đầy đủ quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 51 của BLTTHS.

Trong trường hợp những người được triệu tập đến phiên toà có những quyền và nghĩa vụ giống nhau thì giải thích chung cho họ. Đối với người nào còn có quyền và nghĩa vụ khác thì giải thích thêm cho họ biết.

1.4. Đối với người phiên dịch, người giám định, chủ toạ phiên toà yêu cầu họ phải cam đoan làm tròn nhiệm vụ; đối với người làm chứng là người thành niên yêu cầu họ phải cam đoan không khai gian dối.

1.5. Đối với bị cáo, chủ toạ phiên toà phải hỏi đã được giao nhận bản cáo trạng và quyết định đưa vụ án ra xét xử hay chưa. Nếu đã được giao nhận thì ngày được giao nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử là ngày nào.

Trong trường hợp bị cáo chưa được giao nhận bản cáo trạng và quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc đã nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử từ chín ngày trở xuống trước khi mở phiên toà, thì phải hỏi bị cáo có đồng ý để Toà án tiến hành xét xử vụ án hay không. Nếu bị cáo đồng ý thì ghi vào biên bản phiên toà và tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung. Nếu bị cáo không đồng ý thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên toà.

Ngay sau khi hoãn phiên toà, nếu bị cáo chưa được giao nhận bản cáo trạng, thì Toà án yêu cầu Viện kiểm sát tiến hành việc giao bản cáo trạng cho bị cáo; nếu bị cáo chưa được giao nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Toà án tiến hành việc giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cho bị cáo”.

Căn cứ vào nội dung của hướng dẫn này, cho thấy:

Một là, theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 58 BLTTHS, người bào chữa có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án, nghĩa là, người bào chữa là chủ thể tham gia tố tụng trong vụ án được Tòa án triệu tập và họ phải có mặt tại phiên tòa. Tuy nhiên, tại các điểm a, b, c tiểu mục 1.1, mục 1, phần III của Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTP, không đề cập đến việc chủ tọa phiên tòa tiến hành kiểm tra căn cước của người bào chữa là luật sư, dù rằng nội dung hướng dẫn trên của Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTP ghi rất cụ thể từng chủ thể khác nhau tham gia tố tụng, như: bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ (kể cả trường hợp người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là tổ chức), từ đó có thể hiểu rằng, căn cứ vào nội dung hướng dẫn này việc chủ tọa phiên tòa không kiểm tra căn cước đối với luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc luật sư tham gia tố tụng trong vụ án là người bảo vệ quyền lợi của đương sự là không vi phạm thủ tục tố tụng. Thiết nghĩ, nội dung hướng dẫn tại tiểu mục 1.1, mục 1, phần III của Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTP không liệt kê đối tượng là luật sư khi tham gia tố tụng tại phiên tòa với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền lợi của đương sự và cũng không buộc chủ tọa phiên tòa phải kiểm tra căn cước của những người này, không phải là do HĐTP “quên” không đưa vào, mà là sự “bỏ qua” có chủ đích, vì mấy lý do sau: Thứ nhất, để được Tòa án cấp giấy chứng nhận người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại (nguyên đơn dân sự) tham gia tố tụng trong vụ án đó, một điều chắc chắn rằng người tiến hành tố tụng vụ án đó nói chung, Thư ký Tòa án, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa nói riêng phải nghiên cứu thật kỹ nội dung những tài liệu có trong hồ sơ vụ án phản ánh thông tin cá nhân của luật sư là người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, mà theo quy định của pháp luật tố tụng luật sư có nghĩa vụ cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng trước khi được cơ quan này cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Thứ hai, mẫu số 03a - Giấy chứng nhận người bào chữa (ban hành kèm theo Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003),  tại ô thứ 6 của mẫu số 03a có hướng dẫn cách ghi: “Ghi rõ họ tên; nếu là luật sư thì ghi luật sư của Văn phòng nào thuộc Đoàn luật sư nào; nếu là người đại diện hợp pháp thì ghi là người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo; nếu là bào chữa viên nhân dân thì ghi bào chữa viên nhân dân.”, như vậy, khi Tòa án cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư, rõ ràng Tòa án phải nắm chắc thông tin thuộc về “căn cước” của luật sư đó. Hơn nữa, để chuẩn bị cho nội dung bào chữa tại phiên tòa, người bào chữa phải liên hệ với Tòa án đang thụ lý vụ án đó để đọc hồ sơ, sao chụp những tài liệu có trong vụ án liên quan đến việc bào chữa, thậm chí khi thu thập được những tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án, thì người bào chữa có trách nhiệm giao nộp cho Tòa án (ý 2, điểm a khoản 3 Điều 58 BLTTHS), nghĩa là người bào chữa trong vụ án đó không “xa lạ” gì với Thư ký Tòa án, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa, nên tại phiên tòa việc Chủ tọa phiên tòa kiểm tra lại căn cước của luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa rõ ràng là thừa và không cần thiết, chính vì lẽ đó, nên khi hướng dẫn Điều 201 BLTTHS, Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTP đã “cố ý” hướng dẫn như trên là để tránh cách hiểu máy móc nội dung quy định tại Điều 201 BLTTHS. Ngoài ra, không chỉ không đề cập đến việc kiểm tra căn cước của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của người bị hại (nguyên đơn dân sự), mà kể cả người tham gia tố tụng trong vụ án (nếu có) là người giám định, người phiên dịch nội dung hướng dẫn của Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTP tại mục này cũng không đề cập đến, mặc dù họ là người tham gia tố tụng trong vụ án được tòa án triệu tập.

Hai là, căn cứ vào tiêu chuẩn luật sư và điều kiện hành nghề luật sư được quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012), mà theo đó, tiêu chuẩn luật sư được quy định như sau:“Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư” và điều kiện hành nghề luật sư – Điều 11 quy định: “Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.”, với những quy định này, luật sư lẽ đương nhiên phải biết quyền và nghĩa vụ của chính mình khi tham gia tố tụng trong từng tư cách cụ thể, trong từng lĩnh vực cụ thể! Nên người viết cho rằng, việc Chủ tọa phiên tòa giải thích quyền và nghĩa vụ luật sư khi tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền lợi cho đương sự tương ứng với các điều 58 hoặc 59 BLTTHS cũng là cách hiểu rập khuôn khi áp dụng Điều 201 BLTTHS. Hơn nữa, tại Chương XIX – Thủ tục bắt đầu phiên tòa (từ Điều 201 đến Điều 205), mà theo đó, Điều 201 quy định về thủ tục bắt đầu phiên tòa; Điều 202 quy định về giải quyết việc đề nghị thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người phiên dịch; Điều 203 quy định về giải thích quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch, người giám định; Điều 204 quy định về giải thích quyền và nghĩa vụ và cách ly người làm chứng; Điều 205 quy định về giải quyết những yêu cầu về xem xét chứng cứ và hoãn phiên tòa khi có người vắng mặt, mà không có điều luật cụ thể nào quy định việc giải thích quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, như Điều 203, Điều 204 BLTTHS. Điều đó cho thấy, nhà làm luật đã nhìn thấy sự không cần thiết phải giải thích quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự khi họ là luật sư. Mặt khác, nghiên cứu nội dung hướng dẫn tại các tiểu mục 1.1, 1.2, 1.3, 1.4 và 1.5 mục 1, phần III của Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTP, hoàn toàn không tìm thấy câu chữ nào trực tiếp đề cập đến người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền lợi cho đương sự là luật sư, mà chỉ sử dụng cụm từ chỉ chung là người được triệu tập đến phiên tòa, trong khi bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ (kể cả trường hợp người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là tổ chức), người giám định, người phiên dịch cũng là thành phần người tham gia tố tụng được triệu tập đến phiên tòa, thì lại được ghi rất rõ, rất cụ thể, như tại tiểu mục 1.4: “Đối với người phiên dịch, người giám định, chủ toạ phiên toà yêu cầu họ phải cam đoan làm tròn nhiệm vụ; đối với người làm chứng là người thành niên yêu cầu họ phải cam đoan không khai gian dối.” hay tại điểm c tiểu mục 1.1: “Đối với người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ phải hỏi họ để họ khai về: họ tên; tuổi; nghề nghiệp; nơi cư trú. Trong trường hợp người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cơ quan, tổ chức thì khai về: tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức; họ tên; tuổi; nghề nghiệp; nơi cư trú của người đại diện hợp pháp cho cơ quan, tổ chức.”. Bên cạnh đó, nghiên cứu Điều 203 BLTTHS cho thấy, với cách thiết kế điều luật này rõ ràng nhà làm luật đã hướng chủ tọa phiên tòa khi tiến hành thủ tục bắt đầu phiên tòa, không kiểm tra căn cước của người phiên dịch, người giám định, mà chỉ giới thiệu họ tên, nghề nghiệp hoặc chức vụ của những người đó… Như vậy, thông qua nội dung quy định của Điều 203 BLTTHS cho thấy, không phải tất cả những người tham gia tố tụng trong vụ án, tại phiên tòa chủ tọa phiên tòa đều kiểm tra căn cước của họ, mà phải có sự “chọn lọc” đâu là đối tượng phải tiến hành kiểm tra căn cước; đâu là đối tượng chủ tọa phiên tòa chỉ giới thiệu họ để những người tham giá tố tụng khác tại phiên tòa biết về họ. Đấy mới thật sự là nét văn hóa của nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, đồng thời đó còn là sự biểu hiện tập trung phản ánh đầy đủ nhất, khách quan nhất kỹ năng điều khiển phiên tòa của thẩm phán.

Từ những phân tích trên, người viết cho rằng việc chủ tọa phiên tòa tiến hành kiểm tra căn cước và giải thích quyền và nghĩa vụ của luật sư khi tham gia tố tụng tại phiên tòa với tư cách là người bào chữa hay người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại (nguyên đơn dân sự) tuy đúng luật nhưng không cần thiết, điều đó chỉ làm phiên tòa kéo dài thêm thời gian mà không giải quyết được vấn đề gì và quan trọng hơn là chưa quán triệt đúng với tinh thần văn bản hướng dẫn tại Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTP.

 

 Th.S Lê Văn Sua