Hoàn thiện quy định về việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật

12/05/2015
Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC) năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013, mà theo đó, có quy định về áp dụng biện pháp đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Luật Phòng, chống ma túy (viết tắt Luật PCMT) năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) cũng có quy định về việc đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc. Ngày 20/01/2014 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án.

Thực tiễn áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật này đã nảy sinh những vướng mắc sau:

- Thứ nhất về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 96 Luật XLVPHC: “Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.” Theo quy định này, chỉ được áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi người nghiện thuộc một trong hai trường hợp sau: Trường hợp thứ nhất, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện. Trường hợp thứ hai, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên mà trước đó chưa bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc lần nào nhưng lại không có nơi cư trú ổn định. Vậy với trường hợp người đã từng bị áp dụng biện pháp cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng theo quy định của Luật PCMT, những người đã từng bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà vẫn còn nghiện thì xử lý thế nào? Họ có thuộc trường hợp phải tiếp tục đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không? Xoay quanh vấn đề này có ý kiến cho rằng, cần đưa những người sau khi đã được cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng mà tái nghiện; người đã từng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà tái nghiện thì phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, vì theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật PCMT có quy định: “Người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.” Hơn nữa, ngày 30/12/2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 221/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (viết tắt Nghị định 221/2013/NĐ-CP), mà theo đó, tại Điều 9 của Nghị định này có quy định về hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, như sau:

“1. Đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định:

a) Bản tóm tắt lý lịch;

b) Phiếu trả lời kết quả của người có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này về tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

c) Biên bản về hành vi sử dụng ma túy trái phép;

d) Bản tường trình của người vi phạm hoặc của người đại diện hợp pháp của họ;

đ) Tài liệu chứng minh đã chấp hành xong Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn bao gồm: Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy và Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

e) Giấy xác nhận hết thời gian cai nghiện ma túy tại gia đình hoặc cai nghiện ma túy tại cộng đồng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc tài liệu chứng minh bị đưa ra khỏi chương trình điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

g) Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc giao cho gia đình quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời gian làm thủ tục đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Văn bản của cơ quan lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định:

a) Hồ sơ đề nghị quy định tại Điểm a, b, c, d, h Khoản 1 Điều này;

b) Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc giao cho tổ chức xã hội quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.”. Như vậy, người nghiện ma túy theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều này là đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Cũng có ý kiến khác cho rằng, cách hiểu như trên là không đúng, người viết đồng tình với ý kiến này, vì:

Một là, tuy cùng nội dung một vấn đề nhưng Luật XLVPHC được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013, trong khi đó Luật PCMT Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2000, có hiệu lực từ ngày 01/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 03 tháng 6 năm 2008, có hiệu lực từ 01/01/2009, dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không quy định cùng một nội dung được điều chỉnh, cùng đều là văn bản do cơ quan có thẩm quyền đó ban hành (đều nằm trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật - Điều 2, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008), thì ưu tiên áp dụng văn bản nào? Theo quan điểm người viết, phải ưu tiên áp dụng văn bản ra đời sau. Điều này được thể hiện trong quyển Giáo trình kỹ năng tư vấn pháp luật – Bài “ Tư vấn đàm phán, ký kết hợp đồng” của tác giả TS Phan Chí Hiếu (2012) - NXB Công an nhân dân, tr 237 có ghi: “Nếu các văn bản cùng có giá trị pháp lý thì ưu tiên áp dụng văn bản ra đời sau”. Điều đó có nghĩa là, phải ưu tiên áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 96 Luật XLVPHC.

Hai là, tại Điều 5 của Nghị định 221/2013/NĐ-CP có quy định về việc không lập hồ sơ nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đối với các trường hợp sau:

“1. Người theo quy định tại Khoản 2[1] Điều 96 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

2. Người đang tham gia các chương trình cai nghiện ma túy tại cộng đồng theo quy định tại Khoản 3[2] Điều 16 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.

3. Người đang tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện được quy định tại Khoản 2[3] Điều 3 Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.”

Như vậy với quy định tại điểm e khoản 1 Điều 9 Nghị định 221/2013/NĐ-CP: “Giấy xác nhận hết thời gian cai nghiện ma túy tại gia đình hoặc cai nghiện ma túy tại cộng đồng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc tài liệu chứng minh bị đưa ra khỏi chương trình điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế” không có nghĩa là nếu hết thời gian cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng mà vẫn còn nghiện thì đối tượng đó thuộc diện phải tiến hành lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

-Thứ hai về thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 6 Luật XLVPHC: “Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 96 của Luật này.”. Với quy định này, hiện nay có những cách hiểu khác nhau như sau: Cách hiểu thứ nhất, thời hạn là 03 tháng tính đến ngày Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nghĩa là trong phạm vi thời gian luật quy định, các cơ quan có chức năng trong phạm vi thẩm quyền của mình có trách nhiệm thu thập tài liệu, hoàn tất bộ hồ sơ đúng theo quy định tại Điều 9 Nghị định 221/2013/NĐ-CP để đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cách hiểu thứ hai, việc lập bộ hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc như quy định tại Điều 9 của Nghị định 221/2013/NĐ-CP đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có nhiều thời gian, việc thu thập đầy đủ các loại tài liệu theo quy định thật sự không dễ dàng chút nào, trong khi đó người nghiện luôn có tâm lý né tránh việc phải vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, mà số người nghiện ma túy ngày một tăng. Theo Báo cáo tình hình nghiện ma túy, công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện của Chính phủ gửi các Đại biểu Quốc hội, đến cuối tháng 9 năm 2014, cả nước có 204.377 người nghiện ma túy. Số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý đã tăng gần 4 lần trong 20 năm kể từ năm 1994 đến nay, nên quy định thời gian trên chưa thật sự phù hợp với thực tế, vì vậy, trước mắt cứ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, rồi sau đó các cơ quan chức năng có trách nhiệm bổ túc hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đúng, đủ theo quy định của pháp luật.

Tuy khó khăn là thực sự, nhưng theo quan điểm của người viết cách hiểu thứ nhất là hoàn toàn đúng và để thực hiện đúng quy định đó, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp trong hoạt động thật đồng bộ, nhịp nhàng; cán bộ phụ trách phải thật sự có năng lực, làm việc với tinh thần đầy trách nhiệm và điều không thể thiếu đó là việc trang bị cơ sở vật chất, máy móc thiết bị đủ để đáp ứng yêu cầu đặt ra. Thực tiễn cho thấy, việc lập hồ sơ đưa các đối tượng theo quy định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải trải qua nhiều quy trình, cụ thể, đối tượng được yêu cầu test ma túy tại trung tâm y tế dự phòng, nếu dương tính với chất ma túy sẽ được viết tự khai và cán bộ công an lấy lời khai, xác minh nơi cư trú. Sau đó, công an sẽ mời đối tượng để tống đạt quyết định giao cho địa phương. Hết ba tháng giáo dục tại xã phường, nếu không hiệu quả thì trưởng công an xã, phường, sẽ đề nghị chủ tịch UBND xã, phường lập hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221/2013/ NĐ-CP trong thời gian 24 tháng.  Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có văn bản hướng dẫn đầy đủ, nên trong thực tiễn áp dụng vẫn còn nhiều vướng mắc, xin nêu trường hợp cụ thể sau: Bùi Chí D. nơi cư trú tại 125C/2/39 Bình Lợi, phường 6, thành phố M, theo bản tự khai của D. cho thấy, tháng 9/2009 sau khi cai nghiện xong, D. trở về địa phương sinh sống, đến tháng 3/2014 thì tái sử dụng heroin, D. thường sử dụng ma túy bằng cách tiêm vào người. Phiếu trả lời kết quả sau khi test nước tiểu do Trung tâm y tế dự phòng thành phố M thực hiện cũng cho thấy đối tượng dương tính với heroin. Sau khi D. được giáo dục tại địa phương nhưng không chuyển biến, công an phường 6 – thành phố M có văn bản đề nghị UBND Phường 6, thành phố M ra quyết định đưa đối tượng nghiện ma túy vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc thời hạn 24 tháng. Tuy nhiên, hồ sơ đưa D. đi cai nghiện bị Phòng Lao động – Thương binh – Xã hội thành phố M, kết luận “chưa bảo đảm đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật theo quy định tại Điều 9, Nghị định 221/2013/NĐ-CP”, mà theo đó, hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cai nghiện bắt buộc phải có “Phiếu trả lời kết quả của người có thẩm quyền về tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người bị đề nghị áp dụng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”. Nghĩa là, trong hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với D., Trung tâm y tế thành phố M có trả lời về hội chứng nghiện của người nghiện ma túy, mà muốn có được kết quả đó hiện nay chỉ có các trung tâm cai nghiện ma túy lớn mới có đủ các trang thiết bị khám lâm sàng và xét nghiệm, có thời gian lưu bệnh để theo dõi mới có thể xác định chính xác. Từ thực tế trên, theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật XLVPHC thời hạn làm hồ sơ đưa các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 96 Luật XLVPHC không được kéo dài quá 3 tháng. Nếu quá thời hạn thì phải hủy hồ sơ, làm lại các bước ban đầu nên chắc chắn sẽ rất khó để đưa người nghiện ma túy có nơi cư trú đi chữa bệnh tại cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Do đó, để chủ trương đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc của Nhà nước đạt hiệu quả, nên chăng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm nghiên cứu ban hành những quy định có tính thống nhất chung trong việc thực hiện quy trình đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho cấp cơ sở nhưng bảo đảm tính pháp lý, tránh tình trạng dây dưa kéo dài gây tâm lý bất an, lo lắng của người dân do người nghiện lang thang bên ngoài gây mất an ninh trật tự, trong khi đó các cơ quan thực thi pháp luật vẫn loay hoay việc lập hồ sơ đề nghị đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

                                                        Th.S Lê Văn Sua



[1] Không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp sau đây:

a) Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;

b) Người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện;

c) Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.

[2] Việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không áp dụng đối với người đang tham gia các chương trình cai nghiện ma túy tại cộng đồng theo quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy.

[3] Không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đang tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện, trừ các trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định này.