Bình Định thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 -2007

19/11/2007
Thực hiện Quyết định 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/1/2003 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình PBGDPL từ năm 2003 đến năm 2007, Bình Định đạt nhiều kết quả trong việc triển khai nội dung, hình thức và biện pháp thực hiện.

Trên cơ sở Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003-2007, hằng năm, UBND tỉnh Bình Định đều ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm cụ thể hoá từng nội dung thực hiện Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn cho các sở, ban, ngành, 11 huyện, thành phố trong tỉnh tổ chức triển khai đến cơ sở. UBND tỉnh phân công Sở Tư pháp làm cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tỉnh phối hợp Hội Nông dân tỉnh Bình Định ký kết chương trình phối hợp liên tịch triển khai thực hiện chỉ thị 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho nông dân; phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh ký kết chương trình phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ; phối hợp với Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh ký kết chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật dân số, gia đình và trẻ em. Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo Sở Tư pháp trực tiếp tổ chức và phối hợp với các ngành, các cấp trong tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, các hội nghị chuyên đề  trên các lĩnh vực để tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Mục đích nâng cao cơ chế phối hợp thực hiện công tác PBGDPL, ngày 03/02/2005 UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 22/2005/QĐ-UB về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tỉnh Bình Định, theo đó, 11 Hội đồng phối hợp cấp huyện và hầu hết Hội đồng phối hợp cấp xã cũng ban hành quy chế tổ chức và hoạt động. Định kỳ, Hội đồng phối hợp các cấp đã tổ chức các phiên họp toàn thể và các phiên họp tổ thư ký. Giúp việc Hội đồng các cấp là các cơ quan tư pháp từ tỉnh đến huyện, xã. Hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các Hội đồng phối hợp các cấp kiện toàn tổ chức, tăng cường hoạt động và ban hành kế hoạch PBGDPL để thực hiện.

Đến nay, ở cấp tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quyết định công nhận 83 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh. Cấp huyện, Chủ tịch UBND huyện, thành phố Quyết định công nhận 115 báo cáo viên pháp luật cấp huyện. Nhìn chung, đội ngũ báo cáo viên pháp luật từ tỉnh đến huyện có trình độ thạc sĩ luật, cử nhân luật, và một số ít đại học chuyên ngành khác. Đa số báo cáo viên pháp luật là lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị và đoàn thể các cấp. Cấp xã, Chủ tịch UBND của 159 xã, phường, thị trấn ra Quyết định công nhận 1.871 tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở (theo Quyết định số 66/2006/QĐ-UBND ngày 05.7.2006 của UBND tỉnh Bình Định về việc ban hành Quy chế tuyên truyền viên pháp luật). Ngoài ra, thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, đến nay Bình Định đã hình thành 1.166 tổ hòa giải theo mô hình thôn, khu vực, khối phố, làng với 6.339 hòa giải viên.

Hằng năm các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở luôn gắn việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác PBGDPL với các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị; UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể phải hướng công tác PBGDPL về cơ sở, nội dung, hình thức, PBGDPL phải phù hợp từng địa bàn, đối tượng cụ thể, như: Đối cán bộ, công chức và chính quyền cơ sở phổ biến nội dung pháp luật chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí cho hàng vạn lượt cán bộ, công chức bằng nhiều hình thức có hiệu quả hơn trước. Đối với học sinh, sinh viên phổ biến một số văn bản pháp luật khác có liên quan như Luật nghĩa vụ quân sự, pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, pháp luật dân số và pháp luật phòng chống ma tuý, phòng chống các tệ nạn xã hội…Đối với các doanh nghiệp và cán bộ công đoàn ở các doanh nghiệp:chú trọng phổ biến, giới thiệu các văn bản pháp luật về an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, về việc thực hiện chế độ bảo hiểm cho các chủ doanh nghiệp, người lao động và cán bộ công đoàn ở các doanh nghiệp. Đối với các lực lượng vũ trang nhân dân phổ biến pháp luật lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, bài trừ các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm. Đối với các tầng lớp nhân dân phổ biến các quy định pháp luật về quyền sử dụng đất, các giao dịch dân sự liên quan cuộc sống hàng ngày…

Nhiều hình thức phổ biến giáo dục pháp luật được tỉnh Bình Định  vận dụng và thực hiện có hiệu quả. Thông qua tổ chức tập huấn, hội nghị, toạ đàm…về kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL và phổ biến các quy định pháp luật do Quốc hội vừa ban hành và các văn bản thiết thực cuộc sống địa phương để tổ chức tuyên truyền. Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL các cấp còn tổ chức biên soạn nhiều đề cương nội dung các văn bản luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, biên soạn hỏi đáp pháp luật, xuất bản bản tin Tư pháp Bình Định, biên soạn các chuyên đề pháp luật…nhằm cung cấp cho các thành viên trong Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL các cấp, cung cấp cho các báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật và hoà giải viên cơ sở làm tài liệu, cẩm nan thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Tổ chức tốt khai thác và hướng dẫn mục đầu sách nhằm bổ sung cho các tủ sách pháp luật cấp xã, đồng thời hướng dẫn các xã đầu tư kinh phí mua sắm bổ sung đầu sách pháp luật ở xã và hướng dẫn các ngành, nhân dân ở xã mình khai thác có hiệu quả. Thông qua cơ quan thông tin đại chúng xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục pháp luật để tuyên truyền các quy định pháp luật đến tận người dân. Báo, Đài phát thanh – truyền hình cũng xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục với nhiều tin, bài, phóng sự liên quan đến hoạt động và thực thi pháp luật. 100% các huyện, thành phố thuộc tỉnh duy trì thường xuyên chuyên mục “Pháp luật và đời sống” trên đài truyền thanh cấp huyện với thời lượng từ 15 đến 20 phút hàng tuần, kịp thời tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, Đài phát thanh – truyền hình tỉnh và Đài truyền thanh các huyện miền núi như Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An lão hàng tuần có chương trình phát tiếng dân tộc ít người dành cho đồng bào Bana, Hre, Chăm sinh sống ở những vùng này.Thông qua thi tìm hiểu pháp luật, thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý và hoạt động hoà giải ở cơ sở, Thông qua câu lạc bộ pháp luật ở cơ sở.

Qua 5 năm thực hiện Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003-2007 trên địa bàn tỉnh Bình Định đã phát huy được vai trò của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL các cấp. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật huyện, xã, tuyên truyền viên pháp luật và hoà giải viên cơ sở không ngừng tăng cường số lượng, nâng cao nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật. Nội dung và hình thức tuyên truyền hướng đến từng đối tượng, đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu pháp luật cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, Bình Định vẫn còn một số khuyết điểm, tồn tại như một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa coi trọng và thường xuyên lãnh đạo và chỉ đạo công tác tuyên truyền, PBGDPL; chưa xác định rõ, đầy đủ vị trí, vai trò của công tác PBGDPL, cơ chế phối hợp giữa các thành viên trong Hội đồng phối hợp chưa chặt chẽ, chưa theo sát được yêu cầu, đòi hỏi của công tác PBGDPL trong từng thời kỳ; nội dung, hình thức PBGDPL tuy có định hướng cho từng thời kỳ nhưng chưa thật sự phong phú, đa dạng; chưa tiến hành thường xuyên, liên tục, kịp thời; chất lượng tuyên truyền, PBGDPL còn hạn chế, chưa thật sự phù hợp đối tượng, nên ý thức chấp hành pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của một bộ phận cán bộ, nhân dân còn hạn chế.  

 Thời gian đến: Chương trình PBGDPL từ năm 2003-2007 ban hành kèm theo Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17.3.2003 của Thủ tướng Chính phủ đến hết năm 2007 sẽ kết thúc, tuy nhiên yêu cầu công tác PBGDPL phải được thực hiện thường xuyên liên tục.Chính phủ cần ban hành Chương trình PBGDPL trong năm năm tiếp theo, mục đích làm cơ sở pháp lý cho các địa phương trong cả nước tiếp tục thực hiện công tác PBGDPL. Đồng thời, Chính phủ nên coi Chương trình PBGDPL trong 5 năm tiếp theo là chương trình mục tiêu của Quốc gia nhằm đầu tư kinh phí nhiều hơn nữa từ nguồn ngân sách nhà nước cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cơ sở. Cần quan tâm việc biên soạn tài liệu, cung cấp đề cương truyên truyền pháp luật nhiều hơn nữa nhằm cung cấp cho địa phương tuyên truyền, nhất là những tài liệu tuyên truyền liên quan đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bằng dân tộc thiểu số. Các cấp ủy Đảng, tổ chức đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận, đoàn thể tiếp tục quán triệt sâu sắc và xác định rõ công tác PBDGPL là công tác chính trị, tư tưởng là trách nhiệm của hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng.Trong thời gian tới, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác này để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của pháp luật trong thực tế, tạo sự chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân trong cuộc sống….

Nguyễn Huỳnh Huyện