Vân Canh - Bình Định: Đưa chính sách DS-GĐ&TE vào hương ước

19/11/2007
Huyện miền núi Vân Canh, Bình Định là một trong những địa phương thực hiện tốt chủ trương đưa một số chính sách DS-GĐ&TE vào hương ước, quy ước khu dân cư. Sau khi tổ chức thí điểm ở 16 làng thôn, Uỷ ban DS-GĐ&TE, Phòng Tư pháp huyện phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai tiếp cho 12 làng, thôn khác trong huyện.

Trước khi triển khai cho 12 làng , thôn trong năm 2007, Uỷ ban DS-GĐ&TE và Phòng Tư pháp phối hợp tổ chức đợt khảo sát, đánh giá các kết quả của công tác này thông qua hình thức hội thảo, lấy ý kiến các thành viên UBND, Tư pháp, Văn hoá-thông tin, cán bộ chuyên trách DS-GĐ&TE xã, thị trấn và 16 trưởng thôn, 16 nhân viên y tế làng, thôn trong xây dựng, phổ biến nội dung hương ước trong quản lý và tổ chức tuyên truyền vận động người dân thực hiện. Trực tiếp thăm hỏi, điều tra 1.600 hộ gia đình cam kết thực hiện bản hương ước, hầu hết đều có ý thức tự giác thực hiện tốt.

Qua một năm triển khai đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và nhân dân các địa phương trong việc thực hiện quy định về công tác DS-GD&TE. Công tác này ở 16 thôn, làng có sự tiến bộ rõ rệt, nhất là các làng người dân tộc thiểu số như : Cà Xiêm, Hà Văn Dưới, Hà Văn Trên xã Canh Thuận; làng Hiệp Hội, Hiệp Giao thị trấn Vân Canh; thôn Tân Quang xã Canh Hiển và thôn An Long 1 xã Canh Vinh.

Về dân số và gia đình: Có hơn 86% đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ tự nguyện đăng ký thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại; trẻ em sinh năm 2005 là 126 em, năm 2006 là 104 em, giảm 22 em; trong đó số trẻ em con thứ 3 trở lên giảm 15 em. Số thôn không có người sinh con thứ 3 tăng lên 5 thôn, nạn tảo hôn đã giảm hẳn, các cặp vợ chồng đã nhận thức tốt về chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Các hộ gia đình đã nâng cao trách nhiệm trong đăng ký hộ tịch, làm giấy khai sinh cho con, có ý thức trong việc giữ gìn truyền thống gia đình. Nhiều gia đình được công nhận gia đình văn hóa và được đi dự gặp mặt biểu dương các gia đình tiêu biểu cấp huyện, tỉnh. Nam giới đã biết chia sẻ với vợ trong thực hiện KHHGĐ và nuôi dạy con cái. Nhờ đó mà số chị em phụ nữ tham gia công tác xã hội ngày càng nhiều. Phong trào xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc được tổ chức phát động thường xuyên và rộng khắp trong các thôn, xóm.

Về bảo vệ và chăm sóc trẻ em: Các bậc cha mẹ đã quan tâm đến việc nuôi dưỡng con cái nhiều hơn; hạ tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng 3,5% năm; tỷ lệ trẻ em học tập đạt khó giỏi tăng 7,2%; 100% trẻ em 6 tuổi được vào lớp 1 và có đầy đủ sách vở để học tập; trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ khám chữa bệnh đầy đủ; không xảy ra các trường hợp đánh đập, ngược đãi trẻ em; trẻ em mồ côi, khuyết tật, trẻ em nghèo được quan tâm chăm sóc.

Nhìn chung nhân dân đã tự giác chấp hành các quy định trong hương ước, từng gia đình, từng người dân có ý thức vươn lên để thoát khỏi đói nghèo. Biết phát huy thế mạnh truyền thống của địa phương, động viên mọi người hăng hái học tập, lao động góp phần xây dựng quê hương ngày một phát triển. Công tác giáo dục bình đẳng giới và phát triển bền vững được chú trọng. Mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc được người dân tích cực hưởng ứng. Các gia đình giúp đỡ nhau giải quyết khó khăn cùng vươn lên trong cuộc sống; các mâu thuẫn được giải quyết kịp thời thỏa đáng

Tuy nhiên, việc đưa một số công tác DS-GĐ&TE vào hương ước, quy ước khu dân cư ở huyện miền núi Vân Canh vẫn còn một số khiếm khuyết cần khắc phục đó là : Sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể ở các địa phương chưa thật sự chặt chẽ; công tác tuyên truyền vận động chưa thường xuyên liên tục. Do trình độ dân trí không đồng đều nên việc nhận thức và thực hiện sự cam kết chưa triệt để.

Trên cơ sở các kết quả đã đạt được và những khiếm khuyết trong quá trình triển khai thực hiện sẽ là bài học quý cho Uỷ ban DS-GĐTE, phòng Tư pháp huyện Vân Canh và các ngành đoàn thể liên quan trong phối hợp, tổ chức triển khai phong trào này trong những năm sắp đến.

Huỳnh Huyện