Năm 2007, công tác hành chính tư pháp của Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng được đẩy mạnh theo hướng tiếp tục cải cách hành chính.

16/11/2007
Năm 2007, công tác hành chính tư pháp được Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng tiếp tục thực hiện theo hướng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Trong năm, Sở đã trình UBND thành phố ban hành Đề án cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa” (tiếp tục sửa đổi cho phù hợp với các văn bản mới ban hành như NĐ 158, NĐ 69); Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất mà Sở Tư pháp thành phố đã hoàn thành tốt trong năm 2007 là tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao văn hoá pháp lý trong cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn thành phố. Tập trung thúc đẩy, đưa công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với chủ trương, chương trình phát triển KT-XH của thành phố. Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này, năm 2007, Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 1970/QĐ-UBND ngày 14/3/2007 (thay thế Quyết định số 150/2004/QĐ-UB) về việc thành lập Hội đồng Phối hợp công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố Đà Nẵng, gồm 28 thành viên; ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Phối hợp công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật và ban hành Quyết định số 2731/QĐ-UBND ngày 10/4/2007 (thay thế Quyết định số 8417/QĐ-UB) công nhận báo cáo viên pháp luật thành phố với số lượng 70 báo cáo viên; Tập huấn, bồi dưỡng pháp luật và kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho Báo cáo viên pháp luật và thành viên Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật 07 quận, huyện. Đã trực tiếp tuyên truyền miệng các nội dung pháp luật được 35 buổi cho 8.500 người tham dự, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2006. Những nội dung pháp luật được tập trung tuyên truyền là: Luật Phòng chống, tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thương mại, Luật Thanh niên, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Luật sư, Luật Công chứng, Nghị định 32/CP của Chính phủ về an toàn giao thông… Đặc biệt, để phục vụ cho cuộc bầu cử Quốc hội khoá XII, việc tuyên truyền Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bình đẳng giới… được quan tâm và triển khai với quy mô rộng, góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử trên địa bàn thành phố. Sở đã phối hợp với Báo Đà Nẵng trong việc duy trì thường xuyên chuyên mục “Pháp luật&công dân” trên các số báo ra ngày thứ 3, thứ 5 hàng tuần và nhiều nội dung pháp luật được đăng tải thông qua các chuyên mục không thường xuyên như “Giải đáp pháp luật”, “Vấn đề bạn quan tâm”, “An ninh trật tự”, “Trả lời thư bạn đọc”; Phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình thực hiện 1.095 poster mục “Tìm hiểu pháp luật” (tăng 36 % so với cùng kỳ năm trước) mỗi ngày 3 lần trên sóng truyền hình về Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Phòng chống tham nhũng, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước... Phối hợp thực hiện các chuyên mục tìm hiểu pháp luật với 450 nội dung truyền thông pháp luật, 20 cuộc trao đổi, phỏng vấn, 12 phim chuyên đề, 60 phóng sự phản ánh, 80 câu chuyện pháp luật về an toàn giao thông, trả lời giải đáp pháp luật 240 đơn thư trên sóng phát thanh truyền hình về đất đai, thừa kế, tranh chấp lao động, hôn nhân gia đình, các chính sách người có công...; Phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức các lớp bồi dưỡng pháp luật cho giáo viên trong dịp hè 2007; Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu trình UBND thành phố ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư số 63/2005/TT-BTC của Bộ Tài chính; Phối hợp với Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết 05 năm hoạt động Câu lạc bộ 09; Phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin tiến hành kiểm tra việc quản lý, khai thác và sử dụng tủ sách pháp luật xã, phường trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra, báo cáo đề xuất UBND thành phố một số giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng tủ sách pháp luật và hỗ trợ 600 đầu sách cho tủ sách pháp luật 56 xã, phường. Đối với công tác biên soạn tài liệu, Sở đã biên soạn, in ấn và phát hành 7.500 cuốn Sổ tay pháp luật dành cho cán bộ Tư pháp xã, phường; biên soạn, 10.000 cuốn tài liệu tuyên truyền về an toàn giao thông đường bộ; phát hành 3.500 tập tài liệu hỏi - đáp về Luật Phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; 20.000 tờ gấp (tăng 87% so với cùng kỳ năm 2006) tuyên truyền về Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công chứng, Luật Cư trú, Luật HIV/AIDS, Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước, Luật phòng chống ma túy, tội phạm. Năm 2007 cũng là năm đầu tiên Sở Tư pháp phát hành đặc san Tư pháp Đà Nẵng và đã thực hiện được 3 số với số lượng 500 cuốn/1 số; Tổ chức thu bài, chấm thi cuộc thi tìm hiểu Luật phòng chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để tổng kết trao giải cuộc thi vào cuối năm, với tổng số 48.543 bài tham gia dự thi; Tiếp tục biên soạn và thực hiện 4.100 phiếu khảo sát, điều tra xã hội học về kiến thức và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân, thanh niên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng…

Thực hiện sự chỉ đạo của Sở trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, các Phòng Tư pháp các quận, huyện tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật năm 2007; đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật bầu cử đại biểu Quốc hội phục vụ cho đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII; đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến Luật Cư trú, Luật Công chứng và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền miệng; thông qua họp tổ dân phố; sinh hoạt đoàn thể; hái hoa dân chủ; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, phát hành tài liệu, cung cấp tờ gấp tuyên truyền; phổ biến pháp luật trên Đài truyền thanh; xây dựng pa nô, khẩu hiệu; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật thông qua sân khấu hoá… Các Phòng Tư pháp quận, huyện đã thực hiện được 3.790 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho tới tận các Tổ dân phố; phát hành 74.663 bộ tài liệu các loại phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở các địa phương.

Đặc biệt, nhằm để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch trong việc bảo đảm và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch và nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trong công tác chứng thực, Sở đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tăng cường kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu về công tác đăng ký và quản lý hộ tịch tại xã, phường, quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo cơ chế “một cửa” và Đề án nâng cao kỹ năng nghiệp vụ công chứng, chứng thực cho đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch và chứng thực quận, huyện, xã, phường trên địa bàn thành phố.

Sở đã thụ lý giải quyết 256 trường hợp đăng ký kết hôn, trong đó kết hôn với công dân Đài Loan là 07 trường hợp (tăng 03 trường hợp so với cùng kỳ năm 2006); 91 trường hợp đăng ký giao nhận con nuôi; Cấp 1.566 phiếu xác nhận lý lịch tư pháp; 43 trường hợp đăng ký khai sinh; 11 trường hợp đăng ký khai tử; 24 trường hợp chứng nhận quốc tịch; 24 trường hợp nhận cha mẹ con; 51 trường hợp sao lục khai sinh, kết hôn; Tổng hồ sơ giải quyết là 2.066. Như vậy, so với năm 2006, số lượng đăng ký kết hôn giảm 43 trường hợp, nuôi con nuôi tăng 18 trường hợp, giải quyết hồ sơ đăng ký khai sinh giảm 21 trường hợp, cấp phiếu lý lịch tư pháp giảm 122 trường hợp.

Các đơn vị cơ sở đã đăng ký sinh cho 13.277 trường hợp; đăng ký tử: 2.722 trường hợp; đăng ký kết hôn cho: 6.089 đôi và cải chính hộ tịch cho 563 trường hợp (so với năm 2006, các trường hợp đăng ký sinh giảm 984 trường hợp, đăng ký kết hôn tăng 594 đôi và khai tử tăng 200 trường hợp).

Như vậy, trong năm 2007, trên lĩnh vực hành chính tư pháp Sở Tư pháp thành pháp thành phố Đà Nẵng đã triển khai thực hiện nhiều đề án quan trọng, trong đó, Sở đã tập trung cho việc bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ cơ sở, tập trung biên soạn, in ấn, phát hành những tài liệu bổ ích, thiết thực về nghiệp vụ gắn với công tác chuyên môn ở cơ sở để phục vụ tốt cho các nhiệm vụ được giao; Tổ chức cuộc thi Hộ tịch viên giỏi toàn thành phố năm 2007 tạo sân chơi nhằm để các cán bộ tư pháp ở cơ sở giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Đặc biệt, Sở được UBND thành phố giao thực hiện Đề án xây dựng phần mềm dữ liệu Hộ tịch toàn thành phố để phục vụ cho công tác hộ tịch. Hiện nay phần mềm này đang được Trung tâm công nghệ phần mềm thành phố xây dựng và sẽ đưa vào sử dụng đầu năm 2008.

Thu Hường