Hội nghị tổng kết Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành

24/11/2017
Hội nghị tổng kết Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành
Sau hơn 8 năm triển khai thi hành, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc xác định quốc tịch Việt Nam, góp phần vào việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hiện thực hóa chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước… Đây là những đánh giá tích cực về vai trò của Luật năm 2008 đối với việc điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quốc tịch được các đại biểu đồng tình tại Hội nghị tổng kết Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 24/11.

Giải quyết hàng chục nghìn hồ sơ về quốc tịch
Theo báo cáo tổng kết của các địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (gọi tắt là CQĐD), từ ngày 1/7/2009 đến ngày 31/3/2017, Chủ tịch nước đã quyết định cho phép 5.025 trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam, 71 trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam, 62.315 trường hợp được thôi quốc tịch Việt Nam. Trong số này, số hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam tập trung đông ở địa bàn Đức, Đài Loan, Hàn Quốc, Na Uy, Nhật Bản – những nước theo nguyên tắc một quốc tịch; hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam tập trung ở địa bàn Đài Loan, Cộng hòa Séc. Việc nhập quốc tịch Việt Nam chủ yếu được giải quyết cho người không quốc tịch cư trú ổn định tại Việt Nam, còn công dân nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam thì rất ít (chủ yếu là người có vợ/chồng là công dân Việt Nam và còn lại là vận động viên thể thao nhập tịch để thi đấu cho các câu lạc bộ trong nước).

Quy định tại Điều 22 Luật năm 2008 đã tạo cơ sở pháp lý giải quyết việc nhập quốc tịch Việt Nam cho hàng nghìn người không quốc tịch đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên, góp phần quan trọng vào việc giải quyết tồn đọng mang tính lịch sử về tình trạng người không quốc tịch ở nước ta. Bên cạnh đó, các Sở Tư pháp trong cả nước và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã cấp 15.058 Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam; 1.398 Giấy xác nhận gốc Việt Nam cho người có yêu cầu. Đối với những người di cư tự do từ các nước có chung đường biên giới với Việt Nam mà chưa đủ điều kiện để nhập quốc tịch Việt Nam theo Điều 22 hay theo thủ tục thông thường thì cũng được áp dụng Luật Quốc tịch năm 2008 để giải quyết theo thủ tục đơn giản.
Giấy tờ đã cấp trước khi được thôi quốc tịch không bị thu giữ
Đánh giá hơn 8 năm thực hiện Luật năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh điểm lại một số kết quả nổi bật đã đạt được. Đáng chú ý là nguyên tắc một quốc tịch theo hướng “mềm dẻo” đã tạo sự linh hoạt cần thiết cho việc giải quyết các vấn đề về quốc tịch Việt Nam, phần nào đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận người Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn giữ quốc tịch Việt Nam khi đã có quốc tịch nước ngoài cũng như một số người nước ngoài được giữ quốc tịch nước ngoài khi nhập quốc tịch Việt Nam.

Có điều, thực tế cho thấy, nhiều người đã thôi quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn giữ giấy tờ được cấp trước đó (như Chứng minh nhân dân, Giấy khai sinh ghi quốc tịch Việt Nam, Sổ Hộ khẩu…) hay một số người nước ngoài tuy chưa được nhập tịch Việt Nam song đã được đăng ký thường trú, được cấp Chứng minh nhân dân, thậm chí cả Thẻ cử tri. Thực tế đó có thể tạo tiền lệ xuất hiện tình trạng chứng minh quốc tịch Việt Nam bằng giấy tờ giả mạo. Lo ngại về vấn đề trên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) Trần Văn Dự cũng phản ánh tình trạng có thể lạm dụng giấy tờ đã được cấp khi một người đã thôi quốc tịch Việt Nam và chỉ ra nguyên nhân là chưa có quy định về cơ quan nào có thẩm quyền thu giữ những giấy tờ này.

Trăn trở và chia sẻ với các ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực quốc tịch, nhất là trong bối cảnh nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng, đã trở thành nước có thu nhập trung bình, là điểm đến hấp dẫn thu hút người nước ngoài đến đầu tư, sinh sống. Thứ trưởng Ngọc quan niệm, quốc tịch là vấn đề mà từ đó một cá nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình, đồng thời quyền có quốc tịch là quyền được pháp luật quốc tế ghi nhận. Bởi thế, Thứ trưởng nhận thấy Luật năm 2008 đã đi vào cuộc sống, đồng thời thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần hoàn thiện để đảm bảo triển khai các quy định của Luật được thống nhất, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển đất nước bền vững, giữ vững an toàn, an ninh quốc gia.

Nhân Hội nghị tổng kết, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 8 tập thể và 8 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 từ năm 2009 - 2017
H.Thư