Nâng cao hiệu quả công tác pháp chế đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền

23/11/2017
Nâng cao hiệu quả công tác pháp chế đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền
Sáng ngày 22/11/2017, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu chính thức Đề tài “Nâng cao hiệu quả công tác pháp chế đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam”, do Trường Đại học Luật Hà Nội là tổ chức chủ trì, TS. Trần Văn Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật làm chủ nhiệm Đề tài.

Hội đồng nghiệm thu do TS. Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp làm Chủ tịch, cùng thành viên Hội đồng là các chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn sâu, bề dày kinh nghiệm quản lý nhà nước về công tác pháp chế như PGS.TS. Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế; TS. Dương Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý; TS. Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ; TS. Võ Đình Toàn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý; …
Đại diện cho Ban chủ nhiệm báo cáo kết quả thực hiện Đề tài tại Hội đồng nghiệm thu, TS. Trần Văn Đạt đã trình bày tóm tắt về tình hình triển khai cũng như kết quả đạt được của Đề tài. Theo đó, mục tiêu của Đề tài là làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn về công tác pháp chế; tổng hợp, phân tích các chủ trương, chính sách, các quy định hiện hành về công tác pháp chế; đánh giá thực trạng công tác pháp chế tại Việt Nam, những tồn tại hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; phân tích những yêu cầu đặt ra đối với công tác pháp chế trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam; từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác pháp chế, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Đề tài đã được Hội đồng đánh giá cao bởi sự nghiêm túc, công phu, bài bản của Ban chủ nhiệm trong quá trình nghiên cứu như hệ chuyên đề đáp ứng mục tiêu nghiên cứu đề ra; hoạt động kiểm tra, khảo sát, thu thập số liệu đầy đủ, chính xác, trung thực; Báo cáo tổng thuật đã tiếp tục làm rõ được những yêu cầu của Nhà nước pháp quyền đối với công tác pháp chế, đánh giá toàn diện hoạt động của công tác pháp chế trong phạm vi cả nước; phân tích đầy đủ nguyên nhân, khó khăn vướng mắc và đề xuất được một số giải pháp mới, táo bạo đối với công tác pháp chế trong thời gian tới;…

Tuy nhiên, Hội đồng cũng đề nghị Ban chủ nhiệm Đề tài tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa Kết quả nghiên cứu của Đề tài theo ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng và khẩn trương áp dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
Kết quả nghiên cứu của Đề án được Hội đồng đánh giá nghiệm thu xếp loại Đạt./.