Khai thác tối đa tính liên thông trong đào tạo nghề luật sư theo tín chỉ

12/05/2017
Khai thác tối đa tính liên thông trong đào tạo nghề luật sư theo tín chỉ
Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu tại cuộc họp thẩm định Chương trình khung đào tạo nghề luật sư theo hệ thống tín chỉ của Học viện Tư pháp diễn ra vào ngày 11/5.
Đây là chương trình nhằm đào tạo người có bằng cử nhân luật có kỹ năng hành nghề luật sư cơ bản và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp để có thể hành nghề luật sư sau khi kết thúc thời gian tập sự. Qua đó góp phần phát triển đội ngũ luật sư cả về chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Theo chương trình, đối tượng đào tạo là người có trình độ cử nhân luật trở lên, thời gian đào tạo là 12 tháng (37 tín chỉ). Kết thúc chương trình, học viên sẽ hiểu và vận dụng được các quy định pháp luật về nghề nghiệp, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề của luật sư; hiểu và vận dụng được các kiến thức pháp lý trong các lĩnh vực hành nghề. Đặc biệt, học viên sẽ được trang bị các kỹ năng quan trọng như tư vấn pháp luật, tham gia giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, kỹ năng đại diện ngoài tố tụng và cung cấp các dịch vụ pháp lý.
 

Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Văn Huyên, chương trình đã kết hợp được đặc thù đào tạo nghề luật sư và kế thừa được những điểm mạnh của những chương trình đào tạo trước đó, trang bị được kiến thức hành nghề cơ bản cho người học, bảo đảm sự cân đối giữa lý thuyết và thực hành. Quan trọng hơn, chương trình còn giúp học viên tạo được định hướng chuyên sâu nghề nghiệp và tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa việc học tại trường và quá trình tập sự hành nghề luật sư về sau.
Góp ý thêm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến kiến nghị nhà trường cần cụ thế hóa mục tiêu đào tạo và làm rõ hơn nữa các kiến thức có thể trang bị cho người học. Đồng thời ông cũng đề xuất sắp xếp lại thứ tự ưu tiên các môn học theo trình tự học về kỹ năng tranh tụng, tư vấn rồi mới đến các lựa chọn học nâng cao để phù hợp tâm lý người học, giúp việc tiếp thu kiến thức đạt hiệu quả tối đa.
 

Còn Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho rằng cần thiết bổ sung những nội dung giảng dạy liên quan đến thương mại quốc tế để đáp ứng yêu cầu của chương trình luật sư hội nhập quốc tế. Cùng với đó, nhà trường cần quan tâm hơn nữa đến kỹ năng giải quyết tranh chấp ngoài tòa án như hòa giải, trọng tài vì phương thức giải quyết này đang rất phổ biến trên thế giới, được khách hàng lựa chọn nhiều hơn, đặc biệt là trong các tranh chấp thương mại quốc tế.
Đánh giá việc chuyển đổi từ cách thức đào tạo truyền thống sang đào tạo tín chỉ là chủ trương vô cùng đúng đắn trong bối cảnh hiện nay, Giám đốc Học viện Tư pháp Đoàn Trung Kiên nhận định mấu chốt vẫn là việc chuyển đổi về cách thức dạy và học bởi đào tạo nghề mà chủ yếu lại ủy thác cho học viên tự học, tự nghiên cứu thì cũng rất khó. Do vậy, nhà trường sẽ tiếp tục nghiên cứu, tăng cường việc mời các chuyên gia tham gia giảng dạy, đổi mới phương pháp dạy và học, trao thêm quyền dân chủ cho học viên để hiệu quả học tập không ngừng được nâng cao.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Lê Tiến Châu yêu cầu cần rà soát kỹ lưỡng các ngành đào tạo; giảm thời lượng dạy lý thuyết; tăng thời gian tự học, làm việc nhóm; tăng số lượng tín chỉ tự chọn để tạo sự hấp dẫn và tính chủ động cho người học. Thứ trưởng nhấn mạnh tính liên thông là ưu điểm lớn của đào tạo tín chỉ nên nhà trường cần tận dụng tối đa cơ hội này nhằm tạo bước chuyển mình mạnh mẽ.
Kim Quy