Thông tin đơn giản sẽ được cung cấp ngay

12/05/2017
Thông tin đơn giản sẽ được cung cấp ngay
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Tiếp cận thông tin (TCTT). Dự thảo Nghị định này vừa được báo cáo tại cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập diễn ra ngày 11/5 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu.
Theo Dự thảo Nghị định, đơn vị đầu mối/ cán bộ đầu mối cung cấp thông tin tiến hành cung cấp thông tin theo hình thức phù hợp và cung cấp ngay đối với các thông tin đơn giản, có sẵn. Các thông tin đơn giản, có sẵn bao gồm thông tin có sẵn trong bản giấy có thể sao chụp được ngay tại trụ sở cơ quan với số lượng ít; thông tin trong bản điện tử có sẵn trong cơ sở dữ liệu thông tin của cơ quan có thể cung cấp được ngay; thông tin đã có sẵn bản sao đối với hình thức chứa đựng thông tin khác; thông tin không thuộc phạm vi thông tin không được quy định tại Điều 6, Điều 7 của Luật TCTT; thông tin thuộc bí mật nhà nước đã được giải mật theo quy định của pháp luật; thông tin quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật TCTT đã được cơ quan nhà nước cung cấp; thông tin mà cán bộ đầu mối có thể bố trí ngay cho người yêu cầu được trực tiếp đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chụp tài liệu tại trụ sở cơ quan.
Đối với thông tin phức tạp, không có sẵn thì đơn vị đầu mối/ cán bộ đầu mối chuyển yêu cầu cung cấp thông tin tới đơn vị chủ trì tạo ra thông tin được yêu cầu. Đây là những thông tin mà nội dung cần được cơ quan cung cấp thông tin kiểm tra có thuộc phạm vi thông tin công dân không được tiếp cận quy định tại Điều 6 hoặc thông tin được tiếp cận có điều kiện quy định tại Điều 7 Luật TCTT; thông tin có trong bản giấy hoặc hình thức chứa đựng thông tin khác nhưng chưa thể sao, chụp được ngay; thông tin được yêu cầu với số lượng khá lớn hoặc được yêu cầu cung cấp nhiều thông tin khác nhau và phải tập hợp từ nhiều nguồn thông tin; thông tin trong bản điện tử nhưng không có sẵn trong cơ sở dữ liệu thông tin mà phải tập hợp từ các đơn vị, bộ phận của cơ quan; thông tin cần thiết phải có ý kiến của cơ quan, tổ chức, đơn vị khác để xác định có thể cung cấp hay không.
Các ý kiến của thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập nhấn mạnh vai trò quan trọng của thông tin trong thời đại ngày nay nhưng cũng nêu những khó khăn về các loại thông tin cần cung cấp, thời điểm của thông tin cần cung cấp… nên đều tán thành việc hướng dẫn cụ thể hơn về những thông tin được tiếp cận. Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) Nguyễn Chi Lan chia sẻ, việc làm rõ những loại thông tin được tiếp cận là rất cần thiết bởi trong thực tế chắc chắn sẽ có thông tin phát sinh mâu thuẫn về lợi ích giữa các bên. Bà Lan dẫn chứng, khi Cục yêu cầu cung cấp thông tin về thế chấp các dự án nhà ở hình thành trong tương lai thì người dân hoan nghênh, ngược lại các doanh nghiệp phản ứng vì như vậy là công khai tình trạng mắc nợ của họ.
Tương tự, kinh nghiệm từ Bộ Quốc phòng cho thấy thông tin công khai càng nhiều thì càng tốt. Vị đại diện Bộ này điểm lại các đơn vị thuộc Bộ được giao nhiệm vụ cung cấp những thông tin cụ thể nào. Theo ông, thông tin mà người dân muốn tiếp cận chủ yếu là thông tin của các cơ quan nhà nước. Vì thế, cần phân loại thành thông tin cung cấp chủ động và thông tin cung cấp bị động. Trong đó, thông tin cung cấp chủ động là thông tin không mật, buộc cơ quan nhà nước phải đăng tải công khai trên trang/cổng thông tin điện tử của mình, còn thông tin cung cấp bị động theo hướng giảm tài liệu mật, nhưng tài liệu hạn chế tiếp cận thì nhiều cơ quan không đưa công khai mà mỗi khi người dân cần sẽ yêu cầu cơ quan chức năng cung cấp.
Thứ trưởng Lê Tiến Châu nêu bật ý nghĩa của Luật TCTT được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 11, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Đây là đạo luật rất quan trọng tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền TCTT của công dân và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Để đảm bảo Luật đi vào cuộc sống, việc ban hành Dự thảo Nghị định quy định chi tiết là cần thiết để vừa không “treo” quyền TCTT của công dân vừa không tạo ra áp lực quá lớn cho các cơ quan nhà nước. Theo Thứ trưởng, nhu cầu cung cấp thông tin của người dân rất lớn song cũng phải phù hợp với điều kiện, khả năng đáp ứng của cơ quan nhà nước, do đó cách làm hiệu quả chính là tăng cường cung cấp thông tin chủ động như ý kiến của đại diện Bộ Quốc phòng.
H.Thư