Bảo đảm tăng cường trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt hành chính

05/05/2017
Bảo đảm tăng cường trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt hành chính
Chiều 4/5, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo đề xuất chính sách về kiểm tra, xử lý trách nhiệm trong thi hành pháp luật (THPL) về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC). Đây là nhiệm vụ được thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình giao tại văn bản số 1798/VPCP-PL.
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi THPL Đặng Thanh Sơn cho biết, trên cơ sở của Luật XLVPHC, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2013/NĐ-CP, trong đó có đề cập đến việc kiểm tra một số nội dung THPL về XLVPHC, phương thức kiểm tra và báo cáo kết quả kiểm tra. Tuy nhiên, công tác kiểm tra việc THPL về XLVPHC còn thiếu nhiều quy định cơ bản, có tính “xương sống” như quy định về trình tự, thủ tục, hình thức, cách thức tổ chức kiểm tra, thực hiện kết luận kiểm tra việc THPL về XLVPHC; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện kết luận kiểm tra; xử lý trách nhiệm người có thẩm quyền trong thực thi công vụ gắn với các hành vi, nhóm hành vi vi phạm điển hình…
Bên cạnh đó, qua thực tiễn hiện hành, nhiều bộ, ngành, địa phương rất lúng túng và gửi văn bản yêu cầu hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục kiểm tra và ban hành kết luận kiểm tra. Không những thế, Luật XLVPHC năm 2012 quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của 183 chức danh, chưa kể các chức danh có chức năng, nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành do Chính phủ quy định và một lực lượng không nhỏ người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của công dân nếu người có thẩm quyền áp dụng và THPL về XLVPHC không chính xác, đòi hỏi có chế tài xử lý trách nhiệm của người thi hành công vụ trong THPL về XLVPHC… Vì vậy, theo ông Sơn việc xây dựng và ban hành nghị định về kiểm tra, xử lý trách nhiệm trong THPL về XLVPHC là cần thiết và theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình.
Về lo lắng liệu có phải là nghị định “không đầu”, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức giải thích, đây là nghị định quy định biện pháp thi hành Luật XLVPHC, liên quan đến chức năng quản lý nhà nước được giao của Bộ Tư pháp nên phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Đa số các ý kiến tán thành sự cần thiết xây dựng Nghị định nhưng đề nghị làm “chung” để quy định về hoạt động kiểm tra. Bà Nguyễn Thị Phương Liên (Vụ Pháp luật hình sự hành chính) phân tích, nếu chỉ đặt vấn đề kiểm tra đối với lĩnh vực XLVPHC thì các lĩnh vực khác chắc cũng muốn ban hành, vậy nên chăng nhìn rộng hơn vì Cục được giao quản lý chung về theo dõi THPL. Còn về xử lý trách nhiệm, một số ý kiến cho rằng pháp luật về công chức đã quy định các hình thức xử lý kỷ luật, tương ứng với hành vi vi phạm nên cần cân nhắc nội dung này trong Nghị định này.
Đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Cục đối với hoàn thiện thể chế trong công tác XLVPHC, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, về mặt pháp lý có thể xây dựng nghị định nhưng tán thành bước đi của Cục là nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng chính sách về kiểm tra, xử lý trách nhiệm trong THPL về XLVPHC. Nhận thấy hoạt động kiểm tra được quy định trong rất nhiều văn bản từ nghị định, thông tư, Thứ trưởng cho rằng những quy định trên chưa thống nhất và yêu cầu chỉ đặt vấn đề kiểm tra trong lĩnh vực XLVPHC. Đối với xử lý trách nhiệm, Thứ trưởng lưu ý, xử lý trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự đều đã được quy định, do đó Nghị định chỉ khoanh lại việc xử lý kỷ luật, không tạo ra hình thức kỷ luật, trách nhiệm mới mà chỉ quy định cụ thể hành vi và tương ứng với hành vi là hình thức xử lý như thế nào để gắn được trách nhiệm của người có thẩm quyền.
Thục Quyên