Hội thảo “Nghiên cứu khoa học ở các cơ sở đào tạo Luật – Thực trạng và các giải pháp liên kết, phối hợp với Viện Khoa học pháp lý”

29/09/2011
Hội thảo “Nghiên cứu khoa học ở các cơ sở đào tạo Luật – Thực trạng và các giải pháp liên kết, phối hợp với Viện Khoa học pháp lý”
Sáng nay (29/9), Viện Khoa học pháp lý đã tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu khoa học ở các cơ sở đào tạo Luật – Thực trạng và các giải pháp liên kết, phối hợp với Viện Khoa học pháp lý”. Tham dự Hội thảo có đại diện các đơn vị thuộc Bộ, Khoa Luật các trường Đại học và đông đảo các sinh viên, nghiên cứu sinh. GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý chủ trì Hội thảo.

Nghiên cứu khoa học là một thành tố quan trọng đối với việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp nói riêng và của ngành Tư pháp nói chung. Viện Khoa học pháp lý là tổ chức sự nghiệp khoa học thuộc Bộ Tư pháp. Qua gần 30 năm phát triển, Viện Khoa học pháp lý đã trở thành Viện nghiên cứu Chiến lược của ngành Tư pháp. Viện đã có những đóng góp to lớn cả về nhân lực và hoạt động khoa học cho sự phát triển của Bộ, Ngành Tư pháp nói riêng và việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, chủ động hội nhập kinh tế, quốc tế nói chung của nước ta.

   

Với mục tiêu gắn hoạt động nghiên cứu khoa học đi liền với hoạt động đào tạo, trong thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học ở các cơ sở đào tạo luật đã tiến hành nghiên cứu nhiều đề tài phục vụ cho mục đích nghiên cứu và giảng dạy.

Hội thảo đã được nghe chuyên đề của Đại học Luật Hà Nội, Đại học Quốc gia, Viện Khoa học pháp lý, Học viện tư pháp, nêu bật thực trạng, giải pháp, tiềm năng và phương hướng nâng cao hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như mối liên kết, phối hợp với Viện Khoa học pháp lý.

   

GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý cho biết: Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao là một trong những đột phá của nền kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020. Trong Chiến lược cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tư pháp cũng được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Những nhu cầu nêu trên về chất lượng nguồn nhân lực nói chung và chất lượng nguồn tư pháp đặt ra những yêu cầu thách thức cho đào tạo luật cũng như đào tạo nghề luật. Cho tới nay phần lớn các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam vẫn chưa chuyển đổi mô hình từ “thuyết trình” truyền thống sang một mô hình giảng dạy và học tập mang tính tương tác cao. Phương pháp giảng dạy chưa được hiện đại hóa và còn mang nặng tính “áp đặt” nghiêm khắc theo đó sinh viên được yêu cầu nghe giảng thay vì được khuyến khích suy nghĩ sáng tạo. Ngay cả khi thực hiện việc đào tạo theo tín chỉ, phương pháp này cũng chưa có những thay đổi đáng kể.

   

Bên cạnh việc lồng ghép nghiên cứu khoa học vào chương trình đào tạo, các cơ sở đào tạo luật cần áp dụng chiến lược: giáo viên phải là người hỗ trợ sinh viên tham gia chủ động vào quá trình học tập; các cơ sở đào tạo luật nên cân nhắc lại các yêu cầu, tiêu chí cũng như quy trình kiểm tra đánh giá học viên; việc đánh giá sinh viên cần được tiến hành trong suốt quá trình học tập thông qua việc cố gắng và kết quả của họ trong các dự án nghiên cứu, các phiên tòa giả định, các hoạt động thực hành và những hoạt động tương tự khác; trong suốt quá trình dạy và học, chỉ trừ trong kỳ thi đầu vào, việc đánh giá bài làm, tiểu luận, nghiên cứu, và các hoạt động khác của sinh viên cần được coi là một trong những trách nhiệm quan trọng hàng đầu của giáo viên. Với những giải pháp nêu trên đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải có cách tiếp cận đúng với hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên.

T/N