Viện Khoa học pháp lý tổ chức Hội thảo “Những yêu cầu về thể chế để thực hiện trên thực tế mô hình đối tác công - tư”

22/09/2011
Viện Khoa học pháp lý tổ chức Hội thảo “Những yêu cầu về thể chế để thực hiện trên thực tế mô hình đối tác công - tư”
Hôm nay (22/9), Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo “Những yêu cầu về thể chế để thực hiện trên thực tế mô hình đối tác công - tư”. Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Ngân hàng nhà nước… GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý chủ trì Hội thảo.

Hội thảo đã được nghe 5 tham luận chuyên đề: “Áp dụng mô hình hợp tác công - tư PPP nhằm huy động các nguồn lực đầu tư công” của TS. Nguyễn Hồng Minh, Khoa Đầu tư – Đại học Kinh tế quốc dân; “Những nội dung chính của Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công – tư theo Quyết định 71/2010/QĐ-TTg” của Ths. Nguyễn Vân Hương, Cục Quản lý Đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư; “Kinh nghiệm huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực y tế và một số bài học về thể chế” của TS. Đặng Việt Hùng, Trưởng phòng Đầu tư, Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ Y tế; “Mô hình đối tác công tư và một vài kinh nghiệm áp dụng mô hình này ở Trung Quốc” của TS. Nguyễn Văn Quang, Phòng Hợp tác quốc tế, Đại học Luật Hà Nội; “Một số vấn đề hoàn thiện thể chế để thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công - tư” của TS. Võ Đình Toàn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.

Các đại biểu đã tham gia thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn trong việc thực hiện mô hình đối tác công – tư. Việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư theo yêu cầu thống nhất và minh bạch sẽ có tác dụng rất lớn để hình thức đầu tư này thu hút vốn nhằm giải quyết nhu cầu vốn rất lớn của đất nước, đặc biệt là đối với việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của nền kinh tế. Đây là một lĩnh vực kinh tế phức tạp cần tiến hành nhiều hoạt động như: cần có diễn đàn để trao đổi không chỉ là những nhà khoa học mà cần có tiếng nói của nhà đầu tư, cần tổ chức điều tra xã hội học, phát huy vai trò của báo chí để hiểu được tâm nguyện của tiền khi chung vốn với Nhà nước để đầu tư…

Phát biểu kết luận Hội thảo, GS.TS Lê Hồng Hạnh đã cảm ơn và ghi nhận những ý kiến trao đổi rất sâu sắc của các đại biểu tham dự và hy vọng trong thời gian tới thể chế để thực hiện trên thực tế mô hình đối tác công – tư sẽ đáp ứng hơn nữa nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước.

T/N