1. Giới thiệu chung
Phạm vi các phương thức giải quyết tranh chấp gồm: Thương lượng, Hòa giải, Hòa giải ba bên (Mini- trial), Đánh giá trung lập (Neutral evaluation), Trọng tài (Arbitration), Tố tụng tại tòa án (Litigation). Thương lượng chỉ có sự tham gia của hai bên trong khi các phương thức còn lại có sự xuất hiện của bên thứ ba với vai trò khác nhau. Trong hòa giải, người hòa giải chỉ giúp các bên thương lượng để tìm ra lợi ích chung và giải pháp giải quyết vấn đề. Trong hòa giải ba bên, người hòa giải giúp đại diện của các bên tìm ra cách giải quyết vấn đề.Trong đánh giá trung lập, người đánh giá đưa ra các gợi ý, kết luận về phương thức giải quyết vấn đề.Trong trọng tài và tố tụng tại tòa án, bên thứ ba là người ra phán quyết nhưng trong trọng tài thủ tục tố tụng và sự lựa chọn, tham gia của các bên vẫn nhiều hơn so với phương thức tại Tòa án.
Hòa giải là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn (Alternative Dispute Resolution- ADR) thay cho phương thức đưa vụ việc đến tòa án. Đây là phương thức có sự tham gia của người thứ ba là bên trung lập nhưng hạn chế tối đa sự can thiệp của bên thứ ba vào kết quả giải quyết tranh chấp giữa các bên. Các bên có toàn quyền quyết định. Hòa giải không nhằm phân định ai đúng ai sai trên cơ sở các bằng chứng và quyền, nghĩa vụ pháp lý để ra phán quyết như trọng tài hay tòa án, hòa giải viên cũng không đưa ra các giải pháp mà chỉ giúp các bên thương lượng tìm được lợi ích chung, hướng đến giải pháp mà cả hai bên đều chấp nhận và tự nguyện tuân thủ.Để giải quyết một vụ việc bằng phương thức hòa giải, các bên phải có thỏa thuận về giải quyết tranh chấp bằng phương thức này.Thỏa thuận hòa giải có thể là một phần của hợp đồng, hoặc thỏa thuận riêng được lập trước hoặc sau khi có tranh chấp.[1] Thỏa thuận về kết quả giải quyết tranh chấp bằng hòa giải do các bên đưa ra nên có giá trị như một hợp đồng[2].
Ở Singapore, hệ thống tòa án hoạt động rất hiệu quả, trung bình một vụ việc dân sự /thương mại chỉ kéo dài trong vòng ba tháng từ khi nộp đơn đến khi có kết quả cuối cùng. Vì vậy, các ADR được ủng hộ tại Singapore không nhằm mục đích khắc phục những bất cập trong hệ thống tố tụng mà nhắm đến mục tiêu mang lại phương thức giải quyết tranh chấp đạt được kết quả mà cả hai bên đều hài lòng, duy trì quan hệ hữu nghị giữa các bên.
Singapore có định hướng trở thành trung tâm giải quyết tranh chấp của khu vực và thế giới. Do đó, việc xây dựng một hệ thống giải quyết tranh chấp toàn diện trong đó ADR đóng vai trò quan trọng là vấn đề được nhà nước Singapore rất quan tâm.
2. Cách thức tổ chức và hoạt động của các trung tâm hòa giải tại Singapore
Tại Singapore, mặc dù phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải bắt đầu được quan tâm nghiên cứu đưa trở lại hệ thống giải quyết tranh chấp từ khoảng cách đây 20 năm nhưng đến nay đạo luật riêng về hòa giải mới đang được xây dựng. Singapore mong muốn phát triển thị trường dịch vụ đối với loại hình giải quyết tranh chấp tư này trước khi xây dựng khuôn khổ pháp luật cho hoạt động của hòa giải với tư cách là một lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp đặc thù.
Trong quá trình dài để xây dựng nhận thức và phát triển thị trường cho loại hình giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, những người tiên phong đã nhận được sự ủng hộ từ phía Tòa án Tối cao Singapore, giới nghiên cứu học thuật và cả các luật sư, những người hoạt động thực tiễn khác.
Tại Singapore phần lớn các trung tâm hòa giải đều được thành lập dưới hình thức tổ chức phi lợi nhuận, hoặc ở dạng công ty đặc biệt (company limited by the guarantee of an institution) được hưởng một phần trợ giúp từ ngân sách nhà nước đặc biệt trong giai đoạn mới thành lập, sau đó hoạt động trên cơ sở lấy thu bù chi để tránh xung đột lợi ích khi đóng vai trò hỗ trợ giải quyết tranh chấp. Có rất nhiều trung tâm hòa giải như SMC[3] (Singapore Mediation Center- do Singapore Academy of Law- Viện Pháp luật Singapore thành lập, tập trung giải quyết tranh chấp thương mại), SIMC[4] (Singapore International Mediation Center- doTòa án tối cao Singapore thành lập, tập trung giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế), CMC[5] (Community Mediation Center- do Bộ Pháp luật Singapore thành lập- chuyên giải quyết các tranh chấp trong cộng đồng như giữa hàng xóm, các thành viên trong gia đình hoặc trong cộng đồng, tranh chấp đất đai), CASE[6] (Consumers Association of Singapore- Trung tâm thuộc hiệp hội người tiêu dùng Singapore), FIDRec[7] (Financial Industry Disputes Resolution Centre- chuyên giải quyết các tranh chấp giữa các tổ chức tín dụng và khách hàng)…
Đặc biệt trung tâm hòa giải tại tòa án quốc gia chỉ giải quyết các vụ việc đã được tòa án quốc gia thụ lý và sau đó các bên đồng ý với phương thức hòa giải trên cơ sở khuyến nghị của tòa án. Các vụ việc được hòa giải tại trung tâm bao gồm cả các vụ việc dân sự và hình sự (các vụ việc hình sự do người bị hại khởi tố với các tội phạm ít nghiêm trọng)[8].
Hòa giải viên tại các trung tâm hòa giải thường được chính các trung tâm này đào tạo, cấp chứng chỉ và phải tuân theo các quy tắc về đạo đức nghề nghiệp do chính trung tâm đề ra. Tại Singapore cũng có một tổ chức là Viện Hòa giải quốc tế Singapore (Singapore International Mediation Institute)[9] - một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập dưới sự ủng hộ của Bộ Pháp luật và trường Đại học quốc gia Singapore để xây dựng các tiêu chuẩn cho hòa giải viên tại Singapore. Các trung tâm hòa giải thường căn cứ vào các tiêu chuẩn này và mục đích của tổ chức mình để đưa ra các tiêu chuẩn của riêng trung tâm.
Do chưa có đạo luật riêng điều chỉnh phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải và chưa có hiệp hội hòa giải viên nên những người được coi là hòa giải viên thường là những người đã được cấp chứng chỉ của một trung tâm hòa giải nhất định. Họ không bắt buộc phải có kiến thức chuyên sâu về pháp lý nhưng cần phải qua đào tạo về kiến thức và kỹ năng giải quyết tranh chấp bằng hòa giải.
3. Phối hợp giữa hòa giải với các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn khác đặc biệt là với trọng tài
Hòa giải có thể được kết hợp trong phương thức trọng tài và tòa án để nâng cao khả năng thi hành cho các thỏa thuận mà các bên đạt được trong quá trình hòa giải dưới dạng phán quyết của trọng tài hoặc quyết định của tòa án, đồng thời tạo cách thức giải quyết nhanh chóng khi các bên thực sự không đạt được đồng thuận bằng phương thức hòa giải.
Cho dù được kết hợp trong phương thức trọng tài hay tòa án thì hòa giải vẫn là một quá trình độc lập do các bên tự nguyện lựa chọn và do một hòa giải viên không phải trọng tài hoặc thẩm phán giải quyết vụ việc tiến hành. Thông tin trong quá trình hòa giải sẽ được giữ kín, không được sử dụng trong các tiến trình tố tụng tiếp theo (nếu có).
Phương thức này đã được đưa vào sử dụng tại Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (phối hợp với Trung tâm hòa giải Singapore và Trung tâm hòa giải quốc tế Singapore) và Tòa án quốc gia Singapore (phối hợp với Trung tâm hòa giải Tòa án quốc gia Singapore).
4. Kỹ năng hòa giải[10]
4.1 Có bảy yếu tố quan trọng liên quan đến quá trình hòa giải bao gồm: Lợi ích, Giải pháp, Tiêu chí, Lựa chọn thay thế, Quan hệ, Giao tiếp và Cam kết
Lợi ích là động cơ phía sau một yêu cầu được đưa ra bởi một bên trong một tranh chấp, phản ánh nhu cầu và mối quan tâm của một bên. Để giải quyết hiệu quả tranh chấp bằng trọng tài cần tìm hiểu rõ và xác định thứ tự ưu tiên lợi ích của các bên, đặc biệt là tìm ra lợi ích chung giữa các bên.
Giải pháp là một cách thức để thỏa mãn lợi ích. Người hòa giải cần khuyến khích các bên đưa ra nhiều giải pháp để cùng đạt được lợi ích chung. Quá trình xác định và quyết định giải pháp cần phải được tách biệt để có thể tạo ra nhiều giải pháp nhất, mở rộng các cách thức để không chỉ thỏa mãn mà còn mở rộng lợi ích cho tất cả các bên.
Tiêu chí là các tiêu chuẩn để đánh giá sự công bằng của một giải pháp.Tiêu chí cần phải khách quan để có thể sử dụng nhằm đánh giá một giải pháp, tạo cơ hội để các bên thuyết phục lẫn nhau và bảo vệ giải pháp của mình, giữ thể diện cho các bên đồng thời đi đến kết quả công bằng. Các tiêu chí có thể được đưa ra trên cơ sở giá trị thị trường, quan điểm truyền thống, cách thức giải quyết các vụ việc tương tự, chi phí cho việc thực hiện giải pháp và giá trị của giải pháp dưới góc độ pháp luật…
Lựa chọn thay thế là những cách thức giải quyết vấn đề của riêng mỗi bên khi không đạt được thỏa thuận giữa các bên.Mục đích của các lựa chọn thay thế này là để đánh giá các giải pháp, khuyến khích các bên đồng thuận với một giải pháp cụ thể tốt hơn lựa chọn thay thế trong tình huống xấu nhất.
Quan hệ giữa các bên có ảnh hưởng rất lớn đến việc tìm ra giải pháp chung. Nhiều khi các bên kéo dài tranh chấp đến hàng chục năm không phải vì tranh chấp phức tạp mà chỉ vì quan hệ không tốt với nhau.Vì vậy, hòa giải viên cần tách các bên khỏi vấn đề tranh chấp, giúp họ vượt qua định kiến và những xúc cảm tiêu cực để đối thoại một cách hòa bình với nhau.Việc xây dựng quan hệ và niềm tin giữa các bên cần được thực hiện ngày từ giai đoạn đầu tiên.
Giao tiếp là cách để các bên hiểu nhau nên cần phải tạo thái độ nghe để hiểu và nói có mục đích nhằm tạo sự hiểu biết lẫn nhau giữa các bên.
Cam kết sẽ đạt được khi các bên hiểu và phân loại được mức độ ưu tiên với các lợi ích, các giải pháp đáp ứng được lợi ích đã được đưa ra đánh giá trên cơ sở các tiêu chí, trình tự khách quan, công bằng và cân nhắc đến các lựa chọn thay thế. Cam kết cần phải ở dạng văn bản giữa những người có thẩm quyền của mỗi bên và hạn chế khả năng làm phát sinh những tranh chấp tiếp theo bằng cách liệt kê rõ những vấn đề đã được giải quyết sử dụng ngôn ngữ rõ ràng và cụ thể.
4.2 Các bước hòa giải
Các bước này được chia thành hai giai đoạn: (1) Xác định vấn đề: Hòa giải viên giới thiệu về mục đích, bản chất của phương thức hòa giải và trình tự hòa giải. Các bên sẽ lần lượt được đưa ra ý kiến, hòa giải viên sẽ tóm tắt các ý kiến của các bên. (2) Giải quyết vấn đề: Hòa giải viên sẽ xác địnhmối quan tâm và lợi ích chung của các bên, lập ra chương trình hòa giải, phát hiện các vấn đề, trao đổi riêng với các bên nếu cần thiết để tìm hiểu lợi ích thực sự, khuyến khích các bên đưa ra giải pháp và đạt sự đồng thuận.
Tuần tự các bước được thể hiện trong mô hình kim cương: bắt đầu với phạm vi hẹp, mở rộng dần ra và thu hẹp lại ở thỏa thuận cuối cùng.
Trong các bước hòa giải, hòa giải viên cần có nhiều kỹ năng trong giao tiếp, giải quyết vấn đề. Do vai trò hỗ trợ các bên mà rất nhiều hòa giải viên là người làm trong lĩnh vực tâm lý học. Tuy nhiên, trong quá trình hòa giải, vai trò của luật sư và những người có kiến thức pháp lý, kiến thức chuyên ngành cũng rất quan trọng.Họ là cầu nối giữa các bên có liên quan, và có kiến thức để tư vấn về những vấn đề cần chuyên môn sâu. Vì vậy, ở Singapore, các trung tâm hòa giải thường sử dụng phương thức đồng hòa giải (có từ hai hòa giải viên trở lên, bao gồm cả người có kiến thức chuyên môn kỹ thuật trong ngành, lĩnh vực cụ thể và đội ngũ luật sư, thẩm phán, nhà tâm lý học…) và khuyến nghị các bên sử dụng luật sư trong thủ tục hòa giải.
Hòa giải là một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả nếu các bên thực sự nỗ lực và thiện chí để đi đến một hướng giải quyết chung. Để đạt được kết quả cuối cùng, hòa giải viên phải là một người có kiến thức và kỹ năng riêng.Họ đóng vai trò người hỗ trợ, không phải người thay các bên ra quyết định về một vấn đề.Phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải cũng không phải là phương thức lý tưởng để giải quyết được mọi tranh chấp. Vì vậy, để tạo ra một hệ thống giải quyết tranh chấp phù hợp, hiệu quả, nhanh chóng phù hợp với tính chất của hoạt động thương mại, các nhà lập pháp của Việt Nam trong thời gian tới cầntham khảo thêm kinh nghiệm của một số nước có mô hình giải quyết tranh chấp bằng hòa giải hoạt động hiệu quả như Singapore.
[1] Xem thêm: Anthony Cheah Nicholls- Enforcing Mediation Agreements: Why the End is Just as Important as the Beginning
Tại Singapore chưa có luật thành văn về hòa giải, do đó, việc đánh giá hiệu lực của thỏa thuận hòa giải căn cứ trên án lệ. Tuy nhiên, vướng mắc có thể phát sinh khi các bên chỉ coi hòa giải là một bước trong tiến trình giải quyết tranh chấp, là điều kiện để đi đến phương thức cuối cùng tại Tòa án hoặc trọng tài: khi nào các bên đã thỏa mãn điều kiện này trước khi khởi kiện tại Tòa án hoặc trọng tài. Bài viết này phân tích, so sánh án lệ của Anh và Singapore để đề xuất hướng giải quyết tình trạng nêu trên.
http://www.lawgazette.com.sg/2014-05/1041.htm
[2] http://www.singaporelaw.sg/sglaw/laws-of-singapore/overview/chapter-3
[3] http://www.mediation.com.sg/
[5] https://www.mlaw.gov.sg/content/cmc/en.html
[6] https://www.case.org.sg/complaint_mediation.aspx
[7] http://www.fidrec.com.sg/website/index.html
[8] Xem thêm: http://www.singaporelaw.sg/sglaw/laws-of-singapore/overview/chapter-3
Hòa giải tại Singapore cũng có thể chia ra làm ba loại: Hòa giải tại Tòa án ( Tòa án quốc gia – Trung tâm giải quyết tranh chấp của Tòa án quốc gia ; Tòa tư pháp gia đình- Hội đồng giải quyết vụ việc gia đình và Trung tâm giải quyết tranh chấp về trẻ em), hòa giải tư tại các trung tâm hòa giải (chủ yếu là SMC và SIMC) và phương thức hòa giải tại cơ quan nhà nước hoặc hiệp hội ngành nghề. Như vậy, về bản chất Trung tâm hòa giải tại Tòa án quốc gia và Tòa gia đình không phải là trung tâm hòa giải tư, tuy nhiên quá trình hòa giải tại các trung tâm này không bắt buộc mà thường có sự đề nghị từ phía thẩm phán và sự đồng ý của các bên.
[9] http://www.simi.org.sg/
[10] Tài liệu khóa học về “Hệ thống giải quyết tranh chấp “ tại Singapore tháng 10/2015 của Trung tâm hòa giải Singapore (SMC)