Để kinh doanh xuất khẩu gạo, thương nhân phải đáp ứng điều kiện như: được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; có ít nhất 01 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5000 tấn thóc, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; có ít nhất 01 cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
Kho chứa, cơ sở xay, xát phải thuộc sở hữu của thương nhân và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo tại thời điểm thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận.
Thương nhân bị coi là vi phạm về kinh doanh xuất khẩu gạo khi: kê khai không đúng thực tế kho chứa, cơ sở xay, xát hoặc có gian lận khác để được cấp Giấy chứng nhận; giả mạo, tẩy xoá, sửa chữa Giấy chứng nhận; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chỉ đạo, điều hành của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định; đầu cơ thóc, gạo nhằm lũng đoạn, gây bất ổn giá trên thị trường; ép giá hoặc có hành vi khác trong quá trình kinh doanh xuất khẩu gạo gây thiệt hại cho người trồng lúa; không đảm bảo lượng gạo dự trữ lưu thông theo quy định.
Thương nhân không được gian lận trong việc khai báo giá xuất khẩu, lượng gạo có sẵn hoặc các thủ đoạn khác nhằm lừa dối để được đăng ký hợp đồng xuất khẩu; không thực hiện đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định; giả mạo chứng từ hoặc các thủ đoạn gian lận khác để được ưu tiên trong đăng ký hợp đồng xuất khẩu, phân bổ thực hiện hợp đồng tập trung; dự thầu, giao dịch hợp đồng xuất khẩu gạo trực tiếp hoặc gián tiếp vào thị trường có hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung trái quy định và chỉ đạo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011./.
Lê Văn Nhật