Hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước đảm bảo cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

14/10/2010
Thực hiện Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014, để bảo đảm kinh phí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, ngày 12/10/2010, Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp đã ký Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với những nội dung chính như sau:

Thông tư liên tịch hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các Bộ, ngành, địa phương và Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp.

Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp gồm:  Ngân sách nhà nước cấp; đóng góp của các doanh nghiệp; viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước.

Kinh phí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành và được bố trí trong dự toán chi ngân sách của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân các cấp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phải được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; tránh sự trùng lặp giữa các nguồn kinh phí cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

1. Nội dung chi đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

1.1. Nội dung chi hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp:

- Chi xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp.

- Chi xây dựng, biên soạn tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

- Chi tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp.

- Chi thuê chuyên gia giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp.

- Chi tổ chức diễn đàn, hội họp, đối thoại với doanh nghiệp để tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật.

1.2. Nội dung chi thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp theo Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ:

- Chi xây dựng dự thảo chương trình, họp, góp ý, triển khai chương trình;

- Điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để xác định nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

- Chi hỗ trợ xây dựng và phát triển trang thông tin điện tử về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của một số Bộ, ngành, địa phương làm điểm và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp tham gia thực hiện Chương trình liên ngành;

- Chi thực hiện các chương trình phổ biến kiến thức cơ bản về pháp luật kinh doanh trên phương tiện phát thanh, truyền hình: Xây dựng kịch bản, nội dung chương trình, biên tập, đạo diễn, diễn viên; cung cấp thông tin pháp luật về kinh doanh cho doanh nghiệp và một số khoản chi khác liên quan trực tiếp;

- Chi tổ chức các hội thảo, diễn đàn, toạ đàm về các chuyên đề pháp luật kinh doanh nhằm trao đổi kinh nghiệm, khuyến cáo các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật;

- Chi bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế của doanh nghiệp.

- Chi hỗ trợ thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

- Chi biên soạn sổ tay về hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp (các bước để thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả của hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp);

- Chi bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh và kỹ năng, nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đối với các cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

- Chi thực hiện thí điểm một số hoạt động tăng cường về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại một số địa phương đại diện cho các vùng miền (Cần Thơ, Đắk Lắk, Đồng Nai, Quảng Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Hà Nội).

- Chi hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình, Tổ Thư ký giúp việc; Chi kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện chương trình.

2. Mức chi

2.1. Các nội dung chi cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thực hiện theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu tài chính hiện hành. Cụ thể như việc chi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về công tác hỗ trợ pháp lý;  xây dựng, phát triển trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; biên soạn sách, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ; dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại; tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật và hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; chi bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; chi tập huấn bồi dưỡng giảng viên, báo cáo viên, cộng tác viên tham gia mạng lưới cộng tác viên tư vấn pháp; thuê chuyên gia giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp; tổ chức diễn đàn, hội thảo, đối thoại với doanh nghiệp; chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị sơ kết, tổng kết công tác pháp chế doanh nghiệp; chi các buổi hội thảo, sinh hoạt nhóm của mạng lưới tư vấn pháp luật; khảo sát, thu thập thông tin, số liệu xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; công tác phí cho cán bộ đi công tác trong nước, nước ngoài (bao gồm cả Luật gia, Tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên tư vấn pháp luật) để triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp; mua sắm tài sản, trang thiết bị; in và mua các ấn phẩm, sách, tài liệu tuyên truyền và một số khoản chi khác thực hiện theo mức chi của những ngành có công việc tương tự do Bộ Tài chính quy định hoặc thanh toán theo thực tế và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện.

2.2. Các cơ quan đơn vị có chức năng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp sử dụng kinh phí theo đúng các quy định nêu trên và chế độ chi tiêu tài chính hiện hành. Ngoài ra Thông tư liên tịch này hướng dẫn thêm một số khoản chi có tính đặc thù để triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp của các Bộ, ngành, địa phương và Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành như sau:

2.1.1. Chi xây dựng đề cương Chương trình, xét duyệt, thẩm định, xây dựng nội dung Chương trình, xây dựng báo cáo Chương trình:

a) Xây dựng đề cương Chương trình: xây dựng đề cương chi tiết của Chương trình: Tối đa 900.000 đồng/đề cương; tổng hợp hoàn chỉnh đề cương của Chương trình: Tối đa 1.500.000 đồng/Chương trình.

b) Chi các cuộc họp góp ý, tổ chức xét duyệt kế hoạch, báo cáo, đề cương, chuyên đề.

c) Chi xây dựng các chuyên đề của Chương trình: Tối đa 300.000 đồng/chuyên đề.

d) Lấy ý kiến thẩm định Chương trình: Tối đa 300.000 đồng/bài viết.

Đ) Xây dựng các báo cáo Chương trình: Tối đa 500.000 đồng/báo cáo.

2.1.2. Chi họp, góp ý nội dung Đề án xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật; họp góp ý, thẩm định Quy chế hoạt động của mạng lưới tư vấn pháp luật; chi các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Tổ Thư ký Chương trình: Thực hiện theo mức chi quy định tại điểm b khoản 2.1 trên đây.

2.1.3. Chi bồi dưỡng cho Luật gia, Tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên tư vấn pháp luật tham gia tư vấn pháp luật: 20.000 đồng - 30.000 đồng /giờ tư vấn.

2.1.4. Các mức chi khác để thực hiện Chương trình thực hiện theo khoản 1 Điều này.

3. Lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp:

Việc lập dự toán, cấp phát, quản lý và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thông tư liên tịch này hướng dẫn thêm một số điểm đặc thù đối với Chương trình hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp của các Bộ, ngành, địa phương và Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành.

Thông tư liên tịch có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày 12/10/2010.

Trần Minh Sơn