Thông tư gồm có 4 Chương với 23 Điều quy định cụ thể và hướng dẫn một số điều của Nghị định số 77/2008/NĐ-CP nhằm bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ, thực hiện thống nhất các quy định của Nghị định trong thực tiễn hoạt động tư vấn pháp luật.
1. Về tổ chức, hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật và Chi nhánh
a) Cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật
Nghị định số 77/2008/NĐ-CP quy định mở rộng đối tượng tổ chức được tham gia thực hiện tư vấn pháp luật so với trước đây. Ngoài tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, thì các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học chuyên ngành luật có đủ điều kiện cũng được thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật. Việc cho phép các Trường Đại học Luật, Viện Khoa học chuyên ngành luật được tham gia hoạt động tư vấn pháp luật là phù hợp với nhu cầu thực tiễn hiện nay, vì những nơi này có đội ngũ đông đảo các chuyên gia pháp luật có điều kiện tốt để thực hiện tư vấn pháp luật. Bên cạnh đó, việc thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc các cơ sở đào tạo chuyên ngành luật vừa góp phần đáp ứng nhu cầu tư vấn pháp luật của người dân, vừa có thể tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên luật thực hành kiến thức đã học nhằm kết hợp tốt giữa việc học lý thuyết và thực hành.
Thông tư số 01/2010/TT-BTP quy định khái quát về tiêu chí của các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật được thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc, coi trọng chất lượng của các tổ chức tư vấn được thành lập và hoạt động trên thực tế, tránh việc liệt kê cụ thể sẽ không đầy đủ (Điều 1).
b) Cơ cấu tổ chức, hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật
Thông tư quy định cụ thể hơn một số điều của Nghị định số 77/2008/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật và Chi nhánh như: cơ cấu tổ chức của Trung tâm (Điều 2 Thông tư), Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm (Điều 4), đăng ký hoạt động của Trung tâm (Điều 5), đăng ký hoạt động của Chi nhánh (Điều 6).
Theo quy định của Thông tư thì Giám đốc của Trung tâm tư vấn pháp luật được lựa chọn, bổ nhiệm trong số tư vấn viên pháp luật hoặc luật sư của Trung tâm mới đáp ứng được các điều kiện về tiêu chuẩn của người thực hiện tư vấn pháp luật. Việc lựa chọn, bổ nhiệm Phó Giám đốc và các vấn đề khác liên quan đến cơ cấu tổ chức, hoạt động của Trung tâm và Chi nhánh sẽ do tổ chức chủ quản quyết định, cụ thể là trong quy chế tổ chức, hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật.
Với mục đích hướng dẫn rõ hơn hoạt động tư vấn pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật và Chi nhánh, Thông tư có quy định về các công việc cụ thể mà Trung tâm, Chi nhánh có thể cung cấp cho hội viên của mình cũng như các cá nhân, tổ chức khác (Điều 3).
c) Đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật và Chi nhánh
Các loại giấy tờ liên quan trong hồ sơ đăng ký hoạt động được quy định cụ thể nhằm tạo thuận lợi cho các Trung tâm, Chi nhánh và Sở Tư pháp khi thực hiện việc đăng ký hoạt động, ví dụ: giấy tờ xác nhận về trụ sở làm việc, hồ sơ đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật, hồ sơ của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân. Để thường xuyên cập nhật thông tin trong quá trình quản lý, khi thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, Trung tâm tư vấn pháp luật và Chi nhánh có trách nhiệm gửi văn bản thông báo cho Sở Tư pháp, nơi đăng ký hoạt động, kèm theo các giấy tờ liên quan về việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động (Điều 7).
d) Thù lao tư vấn pháp luật và chế độ tài chính
Theo quy định của Nghị định số 77/2008/NĐ-CP, thì biểu thù lao do tổ chức chủ quản quyết định và không bị giới hạn về mức trần thù lao như trước đây nhằm bảo đảm phù hợp với điều kiện của từng tổ chức và tình hình kinh tế-xã hội của địa phương. Để tránh tình trạng thu thù lao tùy tiện, Thông tư quy định khá chặt chẽ về chế độ thu thù lao, nêu rõ các khoản chi hợp lý, cần thiết cho hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật và Chi nhánh để làm căn cứ kiểm tra việc thu, chi; đề cao trách nhiệm của các tổ chức chủ quản trong việc quyết định thu thù lao, ban hành biểu thù lao. Trường hợp đã cân đối thu chi mà vẫn có số dư thì Trung tâm tư vấn pháp luật phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Cụ thể là:
- Biểu thù lao phải được đưa vào Quy chế tổ chức, hoạt động của Trung tâm và gửi cho Sở Tư pháp khi đăng ký hoạt động hoặc khi có thay đổi mức thu thù lao.
- Chế độ tài chính, kế toán của Trung tâm tư vấn pháp luật trong trường hợp có thu thù lao cũng được yêu cầu phải nêu rõ trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm, do tổ chức chủ quản quy định và bảo đảm phù hợp với nguyên tắc tài chính của tổ chức chủ quản đã được pháp luật quy định. Trên thực tế, mỗi loại hình tổ chức đều được pháp luật quy định áp dụng nguyên tắc, chế độ tài chính tương ứng với chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức, vì vậy, Trung tâm tư vấn pháp luật là đơn vị trực thuộc các tổ chức này cũng phải tuân thủ chế độ tài chính đó.
- Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh thực hiện thu thù lao trên cơ sở hợp đồng dịch vụ pháp lý được lập thành văn bản, trừ những việc tư vấn đơn giản được thực hiện thông qua phiếu yêu cầu của khách hàng do Trung tâm, Chi nhánh cung cấp mẫu; thực hiện ghi sổ kế toán các khoản thu thù lao, các khoản chi và bảo quản, lưu hồ sơ, sổ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê và các quy định pháp luật khác có liên quan. Các khoản chi phí của Trung tâm được quy định cụ thể với mức chi theo quy định của pháp luật phù hợp với mục tiêu điều chỉnh thu đảm bảo chi, không nhằm mục đích lợi nhuận.
đ) Quản lý hồ sơ công việc
Điều 10 Thông tư quy định về việc lập, ghi chép sổ công việc và lưu hồ sơ công việc nhằm bảo đảm phản ánh đầy đủ về hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật và Chi nhánh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước.
e) Thủ tục chấm dứt hoạt động, thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh
Trình tự, thủ tục và các giấy tờ liên quan đến từng trường hợp Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh chấm dứt hoạt động (Điều 11), bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động (Điều 12) được quy định trong Thông tư nhằm tạo căn cứ pháp lý đầy đủ, rõ ràng cho Sở Tư pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ thu hồi Giấy đăng ký hoạt động trên thực tế.
g) Trách nhiệm của tổ chức chủ quản về tổ chức, hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật
Nhằm phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của tổ chức chủ quản đối với các Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh do mình thành lập trong suốt quá trình hoạt động, Thông tư quy định riêng một điều về trách nhiệm của tổ chức chủ quản đối với các Trung tâm tư vấn pháp luật (Điều 13). Có sự quan tâm hỗ trợ thường xuyên và giám sát chặt chẽ của tổ chức chủ quản thì hoạt động tư vấn pháp luật mới thực sự gắn kết với hoạt động xã hội của mỗi tổ chức, phục vụ tốt cho hội viên, thành viên và lợi ích chung của tổ chức đó.
2. Về người thực hiện tư vấn pháp luật
a) Cấp, thu hồi và cấp lại Thẻ tư vấn viên pháp luật
Trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và cấp lại Thẻ tư vấn viên pháp luật được quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tư vấn pháp luật, tư vấn viên pháp luật cũng như Sở Tư pháp khi thực hiện nhiệm vụ quản lý (Điều 14, Điều 15 và Điều 16). Việc cấp lại Thẻ tư vấn viên pháp luật chưa được quy định tại Nghị định số 77/2008/NĐ-CP, song trên thực tế quản lý thì nhu cầu cấp lại Thẻ tư vấn viên pháp luật có thể phát sinh và cần hướng dẫn trong Thông tư về các trường hợp, thủ tục cấp lại Thẻ.
b) Luật sư làm việc cho Trung tâm tư vấn pháp luật
Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc cho Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh (Điều 17) là các luật sư đã đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân theo quy định tại Điều 50 Luật luật sư và được cấp Giấy đăng ký hành nghề luật sư. Hợp đồng lao động mà luật sư ký kết với Trung tâm là hợp đồng có thời hạn hoặc không xác định thời hạn nhằm bảo đảm duy trì số lượng người thực hiện tư vấn pháp luật (luôn có ít nhất là 02 người).Vấn đề thù lao đối với luật sư làm việc cho Trung tâm tư vấn pháp luật cũng được quy định trong Thông tư để đảm bảo thu thù lao theo đúng nguyên tắc, mức thù lao hợp lý.
c) Cộng tác viên tư vấn pháp luật
Điều 18 Thông tư hướng dẫn cụ thể quy định tại Điều 22 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP về cộng tác viên tư vấn pháp luật để có thể áp dụng trực tiếp quy định này trên thực tế. Để quản lý và sử dụng hiệu quả đội ngũ cộng tác viên, Thông tư quy định về việc Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh cấp Thẻ cho cộng tác viên của tổ chức mình. Đồng thời, danh sách cộng tác viên tư vấn pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh phải được niêm yết tại trụ sở của Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh để thuận tiện cho khách hàng tiếp cận danh sách công tác viên tư vấn pháp luật. Về nguyên tắc, việc quản lý, sử dụng và trả lương, phụ cấp cho cộng tác viên sẽ do tổ chức chủ quản xem xét, quy định tại Quy chế tổ chức, hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật phù hợp với Điều lệ của tổ chức chủ quản và các văn bản pháp luật có liên quan.
3. Về chế độ báo cáo, kiểm tra
Chế độ báo cáo, thời hạn gửi báo cáo được quy định tại Điều 19 Thông tư nhằm bảo đảm cơ chế thông tin đầy đủ, kịp thời, phối hợp quản lý và thống nhất với các quy định khác của Bộ và ngành Tư pháp về chế độ báo cáo. Nhiệm vụ kiểm tra về tổ chức, hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật và Chi nhánh được phân cấp cụ thể cho Sở Tư pháp nhằm theo dõi và quản lý chặt chẽ hơn lĩnh vực này ở địa phương. Bộ Tư pháp chỉ tiến hành kiểm tra khi thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Sở Tư pháp.
4. Về tổ chức thực hiện
Điều 21 của Thông tư quy định chuyển tiếp về một số vấn đề như: Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật và Giấy chứng nhận tư vấn viên pháp luật đã được cấp theo quy định của Nghị định số 65/2003/NĐ-CP vẫn tiếp tục có hiệu lực; việc cấp đổi Thẻ tư vấn viên pháp luật trong trường hợp người đã được cấp Giấy chứng nhận tư vấn viên pháp luật có nguyện vọng, yêu cầu cấp đổi.
Nhằm đơn giản hóa và công khai các thủ tục hành chính, Thông tư ban hành kèm theo 03 Phụ lục và 14 mẫu giấy tờ hướng dẫn các cá nhân và tổ chức có liên quan sử dụng trong quá trình hoạt động tư vấn pháp luật và công tác quản lý nhà nước.
Hà Phương