Các đối tượng thực hiện BHYT từ ngày 01/7/2009 là công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng; thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Thực hiện BHYT từ ngày 01/01/2010 đối với người lao động được hưởng chế độ ốm đau theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Mức đóng BHYT được quy định rõ theo đối tượng
Kể từ ngày 01/7/2009 đến ngày 31/12/2009, mức đóng BHYT hàng tháng của các đối tượng tham gia BHYT là 3% mức tiền lương, tiền công hàng tháng.
Kể từ ngày 01/01/2010, mức đóng BHYT của các đối tượng trên là 4,5% của mức tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và bằng 3% mức lương tối thiểu đối với học sinh, sinh viên.
Nghị định cũng quy định rõ, từ ngày 01/01/2012, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức đóng góp bằng 4,5% mức lương tối thiểu.
Từ ngày 01/01/2014, mức đóng BHYT của thân nhân người lao động có hưởng lương là 3% mức lương tối thiểu; 4,5% mức lương tối thiểu được áp dụng cho xã viên hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% mức đóng cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo từ ngày 01/7/2009. Hỗ trợ tối thiểu bằng 50% mức đóng đối với học sinh, sinh viên mà thuộc hộ cận nghèo và hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng đối với học sinh, sinh viên mà không thuộc hộ cận nghèo, chính sách này được thực hiện từ ngày 01/01/2010.
Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình được nhà nước hỗ trợ tối thiểu bằng 30% mức đóng BHYT từ ngày 01/01/2012.
Nghị định cũng quy định rõ, từ ngày 01/7/2009, học sinh, sinh viên đóng 60.000đồng/người (khu vực thành thị) và 50.000 đồng/người (khu vực nông thôn, miền núi).
Mức đóng 6 tháng đối với 5 đối tượng: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp; thân nhân của người lao động hưởng lương mà người lao động có trách nhiệm nuôi dưỡng và sống trong cùng hộ gia đình; xã viên hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể là 160.000 đồng/tháng (khu vực thành thị) và 120.000 đồng/tháng (khu vực nông thôn, miền núi).
Từ ngày 1/1/2010, mức đóng góp hàng tháng đối với đối tượng tự nguyện tham gia BHYT bằng 4,5% mức lương tối thiểu và do đối tượng đóng.
Mức hưởng BHYT được quy định minh bạch, công khai
Người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh theo quy định thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh thì được hưởng: 100% chi phí khám, chữa bệnh đối với các đối tượng là sĩ quan, hạ sĩ quan đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân, người có công với cách mạng và trẻ em dưới 6 tuổi; 100% chi phí khám chữa bệnh tại tuyến xã; 100% chi phí khám chữa bệnh trong trường hợp tổng chi phí 1 lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương tối thiểu.
95% chi phí khám, chữa bệnh đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật và người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Nếu là khám chữa bệnh có dùng đến dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn thì chi phí cho 1 lần sử dụng không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu.
Người tham gia BHYT có sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn thì được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí đối với trẻ em dưới 6 tuổi, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng...; 100% chi phí đối với sĩ quan, hạ sĩ quan đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân và người có công với cách mạng nhưng không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho 1 lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật đó.
L.Hằng