Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký ban hành Đề án bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý giai đoạn 2008-2010, định hướng đến năm 2015

16/12/2008
Ngày 10 tháng 12 năm 2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 10/2008/QĐ-BTP ban hành Đề án bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý (TGPL) giai đoạn 2008-2010, định hướng đến năm 2015. Đề án gồm có các nội dung chính sau đây:

1. Về quan điểm: Quan điểm xây dựng Đề án được xây dựng bám sát vào việc thực hiện Luật TGPL, Đề án Đề án Quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008 - 2010, định hướng đến năm 2015 nhằm xây dựng đội ngũ người thực hiện TGPL đủ về số lượng, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có đủ phẩm chất, tiêu chuẩn, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng thực hiện TGPL; kế thừa những kết quả đã đạt được của công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, khắc phục những hạn chế, vướng mắc của công tác bồi dưỡng nghiệp vụ trong thời gian vừa qua. Trong đó chú ý đến quan điểm bồi dưỡng nghiệp vụ phải đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thực hiện phân công, phân cấp hợp lý trong bồi dưỡng nghiệp vụ giữa Trung ương và địa phương; dự liệu chính xác và đầy đủ nhu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ người thực hiện TGPL trong từng giai đoạn cụ thể.

 2. Về mục tiêu: Đề án xác định mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể gắn với từng giai đoạn. Mục tiêu tổng quát tập trung vào việc củng cố, cập nhật và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ TGPL cho đội ngũ người thực hiện TGPL; xây dựng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý đủ về số lượng, có trình độ tương đương với luật sư trở lên, có đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng; trang bị, thường xuyên cập nhật những kiến thức cần thiết về quản lý tổ chức và hoạt động TGPL cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý hoạt động TGPL. Mục tiêu cụ thể của Đề án xác định rõ số lượng người cần được bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên và bồi dưỡng nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý theo từng giai đoạn (giai đoạn 2008 - 2010 và 2011 - 2015).  

3. Về bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên: Đề án xác định rõ đối tượng, nội dung chương trình, bồi dưỡng, hình thức, phương pháp, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên. Thời gian bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên từ 1 đến 3 ngày được thực hiện tuỳ thuộc vào nội dung, hình thức, phương pháp và điều kiện thực hiện đối với từng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ. Trong đó, Cục TGPL thực hiện bồi dưỡng các kiến thức chung, kiến thức nghiệp vụ và kiến thức mở rộng cho Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên pháp lý, cộng tác viên, thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ TGPL; Luật sư, Tư vấn viên pháp luật của các tổ chức tham gia trợ giúp pháp ở Trung ương, đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp và Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước. Trung tâm TGPL nhà nước thực hiện bồi dưỡng các kiến thức chung, kiến thức nghiệp vụ cho cộng tác viên TGPL, thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ TGPL, Luật sư, Tư vấn viên pháp luật của các tổ chức tham gia trợ giúp pháp ở địa phương. Căn cứ vào nội dung chương trình và yêu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên, Cục TGPL và Trung tâm xác định đối tượng tham dự phù hợp với từng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cụ thể.

4. Bồi dưỡng nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý: Đề án xác định đối tượng bồi dưỡng nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý do là những người có đủ các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP. Đối tượng tham dự bồi dưỡng nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý phải có đủ các điều kiện sau đây: có bằng cử nhân Luật và có thời gian làm công tác pháp luật từ 2 năm trở lên; thuộc diện được miễn đào tạo nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư; đã được tuyển dụng vào ngạch viên chức hoặc tương đương và đang làm việc tại Trung tâm TGPL, Chi nhánh của Trung tâm hoặc là công chức đang công tác tại Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện và đã được Sở Tư pháp cử tham dự có kết quả khoá đào tạo nghề luật sư theo chương trình đào tạo của Học viện tư pháp; được Giám đốc Sở Tư pháp cử tham dự khoá bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL bằng văn bản.

Nội dung bồi dưỡng được xác định gồm hai phần: Phần 1 (kiến thức chung về TGPL) và Phần 2 (kiến thức nghiệp vụ về TGPL). Hình thức bồi dưỡng được tổ chức theo khoá bồi dưỡng tập trung 15 ngày, cuối khoá có kiểm tra theo quy định về kiểm tra, cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL. Về phương pháp bồi dưỡng, Đề án nhấn mạnh tới việc chú trọng thực hành giải quyết các tình huống, vụ việc cụ thể. Về tài liệu bồi dưỡng, Đề án nêu rõ tài liệu bồi dưỡng được xây dựng trên cơ sở nội dung, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, phù hợp với đối tượng tham dự. Khác với đơn vị thực hiện bồi dưỡng thường xuyên, đơn vị thực hiện bồi dưỡng nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý duy nhất là Cục TGPL.

5. Về các giải pháp thực hiện Đề án: Nhằm bảo đảm triển khai trên thực tế, phù hợp với từng giai đoạn, giai đoạn 1 (2008-2010), Đề án đưa ra 05 giải pháp thực hiện gồm: nhóm giải pháp về thể chế; giải pháp về cơ chế, chính sách, thực hiện phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương; giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng; giải pháp tăng cường năng lực cán bộ cho bộ phận bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc Cục; giải pháp đa dạng hoá các loại hình bồi dưỡng, xây dựng chương trình, nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau… Giai đoạn 2 (2011 - 2015), Đề án đưa ra 04 giải pháp về xây dựng đội ngũ cộng tác viên là giảng viên chuyên ngành hoặc kiêm nhiệm; thực hiện phân công, phân cấp hợp lý công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, Nghiên cứu và đề xuất phân bổ nguồn tài chính của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương hợp lý cho hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ.

6. Về tổ chức thực hiện Đề án

Đề án phân định rõ trách nhiệm của Cục TGPL, Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL nhà nước; các tổ chức tham gia TGPL và các đơn vị có liên quan trong việc tổ chức thực hiện Đề án. Trong đó, Cục TGPL là đơn vị đầu mối, giúp Bộ Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện. Học viện Tư pháp có trách nhiệm tổ chức đào tạo nghiệp vụ luật sư cho những người thuộc nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý được Sở Tư pháp cử tham dự khoá đào tạo nghề luật sư...

7. Về hiệu lực: Đề án sẽ có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Vũ Hồng Tuyến - Cục TGPL