Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 02/2025/TT-BTP hướng dẫn vị trí việc làm về công tác pháp chế trong cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập (Thông tư số 02/2025/TT-BTP) và Thông tư số 03/2025/TT-BTP quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch pháp chế viên (Thông tư số 03/2025/TT-BTP).
Thông tư số 02/2025/TT-BTP và Thông tư số 03/2025/TT-BTP được ban hành tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc quản lý và sử dụng người làm công tác pháp chế, bảo đảm quyền lợi cho người làm công tác pháp chế.
I. Đối với Thông tư số 02/2025/TT-BTP
Thông tư số 02/2025/TT-BTP gồm 06 điều, quy định về danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực đối với vị trí việc làm về pháp chế trong cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể như sau:
1. Về đối tượng áp dụng (Điều 2)
Thông tư 02/2025/TT-BTP áp dụng đối với: (i) Pháp chế viên cao cấp, pháp chế viên chính, pháp chế viên và chuyên viên về pháp chế tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); chuyên viên chính về pháp chế, chuyên viên về pháp chế tại đơn vị sự nghiệp công lập; (ii) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (riêng đối với Danh mục vị trí việc làm, bản mô tả và khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực đối với vị trí việc làm về công tác pháp chế trong quân đội nhân dân, công an nhân dân thì thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an và pháp luật có liên quan).
2. Về nguyên tắc và căn cứ xác định vị trí việc làm về công tác pháp chế (Điều 3)
Về nguyên tắc và căn cứ xác định vị trí việc làm về công tác pháp chế, Thông tư quy định cụ thể như sau: (i) Trong cơ quan, tổ chức hành chính được xác định trên cơ sở nguyên tắc quy định tại Điều 3, khoản 1 Điều 4 Nghị định 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức; (ii) Trong đơn vị sự nghiệp công lập được xác định trên cơ sở nguyên tắc quy định tại Điều 3, khoản 1 Điều 4 Nghị định 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Về Danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực đối với vị trí việc làm về công tác pháp chế (Điều 4)
Thông tư quy định Danh mục vị trí việc làm về công tác pháp chế thực hiện theo quy định tại Phụ lục II và Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 06/2024/TT-BNV ngày 28 tháng 6 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Để cụ thể hóa từng vị trí việc làm cũng như tiêu chuẩn, điều kiện của từng vị trí việc làm, Thông tư đã ban hành 04 Phụ lục kèm theo, trong đó mô tả cơ bản chi tiết các công việc và khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực đối với vị trí việc làm về công tác pháp chế. Theo đó, bản mô tả công việc và khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực đối với vị trí việc làm về pháp chế trong cơ quan, tổ chức hành chính sẽ được thực hiện theo quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II. Bản mô tả công việc và khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực đối với vị trí việc làm về pháp chế trong đơn vị sự nghiệp công lập sẽ được thực hiện theo quy định tại Phụ lục III và Phụ lục IV.
4. Về trình tự phê duyệt vị trí việc làm; hồ sơ trình, nội dung và thời hạn thẩm định đề án vị trí việc làm; điều chỉnh vị trí việc làm (Điều 5)
Về trình tự phê duyệt vị trí việc làm; hồ sơ trình, nội dung và thời hạn thẩm định đề án vị trí việc làm; điều chỉnh vị trí việc, Thông tư quy định cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị khác nhau, cụ thể:
- Trình tự phê duyệt vị trí việc làm; hồ sơ trình, nội dung và thời hạn thẩm định Đề án vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP;
- Trình tự phê duyệt vị trí việc làm; hồ sơ trình, nội dung và thời hạn thẩm định Đề án vị trí việc làm của đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP;
- Việc điều chỉnh vị trí việc làm được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP và Điều 8 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định theo hướng: căn cứ Thông tư này, cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập nêu tại khoản 1 Điều 2 xây dựng hoặc điều chỉnh Đề án vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị, tổ chức mình gửi cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ về tổ chức cán bộ của bộ, ngành, địa phương để thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
5. Về hiệu lực và tổ chức thi hành (Điều 6)
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/5/2025. Đồng thời, Thông tư cũng quy định trách nhiệm tổ chức thi hành Thông tư này. Theo đó, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quy định tại Thông tư này.
II. Đối với Thông tư số 03/2025/TT-BTP
Thông tư số 03/2025/TT-BTP gồm 03 Chương, 10 Điều, cụ thể như sau:
1. Chương I - Những quy định chung (gồm 04 điều, từ Điều 1 đến Điều 4)
Chương này quy định những nội dung mang tính khát quát về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; thời gian của người làm công tác pháp chế thực hiện một trong các nhiệm vụ, quyền hạn của công tác pháp chế và văn bản xác nhận; mã số các ngạch pháp chế viên; tiêu chuẩn chung các ngạch pháp chế viên.
1.1. Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1)
- Về phạm vi điều chỉnh: Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch pháp chế viên, gồm pháp chế viên cao cấp, pháp chế viên chính và pháp chế viên.
- Về đối tượng áp dụng: Thông tư áp dụng đối với công chức các ngạch pháp chế viên tại các bộ, cơ quan ngang bộ (bao gồm cả các Cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ), cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
1.2. Về thời gian của người làm công tác pháp chế thực hiện một trong các nhiệm vụ, quyền hạn của công tác pháp chế
Thời gian của người làm công tác pháp chế thực hiện một trong các nhiệm vụ, quyền hạn của công tác pháp chế là thời gian được tính cộng dồn, không kể thời gian tập sự của người thực hiện công việc theo vị trí việc làm về công tác pháp chế, có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành luật và làm một trong các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Chương II của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày 18/5/2024).
Thời gian của người làm công tác pháp chế được tính tương đương thời gian thực hiện một trong các nhiệm vụ, quyền hạn của công tác pháp chế là thời gian công tác đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (nếu thời gian công tác không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn), không kể thời gian tập sự; có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành luật và làm công việc có yêu cầu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm về công tác pháp chế. Thời gian trên được tính là tương đương thời gian giữ các ngạch pháp chế viên.
2. Chương II - Chức trách, nhiệm vụ, tiêu chuẩn và xếp lương đối với các ngạch pháp chế viên (gồm 04 điều, từ Điều 5 đến Điều 8)
Chương này quy định cụ thể về chức trách, nhiệm vụ, tiêu chuẩn và xếp lương đối với từng ngạch pháp chế viên, cụ thể:
2.1. Đối với ngạch pháp chế viên cao cấp (mã số 15.001) (Điều 5)
Thông tư quy định pháp chế viên cao cấp là công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao nhất về pháp chế ở Trung ương, chịu trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật về nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước hoặc ít nhất một lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên sâu; tham mưu tổng hợp, hoạch định chính sách; xây dựng hoặc thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thực hiện các nội dung công tác pháp chế của ngành, lĩnh vực được giao và nghiên cứu, đề xuất, hướng dẫn nghiệp vụ công tác pháp chế.
Pháp chế viên cao cấp đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sau: (i) Am hiểu sâu sắc và vận dụng thành thạo các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan, văn bản của cấp trên, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội về ngành, lĩnh vực được giao; nắm vững tình hình, xu thế phát triển trong nước và thế giới về ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao; (ii) Có kiến thức, hiểu biết chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ công tác pháp chế và văn bản quy phạm pháp luật của ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao; áp dụng thành thạo các kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ công tác pháp chế trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao; (iii) Có năng lực đề xuất, tham mưu hoạch định chính sách; có kỹ năng chuyên sâu trong việc soạn thảo, góp ý, thẩm định các văn bản liên quan đến chức trách, nhiệm vụ được giao; (iv) Có năng lực hướng dẫn áp dụng pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ về pháp chế theo ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao; (v) Có khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm và phối hợp tốt với cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao; (vi) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, pháp chế viên cao cấp còn phải đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng như sau: (i) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành luật; (ii) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế; (iii) Có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính; (d) Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương hoặc có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính.
2.2. Đối với ngạch pháp chế viên chính (mã số 15.002) (Điều 6)
Thông tư quy định pháp chế viên chính là công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao về pháp chế ở Trung ương hoặc cấp tỉnh, chịu trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật về một hoặc một số lĩnh vực quản lý nhà nước; nghiên cứu, hoàn thiện chính sách; xây dựng hoặc thẩm định văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực được giao; tổ chức thực hiện nội dung công tác pháp chế của ngành, lĩnh vực được giao và nghiên cứu, đề xuất, hướng dẫn nghiệp vụ công tác pháp chế.
Pháp chế viên chính đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sau: (i) Nắm vững các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan, văn bản của cấp trên về lĩnh vực được giao; nắm vững tình hình trong nước về ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao; (ii) Có kiến thức, hiểu biết sâu sắc về pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước được giao; áp dụng thành thạo các kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ công tác pháp chế trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao; (iii) Có năng lực trong việc soạn thảo, góp ý, thẩm định các văn bản liên quan đến chức trách, nhiệm vụ được giao; (iv) Có năng lực hướng dẫn áp dụng pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ về pháp chế theo một số ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao; (v) Có khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm và phối hợp với đơn vị, cá nhân có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao; (vi) Có năng lực sử dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cũng như pháp chế viên cao cấp, ngoài đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, pháp chế viên chính còn phải đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng như sau: (i) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành luật; (ii) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế; (iii) Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính và tương đương hoặc có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính.
2.3. Đối với ngạch pháp chế viên (mã số 15.003) (Điều 7)
Thông tư quy định pháp chế viên là công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản về pháp chế ở Trung ương hoặc cấp tỉnh, chịu trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật về lĩnh vực quản lý nhà nước; nghiên cứu, hoàn thiện chính sách; xây dựng hoặc thẩm định văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quản lý nhà nước được giao; thực hiện các nội dung công tác pháp chế của ngành, lĩnh vực được giao.
Pháp chế viên đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sau: (i) Hiểu và có khả năng vận dụng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan, văn bản của cấp trên trong công tác pháp chế theo ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao; (ii) Có kiến thức, hiểu biết về các lĩnh vực pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ về ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao; có khả năng áp dụng kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ công tác pháp chế trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao; (iii) Có khả năng soạn thảo, góp ý, thẩm định các văn bản liên quan đến chức trách, nhiệm vụ được giao; (iv) Có khả năng tham gia nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm và thực tiễn công tác pháp chế; (v) Có khả năng hướng dẫn áp dụng pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ về pháp chế theo ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao; (vi) Có khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm và phối hợp với các đơn vị, cá nhân có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao; (vii) Có năng lực sử dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, pháp chế viên cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng như sau: (i) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành luật; (ii) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế; (iii) Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên và tương đương.
2.4. Về việc xếp lương đối với các ngạch pháp chế viên (Điều 8)
Trên cơ sở Điều 8 của Thông tư, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009, Nghị định số 14/2012/NĐ-CP ngày 07/3/2012, Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19/02/2013, Nghị định số 117/2016/NĐ-CP ngày 21/7/2016) áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước đối với công chức các ngạch pháp chế, cụ thể: (i) Ngạch pháp chế viên áp dụng bảng lương công chức loại A1; (ii) Ngạch pháp chế viên chính áp dụng bảng lương công chức loại A2, nhóm A2.1; (iii) Ngạch pháp chế viên cao cấp áp dụng bảng lương công chức loại A3, nhóm A3.1.
3. Chương III - Điều khoản thi hành (gồm 02 điều, Điều 9 và Điều 10)
Chương này quy định điều khoản chuyển tiếp về việc chuyển ngạch sang các ngạch pháp chế viên; hiệu lực và trách nhiệm thi hành, cụ thể:
3.1. Đối với việc chuyển ngạch sang các ngạch pháp chế viên (Điều 9. Quy định chuyển tiếp)
Thông tư quy định: tính đến ngày 01/7/2025, công chức thực hiện công tác pháp chế đang được xét chuyển ngạch sang các ngạch pháp chế viên tương ứng theo khoản 4 Điều 4 Nghị định số 56/2024/NĐ-CP thì chỉ áp dụng tiêu chuẩn quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định số 56/2024/NĐ-CP. Sau thời hạn 01/7/2025, người được bổ nhiệm vào các ngạch pháp chế viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Thông tư này (Điều 9 Thông tư số 03/2025/TT-BTP).
3.2. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành (Điều 10)
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/5/2025. Đồng thời, Thông tư cũng quy định trách nhiệm tổ chức thi hành Thông tư này. Theo đó, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quy định tại Thông tư này./.