Một số nội dung chủ yếu trong Nghị định số 93/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp

25/08/2008
Trong giai đoạn hiện nay, quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp và Chiến lược xây dựng pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, phục vụ sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới cho Bộ Tư pháp về đổi mới, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi việc thi hành pháp luật, tăng cường quản lý nhà nước các công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp,….Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 62/2003/NĐ-CP phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn đặt ra cho Bộ Tư pháp là hết sức cần thiết.

Ngày 22/8/2008 Chính phủ đã ký và ban hành Nghị định số 93/2008/NĐ-CP về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp (sau đây gọi là Nghị định 93/2008/NĐ-CP) thay thế Nghị định số 62/2003/NĐ-CP.

          Những nội dung chủ yếu và điểm mới của Nghị định 93/2008/NĐ-CP

          1. Cơ cấu Nghị định

  Nghị định gồm 05 điều, quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, cơ bản kế thừa các quy định của Nghị định 62/2003/NĐ-CP.

  2. Về vị trí, chức năng

  Điều 1 Nghị định 93/2008/NĐ-CP quy định về vị trí, chức năng được quy định trên cơ sở kế thừa các quy định của Nghị định số 62/2003/NĐ-CP, đồng thời bổ sung chức năng quản lý nhà nước về thi hành pháp luật, cụ thể như sau:

"Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: công tác xây dựng và thi hành pháp luật; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp và các công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ."

  3. Về nhiệm vụ, quyền hạn

Các nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp tại Điều 2 của Nghị định về cơ bản kế thừa các quy định tại Nghị định số 62/2003/NĐ-CP, nhưng được thể hiện lại nhằm đảm bảo quy định tổng hợp, khái quát các nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp đã được quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành; đồng thời bổ sung một số nhiệm vụ mới đáp ứng với yêu cầu thực tiễn đặt ra và phù hợp với quy định tại Nghị định số 178/2007/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

  3.1. Các nhiệm vụ mới được bổ sung như sau:

  a) Về xây dựng pháp luật:

 Nhiệm vụ xây dựng pháp luật được quy định trên cơ sở quy định ở Nghị định số 62/2003/NĐ-CP, đồng thời bổ sung theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và phù hợp với yêu cầu thực tiễn xây dựng pháp luật trong thời gian qua, cụ thể như sau:

- Khoản 5 điểm (a): "Trình Chính phủ dự thảo chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật;"

 - Khoản 5 điểm (b): "Lập dự kiến của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về những vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; dự kiến phân công cơ quan chủ trì, phối hợp soạn thảo để trình Chính phủ quyết định; kiểm tra, đôn đốc việc soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do Chính phủ trình;"

- Khoản 5 điểm (đ): "Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật."

  b) Về thi hành pháp luật:

Theo quy định pháp luật hiện hành, để giúp Chính phủ trong việc bảo đảm việc thi hành pháp luật quy định tại Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ 2001, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phụ trách ngành, lĩnh vực nào thì có trách nhiệm theo dõi việc thi hành pháp luật trong ngành, lĩnh vực đó. Tuy nhiên, hiện nay chưa có Bộ, ngành nào được phân công làm đầu mối giúp Chính phủ theo dõi chung việc thi hành pháp luật. Thực hiện Thông báo số 198/TB-VPCP ngày 8/8/2008 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Kế hoạch đầu tư, Tài Chính, Tư pháp, Tài nguyên môi trường và Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp được giao giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành pháp luật trong tất cả các lĩnh vực trên phạm vi cả nước.

Nhiệm vụ này được thể hiện cụ thể tại Khoản 6 Điều 2 như sau:

"a) Theo dõi chung tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước;

b) Hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác theo dõi, đánh giá, báo cáo về tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương."

  c) Về hướng dẫn nghiệp vụ công tác pháp chế bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

- Khoản 17 Điều 2 được quy định như sau: "Hướng dẫn nghiệp vụ công tác pháp chế Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật" 

  d)  Về hợp tác quốc tế:

  Bổ sung nhiệm vụ được quy định trong Điều 62 Luật Tương trợ tư pháp:

  - Khoản 18 điểm (c): Quản lý thống nhất công tác tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người thi hành án phạt tù giữa Việt Nam và nước ngoài; làm đầu mối thực hiện các hoạt động uỷ thác tư pháp về dân sự theo quy định pháp luật.

  đ) Quy định cụ thể một số nhiệm vụ cho phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành:

- Về bán đấu giá tài sản:

Thực hiện Thông báo số 198/TB-VPCP ngày 8/8/2008, Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động bán đấu giá tài sản trong phạm vi cả nước, đồng thời Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ soạn thảo, trình Chính phủ trong Quý III năm 2008 dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo hướng bỏ cụm từ ''liên quan đến thi hành án''.

Do vậy, để khẳng định về nhiệm vụ quản lý bán đấu giá tài sản của Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nên điểm a khoản 12 Điều 2 của Nghị định được sửa đổi, bổ sung như sau:

"a) Quản lý nhà nước thống nhất về tổ chức và hoạt động bán đấu giá tài sản trong phạm vi cả nước..;"

- Về nuôi con nuôi:

Nghị định quy định cụ thể nhiệm vụ quản lý nhà nước thống nhất về việc nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, cụ thể như sau:

"Hướng dẫn, kiểm tra việc đăng ký nuôi con nuôi và thực hiện quyền, lợi ích của con nuôi trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; ban hành thống nhất biểu mẫu, giấy tờ trong lĩnh vực nuôi con nuôi; giải quyết các việc về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật" (Khoản 13 điểm (a)).

4. Về cơ cấu tổ chức:

Theo Nghị định 93/2008/NĐ-CP cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp được củng cố, tăng cường phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, cụ thể là:

4.1) Những đơn vị được điều chỉnh chức năng, thay đổi tên gọi:

a) Đổi tên Cục Con nuôi quốc tế thành Cục Con nuôi.

b) Thành lập Cục Công nghệ thông tin trên cơ sở Trung tâm tin học.

4.2) Thành lập 2 đơn vị mới:

- Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật;

- Thành lập Cơ quan đại diện của Bộ Tư pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh (tương đương cấp Vụ).  

4.3) Thành lập các phòng trực thuộc các Vụ.

Điều 3 Nghị định quy định các Vụ sau đây được thành lập phòng:

Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Vụ Hành chính tư pháp, Vụ Bổ trợ tư pháp, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Kế hoạch - Tài chính.

4.4) Về các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Bộ

Theo quy định tại Điều 3, các đơn vị sự nghiệp của Bộ bao gồm 4 đơn vị: Viện Khoa học pháp lý, Học viện Tư pháp, Tạp chí Dân chủ và pháp luật và Báo Pháp luật Việt Nam.

Theo quy định chung, Trường Đại học Luật và Nhà Xuất bản Tư pháp sẽ được quy định trong một văn bản riêng do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Trên đây là một số nội dung chủ yếu trong Nghị định 93/2008/NĐ-CP./.