Tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững

01/09/2008
Ngày 29/8/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 20/2008/NQ-CP Về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững trong những tháng cuối năm 2008 theo Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị và Kết luận của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X).

 Theo Nghị quyết, bên cạnh những kết quả đã được, nền kinh tế nước ta vẫn bộc lộ những tồn tại, yếu kém. Tuy lạm phát bước đầu đã được kiềm chế, tốc độ tăng giá tiêu dùng hai tháng gần đây đã giảm so với những tháng đầu năm nhưng xu hướng giảm chưa vững chắc. Nhập siêu đã giảm nhưng vẫn ở mức khá cao. Lãi suất còn cao, ảnh hưởng đến việc tiếp cận các nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Công tác rà soát, cắt giảm đầu tư công, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước còn chậm trễ và hiệu quả chưa cao. Tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội ở một số địa phương còn chưa đồng bộ, thủ tục còn phức tạp, làm cho các khoản hỗ trợ chậm đến được các đối tượng thụ hưởng. Tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhất là giá dầu thô, tỷ giá đồng đô la Mỹ và tính ổn định của một số thị trường tiêu thụ hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam...

          Để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững trong những tháng cuối năm 2008, Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau đây:

          Tiếp tục thực hiện giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô

          Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng linh hoạt trong điều hành; điều hành lãi suất theo hướng thực dương; điều hành tỷ giá linh hoạt, theo tín hiệu thị trường; tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh doanh ngoại tệ. Trong quý III năm 2008, ban hành quy định mới về tiêu chí, điều kiện thành lập ngân hàng. Trong khi chưa ban hành được các tiêu chí, điều kiện mới về thành lập ngân hàng, tạm thời chưa cấp phép thành lập mới các ngân hàng...           Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi tiêu trong các đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước.Chỉ đạo, nắm vững tình hình hoạt động của thị trường chứng khoán, thúc đẩy tự phát triển ổn định, lành mạnh, nâng cao tính minh bạch, công khai; phát hiện và kịp thời xử lý những diễn biến bất thường của thị trường.

          Các Bộ, địa phương, nhất là những Bộ, địa phương trực tiếp quản lý các dự án, công trình có nguồn vốn lớn từ ngân sách nhà nước tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm các dự án đầu tư công kém hiệu quả hoặc chưa thực sự cần thiết để điều chuyển, bố trí vốn cho các dự án, công trình quan trọng, cấp thiết có khả năng hoàn thành trong năm 2008 - 2009, các dự án sản xuất các sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước như: xi măng, điện, giao thông đường bộ.

          Đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý thị trường và điều hành giá cả

           Bộ Công Thương chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty lớn đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ hải sản, công nghiệp có giá trị gia tăng cao để phấn đấu tăng kim ngạch xuất khẩu trong những tháng cuối năm ở mức 26 - 30%; tiếp tục áp dụng linh hoạt các biện pháp thuế quan và phi thuế quan (về kiểm soát tiêu chuẩn, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, rào cản kỹ thuật, xuất xứ hàng hoá đối với hàng nhập khẩu để kiểm soát nhập khẩu, bảo đảm tỷ lệ nhập siêu năm 2008 so với kim ngạch xuất khẩu ở mức khoảng 30%.

          Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các tập đoàn sản xuất tiếp tục theo dõi việc thực hiện chủ trương dãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn giảm thuế nhập khẩu vật tư, nguyên liệu phục vụ gia công hàng xuất khẩu để có biện pháp xử lý kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; chỉ đạo ngành hải quan đơn giản hoá thủ tục hành chính đề thông quan nhanh hàng xuất khẩu.

          Tập trung chỉ đạo sản xuất trong nước kết hợp với điều hành xuất nhập khẩu để bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng: xăng dầu, lương thực, sắt thép, phân bón, thuốc chữa bệnh,... nhất thiết không được để xảy ra thiếu hàng hoá trong mọi tình huống.

          Tực hiện điều hành giá xăng, dầu hoả theo nguyên tắc thị trường, Nhà nước không bù lỗ đối với hai mặt hàng này. ối với giá dầu mazút, thực hiện điều hành theo hướng tiếp cận thị trường, Nhà nước giảm dần bù lỗ, tiến tới áp dụng điều hành như giá xăng, dầu hoả. Đối với dầu diesel, trước mắt Nhà nước tiếp tục bù lỗ để hỗ trợ sản xuất; khi đủ điều kiện sẽ áp dụng theo cơ chế thị trường.

          Gữ ổn định giá bán đến hết năm 2008 đối với bốn mặt hàng là điện, nước sạch, cước xe buýt công cộng, than cho 4 hộ tiêu dùng lớn (điện, phân bón, xi măng, giấy).

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh

          Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại bảo đảm đủ vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu (kể cả cân đối ngoại tệ); có biện pháp thích hợp để đáp ứng nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường.

           Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam áp dụng các biện pháp để bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, nhất là sản xuất các mặt hàng thiết yếu và xuất khẩu.

          Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, có biện pháp thích hợp theo dõi, nắm bắt, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; chủ động và kiên quyết loại bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

          Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các địa phương kiểm tra để huỷ bỏ ngay các khoản phí, lệ phí trái pháp luật.

          Các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn thực hiện nghiêm việc rà soát các khoản đầu tư, tiết kiệm tối đa chi phí để nâng cao hiệu quả đầu tư và sức cạnh tranh; phát huy vai trò nòng cốt, bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định, cung ứng đủ hàng hoá, nhất là hàng hoá thiết yếu với giá bán hợp lý, ổn định; tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá, đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo đúng kế hoạch đề ra.

          Bộ Tài chính chủ trì tổ chức đánh giá tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, đề xuất chủ trương, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước nhằm phát huy vai trò nòng cốt trong nền kinh tế. Định kỳ hàng quý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đầy đủ, chính xác tình hình tài chính của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước.

           Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh, trình Chính phủ ban hành Nghị định về hình thành, tổ chức hoạt động và giám sát đối với tập đoàn kinh tế nhà nước.

           Bảo đảm an sinh xã hội

          Các Bộ, ngành và địa phương theo trách nhiệm được giao tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đã được ban hành như: hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, hỗ trợ dầu hoả thắp sáng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nâng mức trợ cấp đối với đối tượng bảo trợ xã hội, hỗ trợ kinh phí nâng mức hỗ trợ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, nâng mức học bổng cho học sinh dân tộc nội trú, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, gia súc, gia cầm, hỗ trợ chống hạn, hỗ trợ kinh phí mua giống lúa khôi phục sản xuất, hỗ trợ khắc phục dịch rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá, đẩy nhanh việc thu mua lúa gạo, nông thuỷ sản với giá có lãi hợp lý cho người sản xuất, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các xã đặc biệt khó khăn...; đồng thời, kịp thời phát hiện, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội nhanh chóng đến được các đối tượng thụ hưởng.

          Các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Nội vụ, Uỷ ban Dân tộc chủ động thực hiện hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung cơ chế, chính sách trợ cấp đối với các đối tượng mới có khó khăn do mất việc làm, thu nhập thấp, người về hưu, cán bộ công chức nhà nước; các chính sách trợ giúp nhân dân các vùng bị ảnh hưởng nặng nề do lũ, lụt; tiếp tục thực hiện các chương trình giảm nghèo.

           Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các địa phương nắm bắt, tổng hợp tình hình về tình trạng mất việc làm, giảm việc làm, giảm thu nhập do chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc cắt giảm đầu tư, cắt giảm sản xuất, kinh doanh từ đầu năm 2008 đến nay; chủ động nghiên cứu, đề xuất biện pháp giải quyết phù hợp.

          Tập trung xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các huyện nghèo; xây dựng, ban hành chuẩn nghèo mới phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế.

Thông tin chính xác, phản ánh đầy đủ và kịp thời tình hình kinh tế - xã hội

          Các Bộ, ngành và địa phương chú trọng thực hiện quy chế về thông tin, chủ động cung cấp thông tin và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí để bảo đảm công khai, minh bạch các thông tin về tình hình kinh tế xã hội và các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Trung ương, địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tin tuyên truyền đưa tin chính xác, phản ánh đầy đủ và kịp thời tình hình kinh tế - xã hội đất nước, các chủ trương, chính sách của Chính phủ, tránh đưa những thông tin bất lợi, gây tâm lý lo lắng, hoang mang trong dân; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực báo chí./.

Hải Yến