Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 18/2024/TT-BGDĐT quy định Chương trình Giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học; cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ.
Theo Thông tư, Chương trình Giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học; cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ (gọi chung là Chương trình Giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học) nhằm tạo cơ hội học tập cho người học có nhu cầu cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cuộc sống, sản xuất và tiếp nhận công nghệ mới, phát triển kinh tế tạo thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình; đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, bồi dưỡng nguồn nhân lực của địa phương, nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của mọi người; góp phần xây dựng xã hội học tập và phát triển cộng đồng bền vững.
Chương trình Giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học góp phần tiếp tục phát triển phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người học trong các mối quan hệ của cuộc sống, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, điều kiện, hoàn cảnh của bản thân, gia đình và xã hội.
Chương trình Giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học ban hành theo Thông tư này dùng cho các cơ sở giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục khác nhằm đáp ứng yêu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân trong cộng đồng, góp phần nâng cao dân trí và xây dựng xã hội học tập.
Chương trình Giáo dục cụ thể theo 8 lĩnh vực
Chương trình Giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học bao gồm các Chương trình Giáo dục cụ thể theo các lĩnh vực:
1. Chương trình Giáo dục pháp luật.
2. Chương trình Giáo dục văn hóa - xã hội.
3. Chương trình Giáo dục bảo vệ môi trường.
4. Chương trình Giáo dục bảo vệ sức khỏe.
5. Chương trình Giáo dục phát triển kinh tế.
6. Chương trình Giáo dục kỹ năng sống và tư vấn tâm lý.
7. Chương trình Giáo dục hướng nghiệp và khởi nghiệp.
8. Chương trình Giáo dục chuyển đổi số trong cộng đồng.
Chương trình Giáo dục cụ thể ở từng lĩnh vực bảo đảm cung cấp cho người học những nội dung kiến thức cơ bản, thiết thực và hữu ích giúp người học có thể vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học vào giải quyết những vấn đề của cuộc sống, góp phần phát triển bản thân và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hình thức tổ chức dạy học Chương trình Giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học được tổ chức theo hướng mở, linh hoạt với nhiều hình thức đa dạng khác nhau. Căn cứ vào nội dung của các chủ đề và đối tượng người học, giáo viên, báo cáo viên có thể lựa chọn, tổ chức theo các hình thức gồm: học tập trung, học ở thực địa, học qua các buổi tập huấn chuyển giao khoa học - công nghệ, các buổi nói chuyện trực tiếp, lồng ghép thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt nhóm, tham quan thực tế, tổ chức hội thi, học qua đài phát thanh, đài truyền hình; có thể cung cấp học liệu tờ rơi, tờ gấp để người học tự học, tự đọc, tự nghiên cứu sách, báo, tài liệu nâng cao kiến thức cho bản thân.
Việc đánh giá kết quả học tập của người học được thực hiện theo từng chương trình giáo dục cụ thể. Kết quả học tập của từng chương trình giáo dục cụ thể theo các lĩnh vực giáo dục được đánh giá theo hình thức Đạt và Chưa đạt.
Người học hoàn thành chương trình giáo dục cụ thể, kiểm tra đạt yêu cầu được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2025.