Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo: Đã có ngân sách nhà nước bảo đảm

13/08/2008
Thực hiện Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg ngày 09/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết KNTC của nông dân” (gọi tắt là Chỉ thị số 26), vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 44/2008/TT-BTC hướng dẫn về việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của Hội nông dân các cấp (bao gồm TƯ Hội nông dân Việt Nam, Hội Nông dân các tỉnh thành, Hội nông dân cấp huyện và cấp xã).

Về nguồn kinh phí, Thông tư 44 quy định, ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí hoạt động thực hiện Chỉ thị số 26 thuộc TƯ Hội nông dân Việt Nam và ngân sách địa phương (cùng cấp) bảo đảm kinh phí hoạt động của Hội nông dân các cấp (tỉnh, huyện và xã). Kinh phí trên phải được sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả và quản lý chi tiêu theo đúng chế độ hiện hành và quy định tại Thông tư này.

Về nội dung chi, theo Thông tư 44 có 10 mục chi như sau: Chi thông tin, tuyên truyền (trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi in ấn, phát hành đề cương giới thiệu văn bản pháp luật mới, các tài liệu, ấn phẩm PBGDPL phù hợp với đối tượng nông dân, chi biên dịch, xuất bản, in và phát hành tài liệu pháp luật bằng tiếng dân tộc); Chi tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho nông dân, thi hoà giải viên giỏi, giao lưu sinh hoạt văn hoá có lồng ghép nội dung tuyên truyền PBGDPL; Chi tổ chức các khoá tập huấn bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác PBGDPL ở Hội nông dân các cấp về nghiệp vụ hoà giải, giải quyết KNTC, TGPL; Chi công tác phí phục vụ các hoạt động TGPL lưu động, tuyên truyền phổ biến pháp luật lưu động cho nông dân; Chi cho công tác hoà giải tại chi hội, tổ hội nông dân; Chi cho công tác tiếp Hội viên nông dân KNTC, phản ánh, kiến nghị, cho tổ chức hoạt động đối thoại với nông dân để giải đáp vướng mắc của nông dân, tư vấn pháp luật; Chi tổ chức các hội thảo, toạ đàm về nghiệp vụ giải quyết KNTC; Chi thực hiện các cuộc điều tra, khảo sát trong nước để thực hiện kế hoạch PBGDPL và giải quyết KNTC, TGPL của nông dân; Chi sơ kết, tổng kết, thi đua khen thưởng theo địa phương và toàn quốc về hoạt động thực hiện Chỉ thị số 26; Chi làm thêm giờ, văn phòng phẩm, trang thiết bị và các chi phí khác phục vụ trực tiếp hoạt động tham gia giải quyết KNTC của nông dân.

Về mức chi cho các nội dung liên quan, Thông tư 44 hướng dẫn là thực hiện theo quy định hiện hành và một số mức chi cụ thể có phụ lục đính kèm Thông tư, trong đó mức chi tối đa cao nhất là chi giải thưởng cuộc thi được tổ chức tại cấp TƯ – 2 triệu đồng cho tập thể, 1 triệu đồng cho cá nhân. Thông tư 44 cũng nhấn mạnh, trong phạm vi nguồn kinh phí được giao hàng năm, Thủ trưởng cơ quan quyết định mức chi cụ thể nhưng không vượt quá mức chi tối đa hoặc khung mức chi quy định tại Thông tư.

Về lập dự toán, theo Thông tư 44, hàng năm, Hội nông dân các cấp sẽ phải lập dự toán kinh phí bảo đảm thực hiện Chỉ thị số 26 căn cứ vào khối lượng công việc, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, chế độ chi quy định tại Thông tư và tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của cơ quan mình trình cấp có thẩm quyền quyết định. Còn việc phân bổ, giao dự toán và quyết toán kinh phí hoạt động cho Hội nông dân các cấp thực hiện theo quy định của Luật ngân sách và các văn bản hướng dẫn.

Cẩm Vân