Định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra, khảo sát hải văn, hóa học và môi trường vùng ven bờ và hải đảo

26/08/2024
Ngày 21 tháng 8 năm 2024, Bộ Tài nguyên và môi trường đã ban hành Thông tư số 13/2024/TT-BTNMT quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra, khảo sát hải văn, hóa học và môi trường vùng ven bờ và hải đảo.
Theo đó, Thông tư số 13/2024/TT-BTNMT quy định, định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra, khảo sát hải văn, hóa học và môi trường vùng ven bờ và hải đảo từ 0 đến 20m nước độ sâu áp dụng cho các dạng công việc sau: Điều tra, khảo sát khí tượng biển; Điều tra, khảo sát hải văn; Điều tra, khảo sát hóa học và môi trường biển; Điều tra, khảo sát sinh thái biển.
Định mức kinh tế - kỹ thuật này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường biển; các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án điều tra, khảo sát tổng hợp khí tượng, hải văn, hóa học và môi trường vùng ven bờ và hải đảo sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các cơ quan có liên quan.
Cơ sở xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật như sau:
- Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
- Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
- Nghị định số 14/2012/NĐ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về sửa đổi Điều 7 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
- Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
- Nghị định số 117/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
- Thông tư số 34/2010/TT-BTNMT ngày 14 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định kỹ thuật điều tra, khảo sát hải văn, hóa học và môi trường vùng ven bờ và hải đảo;
- Thông tư liên tịch số 53/2015/TTLT-BTNMT-BNV ngày 08 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số và chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành điều tra tài nguyên môi trường;
- Thông tư liên tịch số 56/2015/TTLT-BTNMT-BNV ngày 08 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành quan trắc tài nguyên môi trường;
- Thông tư số 136/2017/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập, quản lý, sử dụng kinh phí chi hoạt động kinh tế đối với các nhiệm vụ chi về tài nguyên môi trường;
- Thông tư số 20/2017/TT-BTNMT ngày 08 tháng 8 năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động quan trắc môi trường;
- Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- Thông tư số 08/2021/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc hải văn;
- Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường;
- Thông tư số 16/2021/TT-BTNMT ngày 27 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên Môi trường;
- Thông tư số 12/2022/TT-BTNMT ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành tài nguyên và môi trường;
- Thông tư số 14/2022/TT-BTNMT ngày 27 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc khí tượng;
- Thông tư số 25/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 11 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động;
- Thông tư số 01/2023/TT-BTNMT ngày 13 tháng 3 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường nước biển, mã số QCVN 10:2023/BTNMT;
- Thông tư số 23/2023/TT-BTC ngày 25 tháng 4 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
- Quyết định số 1267/QĐ-BTNMT ngày 08 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Danh mục, thời gian sử dụng và tỷ lệ hao mòn tài sản chưa đủ tiêu chuẩn nhận biết tài sản cố định hữu hình; Danh mục tài sản cố định đặc thù; Danh mục, thời gian sử dụng và tỷ lệ hao mòn tài sản cố định vô hình thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đối với điều tra, khảo sát khí tượng biển:
Điều tra, khảo sát, đo đạc, quan trắc các yếu tố như nhiệt độ không khí, độ ẩm không khí, áp suất không khí, hướng và tốc độ gió, tầm nhìn xa, mây, hiện tượng thời tiết hiện tại, hiện tượng thời tiết đã qua, hiện tượng khí tượng khác.
- Các nội dung chuẩn bị: Kiểm tra tình trạng hoạt động, thời hạn chứng nhận kiểm định của các phương tiện đo khí tượng biển, bảo dưỡng trước và sau mỗi đợt điều tra, khảo sát; Chuẩn bị tài liệu phục vụ quan trắc và quy toán; Chuẩn bị các dụng cụ, vật tư, vật liệu phục vụ điều tra, khảo sát khí tượng biển; Lắp đặt các thiết bị phục vụ đo đạc và khảo sát trên tàu; Liên hệ với địa phương về việc điều tra, khảo sát.
- Công tác đo đạc, quan trắc:
+ Yêu cầu: đo đạc, quan trắc khí tượng biển phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc khí tượng, mã số QCVN 46: 2022/BTNMT ban hành kèm theo Thông tư số 14/2022/TT-BTNMT ngày 27 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
+ Xác định tọa độ trạm điều tra, khảo sát;
+ Tại các trạm đo liên tục: đo đạc, quan trắc các yếu tố khí tượng biển theo các kỳ quan trắc 1, 4, 7, 10, 13, 16, 19, 22 giờ hàng ngày hoặc theo yêu cầu;
+ Tại trạm mặt rộng: đo đạc, quan trắc các yếu tố khí tượng biển tại thời điểm khi tàu đến trạm (điểm đo);
+ Quan sát, theo dõi và cập nhật các hiện tượng khí tượng giữa các trạm đo của trạm mặt rộng và các obs đo của trạm liên tục;
+ Ghi biên bản bàn giao tình hình hoạt động của phương tiện đo và thời tiết khu vực khảo sát khi giao ca;
+ Tháo dỡ, thu dọn dụng cụ, thiết bị đo đạc khảo sát và bảo dưỡng sau khi kết thúc chuyến điều tra.
- Xử lý số liệu, báo cáo kết quả, nghiệm thu sản phẩm:
+ Tiến hành quy toán, hiệu chỉnh số liệu các yếu tố đo đạc;
+ Lập hồ sơ, bảng biểu số liệu theo yêu cầu điều tra, khảo sát;
+ Nhập và lưu trữ số liệu điều tra, khảo sát khí tượng biển vào máy tính;
+ Xử lý số liệu, xác định các đặc trưng, giá trị lớn nhất, nhỏ nhất, trung bình của từng yếu tố khí tượng;
+ Tóm tắt diễn biến thời tiết tại khu vực tiến hành điều tra, khảo sát;
+ Viết báo cáo số liệu điều tra, khảo sát, các kết quả tính toán và đặc trưng của các yếu tố khí tượng biển, đánh giá và nhận xét sơ bộ kết quả thu được, báo cáo tình hình thời tiết và các tác động (nếu có) ở khu vực điều tra khảo sát;
+ Các kiến nghị và đề xuất về công tác điều tra, khảo sát khí tượng biển trong giai đoạn tiếp theo;
+ In ấn, nghiệm thu và bàn giao sản phẩm.
Đối với điều tra, khảo sát hải văn:
Điều tra, khảo sát, đo đạc, quan trắc các yếu tố như dòng chảy biển, sóng biển và mực nước biển bằng các thiết bị đo trực tiếp và tự ghi.
- Nội dung chuẩn bị:
+ Kiểm tra tình trạng hoạt động của các phương tiện đo hải văn, bảo dưỡng trước và sau mỗi đợt điều tra, khảo sát;
+ Chuẩn bị phương tiện đo dự phòng;
+ Chuẩn bị tài liệu, bảng biểu, quy định quan trắc có liên quan;
+ Chuẩn bị các dụng cụ, vật tư, vật liệu phục vụ điều tra, khảo sát hải văn;
+ Liên hệ với địa phương về việc điều tra, khảo sát.
- Công tác đo đạc, quan trắc:
+ Đo đạc, quan trắc phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc hải văn mã số QCVN 69:2021/BTNMT được ban hành theo Thông tư số 08/2021/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
+ Tại trạm mặt rộng thực hiện các công việc sau: Xác định tọa độ trạm điều tra, khảo sát; Xác định độ sâu tại trạm; Xác định tầng đo dòng chảy tại 3 tầng (tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy) hoặc theo yêu cầu; Tiến hành thả máy để đo đạc trực tiếp hoặc tự ghi tại các tầng đã lựa chọn; Kết thúc đo đạc, tàu di chuyển sang các trạm mặt rộng khác theo hành trình và thực hiện các bước công việc tương tự.
+ Tại trạm liên tục thực hiện các công việc sau: Xác định tọa độ trạm điều tra, khảo sát; Xác định độ sâu tại trạm; Thiết lập và cài đặt máy tính điều khiển tại 3 tầng đo dòng chảy (tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy) hoặc theo yêu cầu; Cài đặt chế độ đo cho từng yếu tố: dòng chảy, sóng, mực nước hoặc đồng thời cho 2 và 3 yếu tố tùy theo loại máy đo được sử dụng; Lắp đặt máy đo vào hệ thống trạm phao độc lập, các phương tiện và dụng cụ thả phao khi được thả trên biển; Tiến hành thả hệ thống phao theo hình chữ U hoặc I, đảm bảo độ thăng bằng của máy đo trong suốt quá trình đo đạc; Quan sát, theo dõi, cập nhật và ghi nhật ký về trạng thái mặt biển, phương tiện và dụng cụ thả phao, các tín hiệu cảnh báo an toàn và nhận dạng của hệ thống trạm phao độc lập và thời tiết trong suốt quá trình máy đo liên tục.
+ Tháo dỡ, thu dọn dụng cụ, thiết bị đo đạc, khảo sát và bảo dưỡng: Tiến hành vớt hệ thống trạm phao độc lập lên tàu sau khi đã đủ thời gian đo; Thu dọn, bảo quản, lau chùi, rửa các thiết bị, dụng cụ phục vụ đo đạc; Tháo dỡ, thu dọn trạm phao, thiết bị và dụng cụ; Bảo dưỡng, lau chùi, rửa hệ thống trạm phao và các dụng cụ phục vụ đo đạc bằng nước ngọt sạch; Thu số liệu từ máy đo vào máy tính để lưu trữ.
- Xử lý số liệu, báo cáo kết quả, nghiệm thu sản phẩm:
+ Chỉnh lý số liệu dòng chảy, lập bảng tần suất, tính hằng số điều hòa, vẽ hoa dòng chảy và các đặc trưng dòng chảy;
+ Chỉnh lý số liệu sóng, xác định các đặc trưng hướng, chu kỳ và độ cao sóng, hướng thịnh hành;
+ Chỉnh lý số liệu đo mực nước, vẽ biến trình dao động mực nước, xác định các đặc trưng: lớn nhất, nhỏ nhất, trung bình;
+ Tập hợp số liệu thu được, đánh giá và nhận xét kết quả đo đạc và tính toán, thống kê các đặc trưng, biến đổi của các yếu tố dòng chảy, sóng và mực nước;
+ Viết báo cáo, đánh giá và nhận xét kết quả đo đạc và tính toán của các yếu tố dòng chảy, sóng, mực nước tại trạm liên tục trong thời gian tiến hành khảo sát;
+ Các kiến nghị và đề xuất về công tác điều tra, khảo sát hải văn trong giai đoạn tiếp theo;
+ In ấn, nghiệm thu và bàn giao sản phẩm.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07 tháng 10 năm 2024 và thay thế Thông tư số 40/2010/TT-BTNMT ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định Định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra, khảo sát hải văn, hóa học và môi trường vùng ven bờ và hải đảo (sau đây gọi tắt là Thông tư số 40/2010/TT-BTNMT).
Các nhiệm vụ, dự án chuyên môn được phê duyệt theo các quy định của Thông tư số 40/2010/TT-BTNMT và đang thực hiện hoặc chưa thực hiện trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo các quy định đã được phê duyệt, trừ trường hợp có yêu cầu thực hiện theo quy định của Thông tư này.