Quy định về quản lý, vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ

26/07/2024
Việc quản lý, vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ từ ngày 01/01/2025 được quy định cụ thể trong Luật Đường bộ 2024.
Hướng dẫn quản lý, vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ từ ngày 01/01/2025
Tại Điều 36 Luật Đường bộ 2024 quy định về việc quản lý, vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ như sau:
- Việc quản lý, vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ phải bảo đảm hiệu quả, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn và tuân thủ quy định của pháp luật.
- Nội dung quản lý, vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm:
+ Tiếp nhận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình, hồ sơ hoàn thành công trình sau khi hoàn thành việc đầu tư, xây dựng; lập, bảo quản hồ sơ quản lý kết cấu hạ tầng đường bộ;
+ Tổ chức giao thông theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 25 Luật Đường bộ 2024;
+ Bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; quản lý, sử dụng đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ;
+ Quản lý, vận hành, khai thác hệ thống quản lý giao thông thông minh; trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc, công trình kiểm soát tải trọng xe, hệ thống thu phí và các thiết bị gắn vào kết cấu hạ tầng đường bộ;
+ Thu thập, quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác và cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu đường bộ;
+ Thực hiện công tác phòng, chống thiên tai trong lĩnh vực đường bộ theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai và quy định của Luật Đường bộ 2024;
+ Thực hiện các công việc khác theo quy định của Luật Đường bộ 2024, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Hiện hành, theo khoản 2 và khoản 3 Điều 25 Luật Đường bộ 2024 quy định về tổ chức giao thông như sau:
- Nội dung tổ chức giao thông đường bộ trong giai đoạn thiết kế, thi công xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng, bảo trì công trình đường bộ bao gồm:
+ Quy định số làn đường, phần đường dành cho xe ô tô và các phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác, phần đường dành cho người đi bộ; chiều đi, tốc độ các phương tiện cơ giới tham gia giao thông đường bộ;
+ Tổ chức phân làn, phân luồng trên tuyến đường đang đầu tư xây dựng và tại các tuyến đường bộ kết nối;
+ Quy định giao thông tại các nút giao, vị trí đấu nối với đường khác; quy định về tránh, vượt xe trên đường, các điểm được phép dừng xe, đỗ xe trên đường, vị trí đón, trả khách;
+ Quy định khổ giới hạn và tải trọng cho phép phương tiện tham gia giao thông đường bộ an toàn;
+ Quy định thời gian cho phép tham gia giao thông; thời gian cho phép đi theo các hướng của đèn tín hiệu giao thông;
+ Quy định thời gian bật, tắt hệ thống chiếu sáng trên đường;
+ Quy định về các trường hợp tạm dừng khai thác một phần hoặc toàn bộ tuyến đường;
+ Khai thác, sử dụng hệ thống quản lý giao thông thông minh, trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc và các thiết bị công nghệ khác phục vụ cung cấp thông tin, chỉ dẫn cho người tham gia giao thông đường bộ;
+ Lắp đặt đầy đủ hệ thống báo hiệu đường bộ và thực hiện các công việc cần thiết khác;
+ Phê duyệt phương án tổ chức giao thông đối với đường cao tốc.
- Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ, người quản lý, sử dụng đường bộ, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm lắp đặt, điều chỉnh, bổ sung đầy đủ báo hiệu đường bộ, công trình an toàn giao thông đường bộ đối với dự án và tuyến đường thuộc phạm vi quản lý; thực hiện phương án tổ chức giao thông đường cao tốc được phê duyệt.