Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 33/2024/TT-NHNN quy định về hồ sơ, trình tự cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.
.
Thông tư 33/2024/TT-NHNN quy định Thống đốc NHNN quyết định cấp Giấy phép đối với tổ chức tài chính vi mô.
Mức lệ phí cấp Giấy phép đối với tổ chức tài chính vi mô được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được cấp Giấy phép, tổ chức tài chính vi mô phải nộp lệ phí tại Sở giao dịch NHNN. Hình thức nộp lệ phí thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí, hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí. Khoản lệ phí này không được khấu trừ vào vốn điều lệ và không được hoàn lại trong mọi trường hợp.
Trình tự cấp Giấy phép thành lập tổ chức tài chính vi mô
Ban trù bị lập 01 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận nguyên tắc theo quy định gửi NHNN. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị chấp thuận nguyên tắc, NHNN có văn bản gửi Ban trù bị xác nhận đã nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp hồ sơ không đầy đủ, NHNN có văn bản yêu cầu bổ sung, hoàn thiện.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản xác nhận đã nhận đủ hồ sơ hợp lệ, NHNN có văn bản gửi lấy ý kiến của:
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức tài chính vi mô dự kiến đặt trụ sở chính về việc thành lập tổ chức tài chính vi mô;
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thành viên sáng lập có thực hiện chương trình, dự án tài chính vi mô về hiệu quả hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô đối với sự phát triển của địa phương;
NHNN chi nhánh nơi tổ chức tài chính vi mô dự kiến đặt trụ sở chính về việc thành lập tổ chức tài chính vi mô.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của NHNN, các đơn vị được lấy ý kiến có văn bản tham gia ý kiến.
Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, NHNN có văn bản chấp thuận nguyên tắc thành lập tổ chức tài chính vi mô và chấp thuận danh sách nhân sự dự kiến bầu, bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tài chính vi mô; trường hợp không chấp thuận, NHNN có văn bản gửi Ban trù bị, trong đó nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận nguyên tắc thành lập tổ chức tài chính vi mô, Ban trù bị lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép theo quy định gửi NHNN. Quá thời hạn này, NHNN không nhận được hoặc nhận được không đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thì văn bản chấp thuận nguyên tắc không còn giá trị.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép. NHNN xác nhận bằng văn bản về việc đã nhận đầy đủ hồ sơ.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, NHNN cấp Giấy phép; trường hợp không cấp Giấy phép, NHNN có văn bản nêu rõ lý do.
Sau khi được cấp Giấy phép, tổ chức tài chính vi mô tiến hành các thủ tục cần thiết để khai trương hoạt động theo quy định của pháp luật.
Nội dung hoạt động của tổ chức tài chính vi mô
Tổ chức tài chính vi mô được thực hiện các hoạt động huy động vốn: Nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam dưới các hình thức tiết kiệm bắt buộc và tiền gửi của tổ chức, cá nhân bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô, trừ tiền gửi nhằm mục đích thanh toán; vay, nhận tiền gửi với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; vay nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Tổ chức tài chính vi mô được gửi tiền tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Tổ chức tài chính vi mô chỉ được thực hiện cho vay bằng đồng Việt Nam đối với các khách hàng tài chính vi mô để sử dụng vào các hoạt động tạo thu nhập và cải thiện điều kiện sống. Tổ chức tài chính vi mô không được cho vay khách hàng để mua, đầu tư chứng khoán.
Khoản cho vay của tổ chức tài chính vi mô có thể được bảo đảm bằng tiết kiệm bắt buộc, bảo lãnh của nhóm khách hàng tiết kiệm và vay vốn (sau đây gọi là tổ vay vốn) theo quy định của tổ chức tài chính vi mô.
Việc cho vay của tổ chức tài chính vi mô đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có thu nhập thấp được thực hiện thông qua người đại diện của hộ gia đình. Người đại diện của hộ gia đình là thành viên của hộ gia đình và phải được các thành viên của hộ gia đình ủy quyền đại diện bằng văn bản theo quy định của pháp luật.
Tổng dư nợ cho vay của tổ chức tài chính vi mô đối với một khách hàng tài chính vi mô là doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ nghèo, hộ cận nghèo không được vượt quá 100 triệu đồng.
Tổng dư nợ cho vay của tổ chức tài chính vi mô đối với một khách hàng tài chính vi mô là cá nhân thuộc hộ nghèo, cá nhân thuộc hộ cận nghèo, cá nhân có thu nhập thấp, hộ gia đình có thu nhập thấp không được vượt quá 50 triệu đồng.
Khách hàng là cá nhân thuộc hộ nghèo, cá nhân thuộc hộ cận nghèo, người lao động tự do và hộ gia đình có thu nhập thấp chỉ được thực hiện cho vay thông qua tổ vay vốn và thuộc danh sách được tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương các cấp phê duyệt hoặc giới thiệu cho tổ chức tài chính vi mô.
Tổ chức tài chính vi mô được mở tài khoản thanh toán tại NHNN, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tổ chức tài chính vi mô không được mở tài khoản thanh toán cho khách hàng.
Tổ chức tài chính vi mô được thực hiện một số hoạt động kinh doanh khác theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c và điểm đ Khoản 1 Điều 130 Luật Các tổ chức tín dụng