Thủ tướng phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030”

22/04/2024
Ngày 17/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 315/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030” (sau đây gọi là Đề án 315).
Theo đó, mục tiêu tổng quát của Đề án 315 là xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở tạo động lực thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và ngày càng hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn mới, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 
Đề án 315 đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
(1) Thực hiện chỉ đạo điểm: Bộ Tư pháp thực hiện điểm tại 30 đơn vị cấp xã thuộc 15 tỉnh: Hà Giang, Bắc Kạn, Điện Biên, Hải Dương, Nam Định, Hà Tĩnh, Đắk Nông, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Phước, Gia Lai, Bến Tre, Bạc Liêu, Tây Ninh. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động thực hiện các hoạt động chỉ đạo điểm trên địa bàn. Tại các đơn vị cấp xã thực hiện chỉ đạo điểm phải xây dựng thành công mô hình “xã điển hình về hòa giải ở cơ sở”, 100% hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, tỷ lệ hòa giải thành phải đạt trên 90%.
(2) Kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện: Đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện đã được thành lập theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”. Đề án 315 tiếp tục kế thừa và phát huy đội ngũ này trong việc nâng cao năng lực cho hòa giải viên ở cơ sở. Theo đó, yêu cầu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tối thiểu 01 tập huấn viên cấp huyện/80 tổ hòa giải ở cơ sở; tối thiểu 01 tập huấn viên cấp tỉnh/100 tổ hòa giải ở cơ sở. 100% đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện được tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu để hướng dẫn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho hòa giải viên ở cơ sở.
(3) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, tổ chức rà soát, đánh giá, kiện toàn tổ hòa giải, bảo đảm các tổ hòa giải đủ số lượng, thành phần, tiêu chuẩn theo quy định. Bảo đảm 100% tổ hòa giải ở cơ sở được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, thành phần tổ hòa giải theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Đề án 315 yêu cầu việc kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở cần lưu ý xây dựng từ nguồn tuyên truyền viên pháp luật cấp xã; huy động cán bộ, công chức, hội viên các tổ chức đoàn thể (như luật sư, luật gia, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, người công tác trong lĩnh vực pháp luật người đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên...) tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở.
 (4) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, công chức tư pháp - hộ tịch nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
(5) Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật nhằm nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở: Rà soát quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản khác có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về cơ chế, chính sách phù hợp đối với hòa giải viên ở cơ sở.
(6) Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hòa giải ở cơ sở: Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về vai trò, ý nghĩa, kết quả công tác hòa giải ở cơ sở; gương hòa giải viên giỏi; các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác này; truyền thông về các quy định pháp luật, kỹ năng, phương pháp nhằm nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.
(7) Thu hút đội ngũ luật sư, luật gia, Hội thẩm nhân dân, lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực pháp luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, người đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, tham gia, hỗ trợ cho công tác hòa giải; huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở. Nhiệm vụ này nhằm thực hiện mục tiêu ít nhất 10% tổ hòa giải ở cơ sở được luật sư, luật gia, lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực pháp luật, người đã từng là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, Điều tra viên hỗ trợ về chuyên môn pháp luật.
(8) Tổ chức hội nghị, diễn đàn đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ vướng mắc, vấn đề mới phát sinh trong công tác hòa giải ở cơ sở. Tổ chức hội thi hòa giải viên giỏi tối thiểu 05 năm 01 lần.
(9) Hợp tác quốc tế về hòa giải ở cơ sở: Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam nhằm nâng cao năng lực đội ngũ tập huấn viên và hòa giải viên ở cơ sở bằng hình thức phù hợp và tổ chức đoàn nghiên cứu, học tập kinh nghiệm công tác hòa giải ở cơ sở, các mô hình hòa giải hiệu quả trong giải quyết tranh chấp ở cộng đồng tại các quốc gia.
(10) Kiểm tra, khảo sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án, tổ chức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng hòa giải viên, tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong thực hiện Đề án 315.
Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án 315 có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện Đề án theo từng năm; chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án; tham khảo kinh nghiệm quốc tế để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này; tổng kết việc thực hiện Đề án 315 và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Đề án 315.    
Để phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác hòa giải ở cơ sở, Đề án 315 đề nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng kế hoạch, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đề án; tăng cường các hoạt động truyền thông trong hệ thống báo chí trực thuộc về vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở; vận động, khuyến khích thành viên, hội viên và Nhân dân giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thông qua hòa giải ở cơ sở; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống ở địa phương phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án.
Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp cung cấp tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Sở Tư pháp cung cấp tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ tập huấn viên cấp huyện và hòa giải viên ở cơ sở; huy động Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, luật gia, luật sư hỗ trợ tổ hòa giải ở cơ sở.

Chi tiết tại file đính kèm./.
 
       Nguyễn Kim Thoa 
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật


File đính kèm