Cán bộ cấp phép không trực tiếp nhận hồ sơ của thương nhân đối với trường hợp xin cấp Giấy phép xuất khẩu tự động đối với sắt, thép

17/07/2008
Ngày 03/7/2008, Thứ trưởng Bộ Công thương Bùi Xuân Khu đã ký ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ-BCT về việc tạm thời áp dụng chế độ cấp Giấy phép xuất khẩu tự động đối với sắt, thép.

Theo quyết định, tạm thời áp dụng chế độ cấp Giấy phép xuất khẩu tự động đối với sắt, thép sản xuất trong nước và nhập khẩu có mã HS thuộc Chương 72 trong Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Quyết định số 106/2007/QĐ-BTC ngày 20 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

 Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu tự động gửi về cơ quan cấp giấy phép của Bộ Công Thương gồm 4 loại giấy tờ sau: Đơn đăng ký xuất khẩu sắt, thép; Hợp đồng xuất khẩu trong đó có điều khoản thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi và điều khoản hợp đồng chỉ có giá trị thực hiện khi được Bộ Công Thương cấp giấy phép xuất khẩu; Hồ sơ chứng minh nguồn gốc của số lượng sắt, thép hoặc phôi thép xuất khẩu:Đối với sắt, thép có nguồn gốc nhập khẩu: xuất trình Tờ khai nhập khẩu hàng hoá đã hoàn thành thủ tục của Hải quan; Đối với sắt, thép sản xuất trong nước: xuất trình Hoá đơn xuất kho hoặc hoá đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao có dấu sao y bản chính) đối với thương nhân lần đầu đăng ký xuất khẩu.

Bộ Công Thương uỷ quyền cho các Phòng Quản lý Xuất-Nhập khẩu khu vực thuộc Bộ Công Thương sau đây thực hiện:

- Phòng Quản lý Xuất-Nhập khẩu khu vực Hà Nội (địa chỉ: 91 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) xác nhận cho các thương nhân có trụ sở chính đặt tại các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra Bắc.

- Phòng Quản lý Xuất-Nhập khẩu khu vực Đà Nẵng (địa chỉ: 132 Nguyễn Chí Thanh, thành phố Đà Nẵng) xác nhận cho các thương nhân có trụ sở chính đặt tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên.

- Phòng Quản lý Xuất-Nhập khẩu khu vực thành phố Hồ Chí Minh (địa chỉ: 35- 37 Bến Chương Dương, thành phố Hồ Chí Minh) xác nhận cho các thương nhân có trụ sở chính đặt tại các tỉnh Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh.

Lưu ý, Hồ sơ đề nghị cấp phép xuất khẩu được gửi qua đường bưu điện đến cơ quan cấp giấy phép hoặc nộp cho văn thư của cơ quan cấp giấy phép. Cán bộ cấp phép không trực tiếp nhận hồ sơ của thương nhân. Thời gian cấp Giấy phép xuất khẩu tự động trong vòng 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày Phòng Quản lý Xuất-Nhập khẩu khu vực nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ của thương nhân.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và hết hiệu lực sau ngày 31 tháng 12 năm 2008./.

                                                                                                Hải Yến