Ngày 5/7/2008, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 60/2008/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật với dân số lên đến 8 triệu người. Nhu cầu thực hiện các giao dịch dân sự, thương mại, kinh tế… là rất lớn. Theo thống kê, từ năm 2004 đến nay, trung bình lượng việc công chứng tại Thành phố năm sau cao hơn năm trước từ 15 đến 20%. Đặc biệt, trong năm 2007, số lượng hợp đồng, giao dịch về bất động sản tại Thành phố tăng 33% so với năm 2006. Điều đó cho thấy việc thành lập các văn phòng công chứng là rất cần thiết, góp phần giảm tải cho các Phòng Công chứng của nhà nước và tạo thuận lợi cho các tổ chức và công dân khi có nhu cầu.
Theo Đề án, lộ trình phát triển tổ chức hành nghề công chứng được chia thành 3 giai đoạn (từ 2008 đến 2010; 2010 đến 2015; sau năm 2015). Giai đoạn 1, số lượng các tổ chức hành nghề công chứng tại Thành phố là từ 13 đến 19 tổ chức. Đối với Văn phòng công chứng: trong năm 2008 – 2009 thành lập từ 4 đến 6 văn phòng. Từ năm 2009 – 2010 thành lập từ 6 đến 8 văn phòng.
Cũng theo Đề án, tại Khoản 7 Điều 32 Luật Công chứng thì Văn phòng công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình, tuy nhiên, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Do đó, trong khi chờ quy định của cơ quan có thẩm quyền, để bảo đảm nghĩa vụ bồi thường thiệt hại có thể xảy ra do lỗi của công chứng viên, bảo vệ quyền lợi của người dân khi yêu cầu công chứng và tăng cường an toàn pháp lý cho các hợp đồng được công chứng, Văn phòng Công chứng phải ký quỹ tối thiểu 100.000.000 đồng đối với một công chứng viên tại Ngân hàng trước khi đăng ký hoạt động./.
Hải Yến