Các trường hợp Cảnh sát đường thủy được dừng phương tiện để kiểm soát

13/09/2023
Bộ trưởng Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 36/2023/TT-BCA quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát đường thủy.
Thông tư này quy định về xây dựng, triển khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát; tiến hành tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trên đường thủy nội địa, vùng nước ngoài phạm vi luồng, vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải thuộc nội thủy, vùng nước cảng biển và luồng hàng hải nơi phương tiện thủy nội địa được phép hoạt động (sau đây viết gọn là đường thuỷ) và xử lý vụ việc vi phạm hành chính tại trụ sở đơn vị.
Các trường hợp Cảnh sát đường thủy được dừng phương tiện để kiểm soát
Theo đó, cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện để kiểm soát trong 04 trường hợp sau: 
1- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận các dấu hiệu vi phạm pháp luật.
2- Thực hiện chỉ đạo, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, phương án công tác của Thủy đoàn trưởng; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông; Trưởng Công an cấp huyện phê duyệt.
3- Có văn bản đề nghị dừng phương tiện của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp, cơ quan chức năng liên quan để kiểm soát phục vụ công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
4- Tin báo, tố giác về vi phạm pháp luật liên quan đến người và phương tiện tham gia giao thông.
Nội dung kiểm soát trên phương tiện
Kiểm soát giấy tờ của phương tiện, thuyền viên, người đi trên phương tiện; kiểm soát hàng hóa chở trên phương tiện, giấy tờ của hàng hóa và các loại giấy tờ khác có liên quan theo quy định (sau đây viết gọn là giấy tờ). Khi kiểm soát giấy tờ phải đối chiếu với thực tế và xác định tính hợp pháp của giấy tờ. Kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện: Kiểm soát bằng quan sát, đối chiếu thực tế với giấy tờ của phương tiện hoặc bằng thiết bị kỹ thuật theo trình tự từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Khi cần thiết phải kiểm tra trên cơ sở dữ liệu hoặc đề nghị cơ quan chuyên môn giám định.
Kiểm soát an toàn vận tải: Độ chìm của phương tiện so với vạch dấu mớn nước an toàn; chủng loại, khối lượng, số lượng, quy cách, kích thước hàng hóa, đồ vật, số người thực tế so với sức chở của phương tiện và các biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động vận tải. Kiểm soát những nội dung khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
Khi kiểm soát phải có mặt đại diện chủ phương tiện hoặc thuyền viên, người điều khiển phương tiện. Trường hợp không có mặt của những người trên, việc kiểm soát phải có đại diện chính quyền cơ sở nơi kiểm soát hoặc ít nhất một người chứng kiến.
Trong trường hợp kiểm soát phương tiện vận chuyển chất cháy, chất nổ, chất độc hại hoặc hàng hóa nguy hiểm khác thì phải có biện pháp an toàn đưa phương tiện ra xa khu dân cư hoặc nơi vắng người để tiến hành kiểm soát; trường hợp cần thiết phải đề nghị cơ quan chuyên môn tham gia vào hoạt động kiểm tra.
Kiểm soát giao thông đường thủy thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
Cảnh sát đường thủy được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật để phát hiện, thu thập hành vi vi phạm pháp luật trên đường thủy của người và phương tiện, tổ chức kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có trách nhiệm hợp tác theo yêu cầu kiểm tra, kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát đường thủy.
Khi kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nếu phát hiện, thu thập được thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm pháp luật của người, phương tiện tham gia giao thông đường thủy, người có thẩm quyền xử phạt thực hiện như sau: Tổ chức lực lượng dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm đề nghị được xem thông tin, hình ảnh, kết quả thu thập được về hành vi vi phạm thì cho xem nếu đã có thông tin, hình ảnh, kết quả tại đó; nếu chưa có thì hướng dẫn người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm xem thông tin, hình ảnh, kết quả khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị.
Trường hợp không dừng được phương tiện giao thông vi phạm để kiểm soát, xử lý vi phạm thì thực hiện theo quy định về trình tự xử lý kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đối với trường hợp vi phạm nhưng không dừng ngay được phương tiện để kiểm soát, xử lý vi phạm.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 9 năm 2023.
Thông tư này thay thế Thông tư số 68/2020/TT-BCA ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát đường thủy và bãi bỏ Điều 5 và khoản 15 Điều 7 Thông tư số 15/2022/TT-BCA ngày 06/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2017/TT-BCA ngày 20 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trình tự cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và sát hạch, cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ; Thông tư số 45/2017/TT-BCA ngày 20 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trình tự đăng ký mẫu con dấu, thu hồi và hủy con dấu, hủy giá trị sử dụng con dấu, kiểm tra việc quản lý và sử dụng con dấu; Thông tư số 58/2020/TT-BCA ngày 16 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Thông tư số 65/2020/TT-BCA ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông; Thông tư số 68/2020/TT-BCA ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát đường thủy; Thông tư số 73/2021/TT-BCA ngày 29 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan.