Nguyên tắc, yêu cầu đối với công tác chuẩn bị và hoạt động ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân

24/07/2023
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 12/2023/TT-BKHCN quy định việc chuẩn bị ứng phó và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, lập và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân.
Nguyên tắc, yêu cầu đối với công tác chuẩn bị và hoạt động ứng phó sự cố
Thông tư 12/2023/TT-BKHCN quy định công tác chuẩn bị ứng phó và hoạt động ứng phó sự cố phải tuân theo 5 nguyên tắc, cụ thể: Hành động bảo vệ phải bảo đảm mang lại nhiều lợi ích hơn là thiệt hại do hành động đó gây ra; hình thức, phạm vi và khoảng thời gian áp dụng các hành động bảo vệ phải tối ưu để lợi ích thực tế đạt được là tối đa; kế hoạch ứng phó sự cố được xây dựng phải bảo đảm việc ứng phó sự cố được tiến hành kịp thời, được quản lý, kiểm soát, phối hợp đồng bộ và hiệu quả từ cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp quốc gia; phân công trách nhiệm giữa các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó rõ ràng; chỉ đạo trong ứng phó sự cố theo nguyên tắc tập trung thống nhất; chuẩn bị và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân đồng bộ với việc chuẩn bị ứng phó sự cố khác.
Đồng thời, hoạt động ứng phó sự cố phải đạt được các yêu cầu sau: Kiểm soát được diễn biến sự cố và giảm thiểu hậu quả; bảo vệ tính mạng con người; phòng tránh hoặc giảm thiểu hiệu ứng tất định nghiêm trọng; cung cấp cốc biện pháp cứu trợ ban đầu và điều trị nạn nhân; giảm thiểu rủi ro của hiệu ứng ngẫu nhiên; cung cấp thông tin và bảo đảm niềm tin của công chúng; ngăn chặn tối đa khả năng xảy ra hậu quả phi phóng xạ đối với cá nhân và công chúng; giảm tới mức thấp nhất thiệt hại về tài sản và môi trường; tạo tiền đề thuận lợi cho công tác khắc phục sự cố lâu dài và cho việc lập kế hoạch chuẩn bị đưa các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại trạng thái bình thường.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia chuẩn bị ứng phó và hoạt động ứng phó sự cố
Người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ quy định tại Điều 18 Luật Năng lượng nguyên tử (sau đây được gọi là người đứng đầu cơ sở) có trách nhiệm chính trong công tác chuẩn bị và ứng phó sự cố tại cơ sở.
Tổ chức, cá nhân xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố theo quy định tại Khoản 5 Điều 83 Luật Năng lượng nguyên tử có trách nhiệm: Lập và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố; thành lập Ban chỉ huy ứng phó sự cố hoặc tích hợp trong Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn cùng cấp, bảo đảm thực hiện được đầy đủ trách nhiệm quy định tại khoản 5 Điều này (sau đây được gọi là Ban chỉ huy); xây dựng nguồn nhân lực, phương tiện, cơ sở hạ tầng cần thiết và đầu tư trang thiết bị (theo quy định tại Phụ lục V của Thông tư này) cho việc chuẩn bị ứng phó và ứng phó với sự cố phù hợp với điều kiện cụ thể; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố định kỳ hàng năm.
Tổ chức, cá nhân tham gia chuẩn bị ứng phó và hoạt động ứng phó sự cố có trách nhiệm thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền được quy định trong kế hoạch ứng phó sự cố; xây dựng nguồn lực và phối hợp với tổ chức, cá nhân khác theo quy định.
Trưởng Ban chỉ huy có trách nhiệm: Phân công trách nhiệm, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ huy; thông báo về sự cố, khởi động và chấm dứt ứng phó sự cố; chỉ huy, điều động các lực lượng tham gia hoạt động ứng phó sự cố; chỉ đạo thực hiện các hành động bảo vệ với sự tư vấn của các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ theo kế hoạch ứng phó sự cố được phê duyệt; bổ nhiệm hoặc chỉ định người chỉ huy tại hiện trường phù hợp với từng tình huống cụ thể; tổng hợp, đánh giá tình hình sự cố để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền; bổ nhiệm hoặc chỉ định người đại diện cung cấp thông tin cho công chúng theo quy định của pháp luật; khi có thay đổi ảnh hưởng tới việc thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố phải cập nhật, bổ sung kế hoạch ứng phó sự cố và thông báo tới cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố.
Ban chỉ huy cấp tỉnh và cấp cơ sở (sau đây gọi tắt là các cấp) có trách nhiệm: Điều phối cung cấp nguồn nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, cơ sở hạ tầng cần thiết căn cứ trên các yêu cầu đối với công tác chuẩn bị và ứng phó sự cố và phù hợp với điều kiện cụ thể; thành lập đội ứng phó ban đầu tại hiện trường; tổ chức ứng phó sự cố theo quy định trong kế hoạch ứng phó sự cố; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố định kỳ hàng năm.
Chỉ huy ứng phó sự cố tại hiện trường có trách nhiệm: Điều động nguồn lực, chỉ huy các lực lượng tham gia ứng phó sự cố tại hiện trường; giữ vai trò đầu mối tiếp nhận, xử lý và cung cấp thông tin tại hiện trường; tuân theo sự chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ huy.
Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân có trách nhiệm: Xây dựng năng lực, phối hợp tiếp nhận và xử lý thông tin sự cố 24/7; tham gia hỗ trợ ứng phó sự cố theo thẩm quyền; bảo đảm duy trì khả năng kết nối, truyền nhận dữ liệu từ Trung tâm điều hành quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định các công tác chuẩn bị ứng phó và ứng phó sự cố; quy trình lập và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18 tháng 8 năm 2023.
Thông tư này thay thế Thông tư số 25/2014/TT-BKHCN ngày 08 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc chuẩn bị ứng phó và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, lập và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân.
Kế hoạch ứng phó sự cố đã được phê duyệt theo quy định tại Thông tư số 25/2014/TT-BKHCN ngày 08 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc chuẩn bị ứng phó và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, lập và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân thì không phải thực hiện thủ tục phê duyệt lại.
Kế hoạch ứng phó sự cố chưa được phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực phải thực hiện theo quy định tại Thông tư này.