Điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh

17/07/2023
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 08/2023/TT-NHNN quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh.
Thông tư quy định rõ, các đối tượng áp dụng quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh gồm có: Người cư trú là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là bên đi vay nước ngoài (bên đi vay); tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nơi bên đi vay mở tài khoản vay, trả nợ nước ngoài (ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản).
Bên đi vay vay nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tế ngoài việc đáp ứng điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh, phải tuân thủ quy định của pháp luật về chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Bên đi vay là doanh nghiệp nhà nước ngoài việc đáp ứng điều kiện vay, phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm
Theo Thông tư quy định, bên đi vay vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm không phải tuân thủ các điều kiện vay nước ngoài quy định tại Thông tư này.
Bên đi vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm chịu trách nhiệm tuân thủ quy định hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp, các quy định của pháp luật về thương mại, quản lý ngoại thương và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Nguyên tắc sử dụng vốn vay nước ngoài
Bên đi vay chịu trách nhiệm toàn diện trong việc sử dụng vốn vay nước ngoài đúng mục đích hợp pháp.
Trường hợp khoản vay đã được rút vốn nhưng tạm thời chưa sử dụng cho các mục đích vay nước ngoài hợp pháp, bên đi vay có thể sử dụng nguồn tiền này để gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Kỳ hạn của mỗi khoản tiền gửi tối đa không quá 01 tháng.
Phương án sử dụng vốn vay nước ngoài
Thông tư này quy định, phương án sử dụng vốn vay nước ngoài là kế hoạch sản xuất, kinh doanh sử dụng vốn vay nước ngoài, trong đó chứng minh mục đích, nhu cầu vay nước ngoài hợp pháp, hợp lý của bên đi vay. Phương án sử dụng vốn vay nước ngoài của bên đi vay phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật hợp tác xã, điều lệ của bên đi vay và các quy định khác của pháp luật có liên quan (sau đây gọi chung là cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật).
Trường hợp bên đi vay là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nội dung cơ bản của Phương án sử dụng vốn vay nước ngoài trong trường hợp bên đi vay là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gồm: Tên bên đi vay, loại hình tổ chức tín dụng, vốn tự có, địa chỉ, Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng hoặc Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn, trung, dài hạn tính đến thời điểm lập phương án; mục tiêu kinh doanh, nhu cầu huy động vốn tổng thể, vốn nước ngoài của bên đi vay; thông tin về khoản vay nước ngoài dự kiến thực hiện; mục đích vay nước ngoài: thông tin về (các) nhóm khách hàng dự kiến được cấp tín dụng từ nguồn vốn vay nước ngoài, lãi suất cho vay dự kiến, thời hạn cho vay dự kiến; quy mô vay vốn nước ngoài: giá trị khoản vay, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tình hình tăng trưởng tín dụng đến thời điểm lập phương án, so sánh quy mô vốn vay nước ngoài với quy mô tăng trưởng tín dụng còn lại tính đến cuối năm hoặc với quy mô tăng trưởng tín dụng của năm liền trước trong trường hợp chưa có thông tin về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của năm hiện tại; biện pháp quản trị rủi ro phát sinh từ khoản vay nước ngoài; thẩm quyền phê duyệt Phương án sử dụng vốn vay nước ngoài; cấp có thẩm quyền phê duyệt, căn cứ xác định thẩm quyền phê duyệt; các nội dung khác (nếu có).
Trường hợp bên đi vay không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nội dung cơ bản của Phương án sử dụng vốn vay nước ngoài gồm: Tên bên đi vay, loại hình doanh nghiệp, vốn điều lệ, địa chỉ, Giấy phép thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Giấy đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có) hoặc các giấy tờ khác có giá trị tương đương, phạm vi ngành nghề sản xuất, kinh doanh hợp pháp liên quan đến mục đích sử dụng vốn vay nước ngoài của bên đi vay; thông tin về khoản vay nước ngoài dự kiến thực hiện; mục đích và quy mô vay nước ngoài (Thông tin về các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự án khác sử dụng vốn vay nước ngoài thuộc phạm vi hoạt động hợp pháp của bên đi vay: Đối với khoản vay ngắn hạn nước ngoài; Bảng kê nhu cầu sử dụng vốn vay ngắn hạn nước ngoài (sau đây gọi là bảng kê nhu cầu sử dụng vốn) được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và tuân thủ các nguyên tắc quy định tại khoản 4 Điều này. Đối với khoản vay trung, dài hạn nước ngoài: quy mô vốn tổng thể của hoạt động sản xuất, kinh doanh; cơ cấu nguồn vốn; quy mô vốn vay nước ngoài; các chi phí dự kiến được thanh toán từ nguồn vốn vay trung, dài hạn nước ngoài); biện pháp quản trị rủi ro phát sinh từ khoản vay nước ngoài (nếu có); thẩm quyền phê duyệt Phương án sử dụng vốn vay nước ngoài: cấp có thẩm quyền phê duyệt, căn cứ xác định thẩm quyền phê duyệt; các nội dung khác (nếu có).
Phương án cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài
Phương án cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài (sau đây gọi là “Phương án cơ cấu nợ”) là tổng hợp các thông tin về việc sử dụng vốn vay nước ngoài mới để trả nợ khoản vay nước ngoài hiện hữu hợp pháp. Phương án cơ cấu nợ của bên đi vay phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Phương án cơ cấu nợ bao gồm các nội dung cơ bản sau: Thông tin về bên đi vay nước ngoài (Các thông tin theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Thông tư này đối với bên đi vay là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; các thông tin theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Thông tư này đối với bên đi vay không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài); thông tin về khoản vay và dư nợ khoản vay nước ngoài hiện hữu: bên cho vay, số tiền vay, đồng tiền vay, thời hạn vay, chi phí vay, mục đích vay, tình hình rút vốn, trả nợ, dư nợ của khoản vay tại thời điểm lập Phương án cơ cấu nợ, giá trị dự kiến cơ cấu, mã số khoản vay (áp dụng đối với khoản vay nước ngoài hiện hữu là khoản vay trung, dài hạn), bảng kê việc sử dụng vốn vay ngắn hạn của khoản vay nước ngoài hiện hữu (áp dụng đối với khoản vay nước ngoài hiện hữu là khoản vay ngắn hạn); thông tin về khoản vay nước ngoài mới: bên cho vay, số tiền vay, đồng tiền vay, thời hạn vay, chi phí vay, kế hoạch rút vốn, kế hoạch thanh toán dư nợ khoản vay nước ngoài hiện hữu; thẩm quyền phê duyệt Phương án cơ cấu nợ: cấp có thẩm quyền phê duyệt, căn cứ xác định thẩm quyền phê duyệt; các nội dung khác (nếu có).
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8 năm 2023, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Quy định về giới hạn vay ngắn hạn nước ngoài quy định tại Điều 15 Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2024.
Các thỏa thuận vay nước ngoài được ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành và phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết, bên đi vay được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký và các văn bản xác nhận đăng ký, xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (nếu có) cho đến khi kết thúc khoản vay nước ngoài. Việc sửa đổi, bổ sung các thỏa thuận nói trên chỉ được thực hiện nếu nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp với các quy định của Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.