Quy định đảm bảo an toàn trong thiết kế, chế tạo, xây dựng, vận hành công trình dầu khí

05/07/2023
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 45/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí, trong đó quy định về an toàn trong thiết kế, chế tạo, xây dựng, vận hành công trình dầu khí.
Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí về điều tra cơ bản về dầu khí; danh mục lô dầu khí; lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí; hợp đồng dầu khí; an toàn trong hoạt động dầu khí; hồ sơ, trình tự, thủ tục triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí; ưu đãi trong hoạt động dầu khí; khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí; quyết toán chi phí hoạt động dầu khí, trong phạm vi đất liền, hải đảo và vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí tại Việt Nam.
Yêu cầu về thiết kế, chế tạo, xây dựng, vận hành công trình dầu khí.
Để đảm bảo an toàn công trình dầu khí phải được thiết kế, chế tạo, xây dựng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài được thừa nhận và áp dụng rộng rãi tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm các yêu cầu về công nghệ; xây dựng; phòng chống cháy nổ; vùng và hành lang an toàn; các quy định về bảo vệ môi trường; chịu được các tải trọng dự kiến trong quá trình vận hành và khi xảy ra sự cố; không tạo ra sự cố dây chuyền từ sự cố đơn lẻ.
Việc thiết kế, chế tạo, xây dựng, chạy thử, nghiệm thu công trình dầu khí phải được kiểm tra, chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đảm bảo sự phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trước khi chạy thử, nhà thầu phải tiến hành các công việc kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm đối với từng hạng mục công trình và phải bảo đảm kế hoạch ứng cứu khẩn cấp, công tác phòng cháy và chữa cháy đã sẵn sàng được triển khai theo quy định. Trong quá trình chạy thử, tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp tăng cường nhằm sẵn sàng ứng cứu kịp thời và có hiệu quả các sự cố, tai nạn có thể xảy ra.
Công trình dầu khí chỉ được đưa vào vận hành sau khi kết quả kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm công trình và các nội dung an toàn đáp ứng được các yêu cầu đề ra.
Công trình dầu khí phải được vận hành, bảo dưỡng, kiểm tra, sửa chữa theo đúng quy định, phù hợp với các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng được phê duyệt. Nhà thầu phải dừng ngay các hoạt động nếu các hoạt động đó có thể gây nguy hiểm đối với con người, môi trường và công trình dầu khí mà không thể kiểm soát được.
Quản lý an toàn trong hoạt động dầu khí
Nghị định nêu rõ, khi tiến hành hoạt động dầu khí, nhà thầu có trách nhiệm xây dựng các tài liệu về quản lý an toàn theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 8 Luật Dầu khí bao gồm:
- Chương trình quản lý an toàn: Chính sách và các mục tiêu về an toàn; tổ chức công tác an toàn, phân công trách nhiệm về công tác an toàn; chương trình huấn luyện an toàn; yêu cầu về năng lực, trình độ và kinh nghiệm của người lao động; danh mục các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia, quy định an toàn, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc các tiêu chuẩn khác phù hợp với thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế được chấp nhận chung; đánh giá sự tuân thủ pháp luật bao gồm các yêu cầu phải thực hiện theo quy định về giấy phép, giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; quản lý an toàn của các nhà thầu dịch vụ, tổ chức, cá nhân.
- Báo cáo đánh giá rủi ro: Xác định mục đích và các mục tiêu đánh giá rủi ro; mô tả các hoạt động, các công trình dầu khí; xác định, phân tích, đánh giá rủi ro định tính và định lượng; các biện pháp giảm thiểu rủi ro.
- Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp: Mô tả và phân loại các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra; sơ đồ tổ chức, phân cấp trách nhiệm, trách nhiệm của từng cá nhân, hệ thống báo cáo khi xảy ra sự cố, tai nạn hoặc xuất hiện các tình huống nguy hiểm; quy trình ứng cứu các tình huống; mô tả các nguồn lực bên trong và bên ngoài sẵn có hoặc sẽ huy động để ứng cứu hiệu quả các tình huống khẩn cấp; địa chỉ liên lạc và thông tin trong ứng cứu khẩn cấp với các bộ phận nội bộ và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền liên quan; kế hoạch huấn luyện và diễn tập ứng cứu khẩn cấp; kế hoạch khôi phục hoạt động của công trình dầu khí bao gồm công tác điều tra, đánh giá nguyên nhân, hậu quả để tái lập và nâng cao mức an toàn của công trình; kế hoạch ứng cứu khẩn cấp phải phù hợp với hệ thống ứng cứu khẩn cấp của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, địa phương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (đối với các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các liên doanh dầu khí và các nhà thầu dầu khí); các tổ chức, cá nhân hoạt động dầu khí có thể hợp tác để xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp chung.
Bên cạnh đó, nhà thầu phải bảo đảm mọi rủi ro phải được xác định, phân tích, đánh giá đối với tất cả công trình dầu khí, máy móc, thiết bị, hóa chất, vật liệu nguy hiểm. Kết quả của việc đánh giá rủi ro được sử dụng làm số liệu đầu vào để tổ chức thực hiện công tác ứng cứu khẩn cấp.
Công tác quản lý rủi ro bao gồm:
+ Đánh giá rủi ro định tính và định lượng đối với các giai đoạn của hoạt động dầu khí làm cơ sở để triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát, giảm thiểu các rủi ro và chứng minh các rủi ro nằm trong mức chấp nhận được theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
+ Báo cáo đánh giá rủi ro phải được cập nhật định kỳ 05 năm một lần hoặc khi có hoán cải, thay đổi lớn về công nghệ vận hành và tổ chức, nhằm tạo cơ sở để đưa ra các quyết định liên quan đến an toàn trong hoạt động dầu khí;
+ Nhà thầu phải xác định các vị trí, các điều kiện cụ thể có rủi ro cao cần phải quan tâm về mặt an toàn khi tiến hành hoạt động để có các biện pháp giảm thiểu.
Nghị định cũng yêu cầu nhà thầu phải xây dựng và duy trì hệ thống ứng cứu sự cố khẩn cấp để tiến hành có hiệu quả các hoạt động ứng cứu khi xảy ra các sự cố, tai nạn gây nguy hại cho người, môi trường hoặc tài sản. Tùy theo mức độ của sự cố, tai nạn mà nhà thầu phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Việc luyện tập và diễn tập xử lý các tình huống khẩn cấp tại các công trình dầu khí phải được tiến hành thường xuyên bảo đảm người lao động hiểu rõ và nắm vững các quy trình ứng cứu với các tình huống khẩn cấp cụ thể. Căn cứ kết quả đánh giá rủi ro để xác định hình thức và tần suất luyện tập. Kết quả luyện tập, diễn tập phải được đánh giá và ghi chép để hoàn thiện kế hoạch ứng cứu khẩn cấp.
Những người lần đầu tiên đến công trình dầu khí phải được hướng dẫn chi tiết về tổ chức ứng cứu khẩn cấp, các trang thiết bị an toàn và các lối thoát nạn.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 thay thế Nghị định số 95/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí và Nghị định số 33/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ ban hành hợp đồng mẫu hợp đồng chia sản phẩm dầu khí.
Đối với hợp đồng dầu khí đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước ngày Nghị định này có hiệu lực, thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo, kế hoạch, chương trình mới hoặc báo cáo, kế hoạch, chương trình điều chỉnh sau ngày Nghị định này có hiệu lực được thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Công ty điều hành chung đại diện cho nhà thầu điều hành hoạt động dầu khí được thành lập trước ngày Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục hoạt động phù hợp với quy định của hợp đồng dầu khí.