Quy định mới về giám định trong hoạt động thanh tra

03/07/2023
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 43/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra. Trong đó quy định về giám định trong hoạt động thanh tra.
Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định
Theo Nghị định, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định có quyền:
a- Thành lập Hội đồng giám định gồm những người có trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung được yêu cầu giám định.
b- Lựa chọn phương pháp cần thiết, phù hợp để tiến hành giám định theo nội dung được yêu cầu giám định.
c- Sử dụng kết quả giám định để đưa ra kết luận giám định.
d- Từ chối thực hiện giám định trong các trường hợp nội dung yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định; thời gian không đủ để thực hiện giám định; tính độc lập, khách quan của việc thực hiện giám định không được bảo đảm. Trường hợp từ chối giám định thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu giám định, phải thông báo cho cơ quan thực hiện chức năng thanh tra yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.
đ- Được nhận thù lao giám định.
Cơ quan, tổ chức giám định có nghĩa vụ thực hiện việc giám định theo đúng nội dung và thời gian theo yêu cầu giám định; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, khách quan, kịp thời của kết quả giám định; không được thông báo kết quả giám định cho bên thứ ba.  
Thời gian giám định do người ra quyết định thanh tra quyết định. Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cơ quan, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan thực hiện chức năng thanh tra và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.  
Nội dung kết luận giám định
Nghị định quy định, kết luận giám định bao gồm các nội dung sau: Cơ quan, tổ chức thực hiện giám định; tên cơ quan yêu cầu giám định; thông tin xác định đối tượng giám định; thời gian nhận văn bản trưng cầu, yêu cầu giám định; nội dung yêu cầu giám định; phương pháp thực hiện giám định; kết luận rõ ràng, cụ thể về nội dung chuyên môn của đối tượng cần giám định theo yêu cầu giám định; thời gian, địa điểm thực hiện, hoàn thành việc giám định.  
Kết luận giám định là một trong những căn cứ để cơ quan thực hiện chức năng thanh tra kết luận về nội dung thanh tra.  
Hằng năm, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra lập dự toán kinh phí trưng cầu giám định. Kinh phí trưng cầu giám định do cơ quan tiến hành thanh tra chi trả và được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước. Trường hợp đối tượng thanh tra có sai phạm thì kinh phí giám định do đối tượng thanh tra chi trả, trừ trường hợp luật có quy định khác.  
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.