Cơ chế tài chính thực hiện bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý bằng ngân sách nhà nước

12/06/2023
Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 42/2023/TT-BTC quy định cơ chế tài chính thực hiện bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý bằng ngân sách nhà nước.
Thông tư số 42/2023/TT-BTC gồm 04 chương 14 điều quy định nội dung chi, mức chi, lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho các hoạt động bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý để thực hiện chủ trương, kết luận, kế hoạch của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và Kết luận số 39-KL/TW ngày 18 tháng 7 năm 2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (sau đây viết tắt là Kết luận số 39-KL/TW).
Thông tư được áp dụng với Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương dự khuyết, cán bộ quy hoạch cấp chiến lược, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cử đi bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo chủ trương, kết luận, kế hoạch của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và quyết định của cấp có thẩm quyền; cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức được cử đi bồi dưỡng theo Kết luận số 39-KL/TW (sau đây viết tắt là cán bộ); Ban Chỉ đạo thực hiện Kết luận số 39-KLATW (sau đây viết tắt là Ban Chỉ đạo); Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện Kết luận số 39-KL/TW (sau đây viết tắt là Cơ quan thường trực); Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ quan; tổ chức; đơn vị; địa phương và các cá nhân có liên quan.
Nguồn kinh phí
Thông tư quy định nguồn kinh phí như sau:
Nguồn ngân sách nhà nước, gồm: Dự toán chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề hàng năm của Văn phòng Trung ương Đảng; dự toán chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề hàng năm của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; dự toán chi thường xuyên hàng năm của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo phân cấp ngân sách.
Nguồn kinh phí hợp pháp khác của các cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương cử cán bộ đi học.
Nguồn tài trợ, hỗ trợ, huy động hợp pháp từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước (nếu có).
Nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước
Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ quan; tổ chức; đơn vị; cá nhân được giao quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho hoạt động bồi dưỡng cán bộ quy định tại Thông tư này phải thực hiện đảm bảo đúng quy định pháp luật về ngân sách nhà nước, đúng mục đích, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan có thẩm quyền quy định; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo và Cơ quan thường trực được bố trí trong dự toán chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề hàng năm của Văn phòng Trung ương Đảng (kinh phí thực hiện Kết luận số 39-KL/TW) theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, quy định tại Thông tư này và quy định về quản lý tài chính của cơ quan Đảng (nếu có); không sử dụng kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo và Cơ quan thường trực cho các nội dung chi đã và đang được ngân sách nhà nước đảm bảo từ nguồn kinh phí chi thường xuyên được giao hàng năm của Văn phòng Trung ương Đảng.
Đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ; loại hình bồi dưỡng; chủ đề, nội dung nghiên cứu; nước đến; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thực hiện theo Kết luận số 39-KL/TW, các quy chế và văn bản hướng dẫn do Ban Chỉ đạo ban hành, các quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Cán bộ được cử đi bồi dưỡng chỉ được hưởng 01 (một) chính sách đối với 01 (một) loại hình đào tạo theo quy định tại Thông tư này; không được hưởng nhiều chính sách cho cùng 01 (một) loại hình đào tạo đang được quy định tại các văn bản khác.
Cơ quan thường trực chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ quan; tổ chức; đơn vị; địa phương có liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí; đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện bồi dưỡng theo định kỳ hoặc khi có yêu cầu theo nhiệm vụ được giao
Nội dung chi
Các hoạt động bồi dưỡng cán bộ lãnh dạo, quản lý được sử dụng ngân sách nhà nước gồm:
Bồi dưỡng ngắn hạn ở trong nước: các nội dung chi quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (sau đây viết tắt là Thông tư số 36/2018/TT-BTC) được sửa đổi và bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-BTC ngày 31 tháng 01 năm 2023 của Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2018/TT-BTC (sau đây viết tắt là Thông tư số 06/2023/TT-BTC); các nội dung chi quy định tại điểm c khoản 3 Điều 4 Thông tư số 36/2018/TT-BTC.
Bồi dưỡng ngắn hạn trực tiếp ở nước ngoài: chi phí trả cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa Cơ quan thường trực và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật; chi công tác phí; chi phí cách ly y tế, chi phí xét nghiệm khi có dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan y tế nước sở tại hoặc cơ sở đào tạo ở nước ngoài và chi khác theo quy định (nếu có); các khoản chi quy định tại khoản 1, khoản 2 (trừ lệ phí cấp hộ chiếu; tiền công tác phí trong nước) và khoản 3 Điều này được bố trí trong dự toán chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề hàng năm của Văn phòng Trung ương Đảng (kinh phí thực hiện Kết luận số 39-KL/TW). Các khoản chi còn lại do cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi học chi trả.
Bồi dưỡng ngắn hạn trực tuyến tập trung trong nước: chi phí trả cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa Cơ quan thường trực và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật; chi công tác phí; chi thuê phiên dịch, biên dịch tài liệu (nếu có); chi phí cách ly y tế, chi phí xét nghiệm khi có dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan y tế và chi khác theo quy định (nếu có); các khoản chi quy định tại khoản 1, khoản 3 và khoản 4 Điều này được bố trí trong dự toán chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề hàng năm của Văn phòng Trung ương Đảng (kinh phí thực hiện Kết luận số 39-KL/TW). Các khoản chi quy định tại khoản 2 Điều này do cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi học chi trả.
Bồi dưỡng trung hạn trực tiếp ở nước ngoài: chi phí trả cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa Cơ quan thường trực và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật; các khoản chi cho cá nhân; các khoản chi chung cho cả đoàn; các khoản chi quy định tại khoản 1, khoản 2 (trừ lệ phí cấp hộ chiếu, chi phí khám sức khỏe, tiền công tác phí trong nước) và khoản 3 Điều này được bố trí trong dự toán chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề hàng năm của Văn phòng Trung ương Đảng (kinh phí thực hiện Kết luận số 39-KL/TW). Các khoản chi còn lại quy định tại Điều này do cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi học chi trả.
Bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ
- Bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ trong nước: chi phí trả cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng (trong nước, nước ngoài) theo hợp đồng ký kết giữa Cơ quan thường trực và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật; chi phí các kỳ thi đánh giá kết quả học tập theo yêu cầu của cơ quan chức năng (nếu có); chi thuê phòng ở tập trung trong thời gian bồi dưỡng đối với cán bộ tham gia khóa học; chi công tác phí trong nước; các khoản chi phục vụ trực tiếp khóa học và chưa được tính trong Hợp đồng ký với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Trường hợp thuê cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thực hiện toàn bộ khóa bồi dưỡng (Hợp đồng trọn gói) thì thực hiện theo Hợp đồng đã ký với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
- Bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ ở nước ngoài: chi phí trả cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa Cơ quan thường trực và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật; sinh hoạt phí theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Thông tư này; lệ phí cấp hộ chiếu; lệ phí thị thực; bảo hiểm y tế; chi phí khám sức khỏe (nếu có yêu cầu của nước sở tại hoặc cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài); lệ phí sân bay trong và ngoài nước (nếu có); chi phí thuê phương tiện đi lại từ sân bay về nơi ở và ngược lại; tiền công tác phí trong nước (trường hợp phải tập trung tại một địa điểm nhất định để cùng đi hoặc khi đi nước ngoài về mà không thể về nhà kịp trong ngày); tiền vé máy bay (một lượt vé từ Việt Nam đến nơi học tập và một lượt vé từ nơi học tập về Việt Nam) trong toàn bộ thời gian bồi dưỡng, trừ trường hợp được phía bạn đài thọ; chi phí cách ly y tế, chi phí xét nghiệm khi có dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan y tế nước sở tại hoặc cơ sở đào tạo ở nước ngoài và chi khác theo quy định (nếu có).
Các khoản chi quy định tại khoản 1 (trừ điểm d), khoản 2 (trừ lệ phí cấp hộ chiếu, chi phí khám sức khỏe, tiền công tác phí trong nước) Điều này được bố trí trong dự toán chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề hàng năm của Văn phòng Trung ương Đảng (kinh phí thực hiện Kết luận số 39-KL/TW). Các khoản chi còn lại quy định tại Điều này do cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi học chi trả.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (12/6/2023).
Các văn bản sau hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành:
- Thông tư số 141/2009/TT-BTC ngày 13 tháng 7 năm 2009 của Bộ Tài chính quy định chế độ tài chính thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước”;
- Thông tư số 103/2010/TT-BTC ngày 19 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 141/2009/TT-BTC ngày 13 tháng 7 năm 2009 của Bộ Tài chính quy định chế độ tài chính thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước”;
- Thông tư số 168/2012/TT-BTC ngày 11/10/2012 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 103/2010/TT-BTC ngày 19 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 141/2009/TT-BTC ngày 13 tháng 7 năm 2009 của Bộ Tài chính quy định chế độ tài chính thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước”.