8 văn bản QPPL được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 4/2023

15/05/2023
Theo Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp, trong tháng 4/2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 8 văn bản quy phạm pháp luật gồm 5 nghị định của Chính phủ và 3 quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trong tháng 04 năm 2023, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như sau:
1. Nghị định số 11/2023/NĐ-CP ngày 13 tháng 04 năm 2023 của Chính phủ về thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa;
2. Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17 tháng 04 năm 2023 của Chính phủ bảo vệ dữ liệu cá nhân;
3. Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26 tháng 04 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan;
4. Nghị định số 18/2023/NĐ-CP ngày 28 tháng 04 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;
5. Nghị định số 19/2023/NĐ-CP ngày 28 tháng 04 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.
6. Quyết định số 08/2023/QĐ-TTg ngày 05 tháng 04 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước;
7. Quyết định số 09/2023/QĐ-TTg ngày 12 tháng 04 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, cấp và quản lý thẻ đi lại doanh nhân APEC;
8. Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg ngày 05 tháng 04 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo.
Bổ sung nguồn lực phục vụ phát triển nghề cá
Nghị định số 11/2023/NĐ-CP ngày 13/4/2023 của Chính phủ về thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa.
Việc xây dựng Nghị định là cần thiết để thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước bao gồm:
Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hoà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với định hướng đưa Khánh Hòa trở thành “thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao”.
Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hoà. Theo đó, điểm d khoản 2 Điều 8 Nghị quyết giao Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa.
Luật Ngân sách nhà nước năm 2015: Các nội dung quy định có liên quan đến việc thành lập, quản lý, sử dụng quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước.
Quyết định số 917/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3 giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Khánh Hoà và các cơ quan có liên quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng Nghị định quy định việc thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hoà và cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn.
Việc Chính phủ cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa nhằm bổ sung nguồn lực phục vụ phát triển nghề cá, đầu tư cho các hạng mục, công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và các công trình thiết yếu khác phòng, chống thiên tai, phục vụ dân sinh tại huyện Trường Sa. 
Quỹ sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Khánh Hoà theo đúng chủ trương "gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo quốc gia", "đẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội trên biển của cả nước" nêu tại Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức
Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân bao gồm 44 Điều, chia thành 04 chương.
Mục đích ban hành nhằm: Cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013, thể chế chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công nhận, tôn trọng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc; Phù hợp với các quy định của pháp luật, rà soát, tạo nền tảng để xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh trật tự và công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân của nước ta hiện nay; Hài hòa với quy định, pháp luật, kinh nghiệm của thế giới; Xác định lộ trình phù hợp thực hiện công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Quy định chi tiết các trường hợp giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan
Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/202/3 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
Phạm vi điều chỉnh của Nghị định bao gồm các nội dung quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, nội dung quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan và nội dung về bảo vệ, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan (biện pháp thi hành), thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại một văn bản quy định chi tiết và biện pháp thi hành mà không phải tìm kiếm tại các văn bản khác. 
Trong đó, Nghị định quy định chi tiết các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền liên quan, bao gồm: sao chép hợp lý một phần cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng; trích dẫn hợp lý cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng; bản sao tạm thời.
Nghị định cũng quy định chi tiết các trường hợp giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan: sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố và trả tiền bản quyền trong trường hợp giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan; khai thác, sử dụng quyền dịch các tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, quyền sao chép các tác phẩm để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại theo Phụ lục Công ước Berne.
Thay đổi quy định về thông báo hội nghị, hội thảo, đào tạo trong hoạt động bán hàng đa cấp
Nghị định số 18/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Chính phủ ban hành Nghị định này nhằm tiếp tục tạo hành lang pháp lý quản lý hiệu quả hoạt động bán hàng đa cấp, sửa đổi, hoàn thiện các quy định nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp trong quá trình thực thi và tuân thủ các quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Nghị định số 18 sửa đổi một số điều khoản tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, trong đó có các nội dung đáng lưu ý như sau:
Thứ nhất, Nghị định quy định doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải đảm bảo tối thiểu 20% doanh thu bán hàng đa cấp trong một năm tài chính là doanh thu từ khách hàng không phải là người tham gia bán hàng đa cấp.
Thứ hai, Nghị định bổ sung quy định nhằm nâng cao điều kiện đối với đầu mối liên hệ của doanh nghiệp tại địa phương.
Thứ ba, trên cơ sở hoạt động bán hàng đa cấp thuộc ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư, Nghị định 18/2023/NĐ-CP đã bổ sung điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đối với tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ sở hữu hoặc thành viên hoặc cổ đông.
Thứ tư, thay đổi quy định về thông báo hội nghị, hội thảo, đào tạo trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Thứ năm, sửa đổi quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện một số thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, giảm các thủ tục không cần thiết, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Nghị định cũng sửa đổi một số quy định khác nhằm nâng cao tính khả thi, hiệu quả của cơ chế quản lý hoạt động bán hàng đa cấp như điều kiện đối với người tham gia bán hàng đa cấp tại Việt Nam, quy định về các loại hội nghị, hội thảo, đào tạo thuộc phạm vi thông báo trước khi thực hiện, nội dung về phạm vi áp dụng kế hoạch trả thưởng tại Việt Nam, quy định rõ nội dung và cơ chế sử dụng khoản tiền ký quỹ...
Tập trung quy định chi tiết về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền
Nghị định số 19/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.
Nghị định được bố cục gồm 4 chương, 14 Điều. Theo đó, Nghị định tập trung quy định chi tiết về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền; nhận biết khách hàng; tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi; giao dịch có giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp; cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo; thu thập, xử lý và phân tích thông tin phòng, chống rửa tiền; trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin phòng, chống rửa tiền với cơ quan có thẩm quyền trong nước; căn cứ để nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan đến giao dịch thuộc Danh sách đen và cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận báo cáo trì hoãn giao dịch. 
Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước
Quyết định số 08/2023/QĐ-TTg ngày 05 tháng 04 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước được ban hành nhằm:
+ Cụ thể hóa khoản 3 Điều 24 Luật Viễn thông: Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết việc thiết lập và hoạt động của mạng viễn thông dùng riêng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước. Mạng truyền số liệu chuyên dùng đáp ứng các tiêu chí là mạng viễn thông dùng riêng, các quy định về hoạt động của mạng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
+ Việc xây dựng Quyết định nhằm bảo đảm hoạt động của mạng truyền số liệu chuyên dùng thống nhất, ổn định, an toàn, bảo mật, được giám sát, kiểm soát tập trung, kết nối các cơ quan Đảng, Nhà nước từ trung ương đến cấp xã, là hạ tầng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, là cơ sở để nâng cấp, hiện đại hóa mạng lưới.
+ Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi của Quyết định; đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của Quyết định với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Quy định thẻ ABTC có hai dạng là thẻ cứng và thẻ điện tử để phù hợp với quy định chung của khối APEC
Quyết định số 09/2023/QĐ-TTg ngày 12/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, cấp và quản lý thẻ đi lại doanh nhân APEC nhằm: 
+ Nội luật hóa thỏa thuận giữa các nước và vùng lãnh thổ thành viên APEC tham gia Chương trình thẻ đi lại doanh nhân APEC.
+ Đưa ra quy định chung trong việc xem xét cấp thẻ cho danh nhân Việt Nam, bảo đảm sự thống nhất trên toàn quốc.
 + Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, giảm bớt chi phí tuân thủ khi thực hiện thủ tục hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục  tiêu quản lý nhà nước.
Quyết định đã bổ sung một số nội dung mới để bảo đảm việc thực hiện được thống nhất, công khai, minh bạch, cụ thể: Giải thích các khái niệm thẻ đi lại doanh nhân APEC, doanh nhân Việt Nam, doanh nhân nước ngoài để thống nhất về nhận thức; quy định thẻ ABTC có hai dạng là thẻ cứng và thẻ điện tử để phù hợp với quy định chung của khối APEC. Thẻ ABTC thẻ cứng và thẻ điện tử có giá trị pháp lý như nhau, không làm ảnh hưởng đến trình tự, thủ tục cấp thẻ; quy định về điều kiện được xem xét cấp thẻ thẻ ABTC;...
Giao dịch 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo
Theo Thông cáo của Bộ Tư pháp, Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 15/11/2022 (Luật số 14/2022/QH15) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2022 thay thế cho Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012. Theo đó, Khoản 2 Điều 25 của Luật PCRT năm 2022 quy định: “Thủ tướng Chính phủ quyết định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ”.
Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg ngày 05/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo thay thế Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo.
Dựa trên quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống rửa tiềnQuyết định đã quy định mức giá trị của giao dịch từ 400.000.000 đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.