Tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh

04/05/2023
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 16/2023/NĐ-CP về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh; sửa đổi quy định tại điểm g khoản 1 Điều 23 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Nghị định này quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn do doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật Doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ; sửa đổi quy định tại điểm g khoản 1 Điều 23 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp về việc thực hiện công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước. Việc thành lập mới, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản và những nội dung khác về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh không được quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Nghị định áp dụng với doanh nghiệp nhà nước quy định tại Điều 88 Luật Doanh nghiệp; doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh quy định tại Điều 3 Nghị định này; doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh quy định tại Điều 4 Nghị định này và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức quản lý, hoạt động và kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh; việc thực hiện công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước.
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh
Nghị định quy định rõ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh. Theo đó, doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 9 Luật Doanh nghiệp và các quy định sau:
a) Được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bảo đảm đủ nguồn lực, đầu tư đủ vốn điều lệ để thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được giao.
b) Được sử dụng các nguồn lực được giao để hoạt động sản xuất kinh doanh (ngoài thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh) khi bảo đảm các điều kiện: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chấp thuận, phê duyệt bằng văn bản; hoạt động kinh doanh bổ sung có mục đích để kết hợp hỗ trợ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc để phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản; không làm giảm năng lực và ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được giao; thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật.
c) Quản lý nguồn lực được giao để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo các quy định hiện hành.
d) Chấp hành các quy định pháp luật, quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về hợp tác quốc tế khi thực hiện các hoạt động liên kết với tổ chức, cá nhân nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
đ) Chấp hành quyết định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về việc chuyển giao phần vốn hoặc tài sản phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở doanh nghiệp khác trong trường hợp cần thiết theo quy định pháp luật hiện hành.
Doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 9 Luật Doanh nghiệp và các quy định sau: Quản lý nguồn lực được giao để thực hiện nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh theo các quy định hiện hành.
Đồng thời chấp hành các quy định pháp luật, quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về hợp tác quốc tế khi thực hiện các hoạt động liên kết với tổ chức, cá nhân nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh.
Doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất
Nghị định cũng nêu rõ về chính sách đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh và người lao động tại doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh.
Cụ thể, doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được áp dụng các chính sách gồm:
Được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất đối với diện tích đất được giao quản lý, sử dụng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định pháp luật về đất đai, thuế và pháp luật có liên quan.
Được Nhà nước bố trí ngân sách và các nguồn lực khác để đảm bảo các khoản chi theo chế độ, định mức theo quy định của pháp luật gồm: quân trang cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu; chi cho nhiệm vụ diễn tập, huấn luyện chiến đấu, huấn luyện dự bị động viên; các khoản chi cho công tác quốc phòng, an ninh, công tác phục vụ quốc phòng, quan hệ quân dân. Trường hợp ngân sách nhà nước không đảm bảo đủ thì số chi chưa được đảm bảo được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn; được loại trừ khi thực hiện đánh giá, xếp loại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.
Được Nhà nước bố trí ngân sách và các nguồn lực khác để cấp kinh phí cho việc duy trì, bảo dưỡng, sửa chữa vận hành các dây chuyền, trang thiết bị sản xuất, sửa chữa sản phẩm quốc phòng, an ninh trong thời gian tạm ngừng sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh theo kế hoạch, nhiệm vụ do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trực tiếp hoặc thông qua cơ quan chuyên môn, đơn vị đầu mối trực thuộc giao nhiệm vụ, đặt hàng.
Được Nhà nước bố trí ngân sách và các nguồn lực khác để hỗ trợ 02 quỹ khen thưởng và phúc lợi bằng 02 tháng lương thực hiện trong trường hợp không đủ nguồn để trích lập.
Được Nhà nước bố trí ngân sách và các nguồn lực khác để hỗ trợ kinh phí nhà trẻ, giáo dục tại địa bàn chưa có trường lớp theo hệ thống giáo dục công lập; kinh phí y tế đối với những nơi do điều kiện đặc biệt phải duy trì bệnh xá; hoặc nhà trẻ, bệnh xá trên địa bàn cần thiết phải duy trì theo quyết định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với người lao động
Người lao động trong doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được áp dụng các chế độ, chính sách sau:
Tiền lương của lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu được tính phù hợp với quy định về chế độ, chính sách của pháp luật đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu và căn cứ vào năng suất lao động và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp.
Khi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, người lao động nếu bị thương hoặc bị chết mà đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì được xem xét, xác nhận là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật ưu đãi về người có công với cách mạng; người lao động bị tai nạn lao động thì xét hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Nhà nước bố trí kinh phí để đảm bảo trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu trong thời gian chuẩn bị nghỉ hưu; thanh toán các khoản chi xuất ngũ, phục viên, thôi việc theo chế độ hiện hành.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/4/2023, đồng thời thay thế và bãi bỏ các quy định về doanh nghiệp quốc phòng an ninh tại khoản 1 Điều 1, khoản 2 Điều 2, Điều 13 đến Điều 19, khoản 1 Điều 23, khoản 3 Điều 30, khoản 3 Điều 34, khoản 1, 2 Điều 35 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP.
Doanh nghiệp đã được công nhận, công nhận lại là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định tại Nghị định số 93/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về tổ chức, quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh thì thực hiện chính sách áp dụng đối với doanh nghiệp và người lao động tại doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh quy định tại Nghị định này đến hết thời hạn 3 năm kể từ ngày có quyết định công nhận, công nhận lại doanh nghiệp quốc phòng an ninh. Doanh nghiệp đã được công nhận, công nhận lại là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định tại Nghị định số 47/2021/NĐ-CP thì thực hiện chính sách áp dụng đối với doanh nghiệp và người lao động tại doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh quy định tại Nghị định này đến hết thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định công nhận, công nhận lại doanh nghiệp quốc phòng an ninh.