Kế hoạch công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp năm 2023

17/03/2023
Ngày 16/03/2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 343/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp năm 2023.

Nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về chính sách, pháp luật, các lĩnh vực quản lý nhà nước, kết quả thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp; chủ động thông tin báo chí nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội đối với các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành; kịp thời phản hồi thông tin báo chí đăng tải về những vấn đề được dư luận quan tâm, đồng thời, góp phần lan tỏa sâu rộng những kết quả đạt được trên các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành tới đời sống xã hội; đồng thời lồng ghép triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao năm 2023 tại một số Đề án về công tác truyền thông của Bộ, ngành Tư pháp, ngày 16/03/2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 343/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp năm 2023.
Trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ đề ra tại Chương trình hành động của ngành Tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định số 48/QĐ-BTP ngày 17/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), Kế hoạch xác định 10 nội dung trọng tâm cần tập trung truyền thông, cụ thể như sau:
1. Công tác tham mưu và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới và Kế hoạch số 11/KH-TW ngày 28/11/2022 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.  
2. Định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, nhất là các dự án luật có vai trò quan trọng trong việc tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh.
Công tác thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL, thẩm định dự án, dự thảo VBQPPL; công tác lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL, nhất là việc theo dõi, đôn đốc việc xử lý văn bản trái pháp luật, xử lý kết quả rà soát văn bản của các bộ, ngành, địa phương; hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 12/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Công tác hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp.
3. Tổ chức truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng VBQPPL do Bộ Tư pháp tham mưu, chủ trì xây dựng; kết quả triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tình hình triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; Hội thi Hoà giải viên giỏi lần thứ tư; công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Tình hình triển khai thực hiện, kết quả công tác theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra, rà soát văn bản theo thẩm quyền. Công tác tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, khắc phục các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.
4. Kết quả hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ Thi hành án dân sự được Quốc hội giao; việc tổ chức thực hiện các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính.
5. Việc thực hiện các nhiệm vụ của ngành Tư pháp theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 149/QĐ-BTP ngày 28/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp).
6. Việc tổ chức triển khai Nghị định số 98/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp và các văn bản mới được ban hành về công tác tổ chức cán bộ để kiện toàn bộ máy, hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan tư pháp, pháp chế, thi hành án dân sự các cấp bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Tình hình triển khai Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán hộ về pháp luật” và Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1155/QĐ-BTP và Quyết định số 1156/QĐ-BTP ngày 30/9/2022.
7. Công tác tham mưu cho Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương trong giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện trong hoạt động đầu tư quốc tế, bảo đảm quyền lợi cho Chính phủ, người dân, doanh nghiệp.
Hoạt động và quản lý hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp. Công tác thông tin đối ngoại, xây dựng hình ảnh và nâng cao uy tín của Bộ, ngành trong cộng đồng quốc tế.
8. Công tác cải cách hành chính, giải quyết kịp thời nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đăng ký biện pháp bảo đảm; hoạt động quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp nhất là những vấn đề được dư luận quan tâm…
Vị trí, vai trò, ý nghĩa của hoạt động trợ giúp pháp lý trong cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng và hoạt động của chính quyền cơ sở.
Tình hình triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại cũng như lợi ích nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
 Công tác chuyển đổi số gắn với đảm bảo an toàn thông tin mạng trong ngành Tư pháp.
9. Lịch sử truyền thống; vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành Tư pháp qua các giai đoạn phát triển; gương người tốt, việc tốt trong thực hiện các phong trào thi đua; những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, ngành Tư pháp.
10. Những vấn đề khác được dư luận quan tâm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành Tư pháp.
Để công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục được đẩy mạnh, đáp ứng các mục tiêu và yêu cầu đề ra, Kế hoạch đã xác định 11 giải pháp thực hiện, cụ thể như sau: (1) Tiếp tục phổ biến, quán triệt đến công chức, viên chức, người lao động của đơn vị các quy định, kế hoạch, văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành; (2) Xác định, lựa chọn nội dung truyền thông đảm bảo tính chính xác, thời sự, trọng tâm, trọng điểm; đa dạng các loại hình, sản phẩm truyền thông, chú trọng xây dựng sản phẩm truyền thông có tính thường xuyên, tạo được điểm nhấn, hấp dẫn, đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin của người dân và xã hội về các lĩnh vực hoạt động của Bộ, ngành; (3) Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức Họp báo, điểm tin báo chí; triển khai thực hiện thí điểm ứng dụng phần mềm lọc, tổng hợp thông tin phản ánh trên báo chí và mạng xã hội về hoạt động của Bộ, ngành; nâng cấp Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, đầu tư chỉnh lý nội dung, một số chuyên trang, chuyên mục; (4) Chủ động, kịp thời cung cấp, phản hồi thông tin báo chí, nhất là những vấn đề thời sự, được dư luận xã hội quan tâm liên quan đến hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; (5) Phát huy vai trò của Văn phòng Bộ trong thực hiện nhiệm vụ phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí theo Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tư pháp và Hệ thống Thi hành án dân sự và kết nối mạng lưới thông tin báo chí; phát huy sự chủ động, dẫn dắt của Báo Pháp luật Việt Nam, Cục Công nghệ thông tin, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật trong thực hiện công tác thông tin các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp, truyền thông chính sách, góp phần lan toả sâu rộng những kết quả đạt được trên các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp; (6) Tăng cường quản lý hoạt động của các cơ quan, đơn vị báo chí thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ Tư pháp; (7) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương; duy trì, phát triển mạng lưới phối hợp thực hiện công tác truyền thông ở Trung ương và địa phương để khai thác, huy động mọi nguồn lực cùng tham gia thực hiện; phát huy hơn nữa vai trò, hiệu quả hoạt động của Tổ công tác truyền thông; Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp trong thông tin, truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành; (8) Tiếp tục bổ sung, kiện toàn và nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức của đơn vị được giao phụ trách làm đầu mối tham mưu thực hiện công tác truyền thông; (9) Chủ động tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp giai đoạn 2021 – 2026” và Đề án “Xây dựng Kho dữ liệu truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp” trong năm 2023, bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ và thời hạn được giao tại Đề án; (10) Tổ chức Đoàn kiểm tra tình hình thực hiện Kế hoạch truyền thông tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; (11) Bảo đảm kinh phí cho công tác truyền thông của Bộ, ngành Tư pháp.
Kế hoạch xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ, trong đó, giao Văn phòng Bộ là đơn vị đầu mối theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch này. Các đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ tại Kế hoạch tự đảm bảo kinh phí thực hiện trong nguồn kinh phí đã được phân bổ theo dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Đồng thời, tranh thủ tối đa nguồn lực xã hội hóa, kinh phí hỗ trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. 
 
Đinh Hoàng Yến - Phòng Truyền thông