Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 07/2023/TT-BQP hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (sau đây viết gọn là Nghị định số 120/2013/NĐ-CP) và Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây viết gọn là Nghị định số 37/2022/NĐ-CP).
Thông tư này hướng dẫn thực hiện khoản 1, khoản 2 Điều 4; Điều 6; khoản 2 Điều 7; điểm a khoản 2 Điều 11; Điều 12; điểm a, điểm b khoản 2 Điều 23; khoản 1 Điều 30 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5, khoản 7, khoản 8, khoản 9, khoản 12, khoản 24, khoản 26, khoản 27, khoản 28 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP và quy định bổ sung tại khoản 13, khoản 16, khoản 17, khoản 18, khoản 19 và khoản 46 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP và áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính về quốc phòng, cơ yếu trong lãnh thổ Việt Nam; người có thẩm quyền lập biên bản, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức, cá nhân liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.
“Lý do chính đáng” quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 11, Điều 12 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8, khoản 9, khoản 12, khoản 13 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP
Thông tư số 07/2023/TT-BQP quy định lý do chính đáng quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 11, Điều 12 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8, khoản 9, khoản 12, khoản 13 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP là một trong các trường hợp sau:
Người phải thực hiện việc kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; khám sức khỏe tuyển chọn sĩ quan dự bị; chấp hành lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu (sau đây viết gọn là người thực hiện nghĩa vụ quân sự) nhưng bị ốm đau, tai nạn hoặc trên đường đi bị ốm đau, tai nạn phải điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự, gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ hoặc cha chồng, mẹ chồng; cha nuôi, mẹ nuôi; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp bị ốm đau, tai nạn nặng đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự quy định tại điểm b khoản này chết nhưng chưa tổ chức tang lễ hoặc tang lễ chưa kết thúc.
Nhà ở của người thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc nhà ở của thân nhân người thực hiện nghĩa vụ quân sự quy định tại điểm b khoản này nằm trong vùng đang bị thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.
Người thực hiện nghĩa vụ quân sự không nhận được lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; khám sức khỏe tuyển chọn sĩ quan dự bị; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu; hoặc có nhận được lệnh, nhưng trong lệnh không ghi rõ thời gian, địa điểm do lỗi của người hoặc cơ quan có trách nhiệm, hoặc do người khác có hành vi cản trở được quy định tại Điều 7 Thông tư này.
Trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã điều trị hoặc trạm y tế cấp xã nơi cư trú; trường hợp quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều này phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú; trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan có thẩm quyền.
Hành vi “gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6; khoản 2 Điều 7 và điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8, khoản 9, khoản 12 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP
Hành vi “gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình” quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP là một trong các trường hợp sau: Sử dụng các biện pháp cố tình làm thay đổi tình trạng sức khỏe của bản thân ngay trước hoặc trong quá trình khám sức khỏe nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự và đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận đó là hành vi gian dối, như: Sử dụng các loại thuốc, chất kích thích, chất cấm; tự gây thương tích, tổn hại sức khỏe của bản thân, hoặc biện pháp khác làm thay đổi tình trạng sức khỏe của bản thân; sửa chữa kết quả phân loại sức khỏe của bản thân trong thực hiện kiểm tra hoặc khám sức khỏe nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự; nhờ người khác kiểm tra hoặc khám sức khỏe thay.
Hành vi “gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ” quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP là hành vi sử dụng các hình thức hoặc biện pháp làm thay đổi tình trạng sức khỏe của bản thân so với kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đã được Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự xác nhận đủ điều kiện để nhập ngũ.
Hành vi “cản trở” quy định tại khoản 2 Điều 21, khoản 3 Điều 23 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 16, khoản 17, khoản 18 và khoản 19 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP
Hành vi “cản trở” quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP là hành vi biểu hiện bằng lời nói hoặc hành động như ngăn cản, đe dọa về vật chất hoặc tinh thần để người có trách nhiệm trong việc tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ không thực hiện được nhiệm vụ của mình đối với việc thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ.
Hành vi “cản trở” quy định tại khoản 17 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP là hành vi biểu hiện bằng lời nói hoặc hành động như ngăn cản, đe dọa về vật chất hoặc tinh thần để người khác không dám, hoặc không thể tham gia dân quân tự vệ.
Hành vi “cản trở” quy định tại khoản 18 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP là hành vi biểu hiện bằng lời nói hoặc hành động như ngăn cản, đe dọa về vật chất hoặc tinh thần để việc tổ chức huấn luyện dân quân tự vệ không thực hiện được theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền hoặc làm cho người được triệu tập tham gia huấn luyện dân quân tự vệ không thực hiện được nhiệm vụ huấn luyện theo quy định.
Hành vi “cản trở” quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP là hành vi biểu hiện bằng lời nói hoặc hành động như ngăn cản, đe dọa về vật chất hoặc tinh thần cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ làm nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, hoặc thực hiện quyết định điều động dân quân tự vệ làm nhiệm vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 3 năm 2023 và thay thế Thông tư số 95/2014/TT-BQP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.