Trong tháng 12 năm 2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 09 Nghị định và 01 Quyết định

13/01/2023
Theo Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp, trong tháng 12 năm 2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 09 Nghị định và 01 Quyết định, cụ thể:
1. Nghị định số 100/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ bãi bỏ Nghị định số 49/2012/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ quy định danh mục các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao.
Theo Thông cáo, Nghị định số 100 được ban hành nhằm xử lý hiệu lực của Nghị định số 49/2012/NĐ-CP bằng hình thức bãi bỏ do Nghị định không còn phù hợp với các quy định của pháp luật, nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Nghị định gồm 02 Điều bãi bỏ Nghị định số 49/2012/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ quy định danh mục các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao, cụ thể như sau: (1) Điều 1: Quy định việc bãi bỏ Nghị định số 49/2012/NĐ-CP; (2) Điều 2: Quy định về điều khoản thi hành (hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành Nghị định).

2. Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Nghị định số 102 được ban hành nhằm làm rõ hơn những nhiệm vụ đã được quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 nhưng chưa được quy định cụ thể tại Nghị định số 16/2017/NĐ-CP: phân tích, dự báo về tiền tệ và cho vay tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nội dung theo quy định của các văn bản Luật, Nghị định có liên quan.
Nghị định gồm có 06 Điều quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Nghị định số 100 có một số điểm mới như sau:
Về chức năng, nhiệm vụ: bổ sung 02 chức năng, nhiệm vụ mà NHNN đang thực hiện: (1) Tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng để hỗ trợ cho các đối tượng cụ thể theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; (2) Thực hiện cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng. Ngoài ra, một số nhiệm vụ khác được rà soát chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Về cơ cấu tổ chức: (1) Thành lập mới Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước; (2) Trong cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước không còn Vụ Thi đua – Khen thưởng và Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng.

3. Nghị định số 103/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định về trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân.
Nghị định có 10 Điều với một số nội dung chính như sau:
- Trường đào tạo, bồi dưỡng là cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức, hoạt động theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật, trong đó:
- Trường của cơ quan nhà nước là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước.
- Trường của tổ chức chính trị là cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương; huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Trường của tổ chức chính trị - xã hội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.
- Trường của lực lượng vũ trang nhân dân là đơn vị trực thuộc các cấp quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nằm trong tổ chức, biên chế của Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam.
- Trường đào tạo, bồi dưỡng là cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức, hoạt động theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật.
- Cơ cấu tổ chức của trường đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội phải phù hợp với cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm: Hiệu trưởng; Phó Hiệu trưởng; Hội đồng trường; Hội đồng khoa học và đào tạo; Khoa, phòng chức năng, đơn vị phục vụ đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học.
- Trường đào tạo, bồi dưỡng chịu sự quản lý trực tiếp về tổ chức và hoạt động của cơ quan quản lý trực tiếp phù hợp với quy định của Đảng và quy định của pháp luật; chịu sự quản lý, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan quản lý Nhà nước theo lĩnh vực và chịu sự quản lý hành chính theo lãnh thổ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở.

4. Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Nghị định số 104 được ban hành nhằm thực hiện quy định của Luật Cư trú, sửa đổi các quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh, xác nhận về nơi cư trú, hạn chế sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế của pháp luật hiện nay trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về các giấy tờ của công dân; đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội; góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của đất nước.

5. Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thời gian qua, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được ban hành. Vì vậy, để phù hợp với nhiệm kỳ Chính phủ 2021- 2026, cần thiết trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 15/2017/NĐ-CP.
Theo Nghị định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, phát triển nông thôn; quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ theo quy định của pháp luật.
 
6. Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.
Nghị định số 107 được ban hành nhằm thể chế hóa pháp luật về lâm nghiệp làm căn cứ cho việc thực hiện Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ và hoàn thiện quy định của pháp luật về loại hình dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại khoản 3 Điều 61 Luật Lâm nghiệp.
Đồng thời, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, bảo đảm an ninh môi trường quốc gia, đưa lâm nghiệp trở thành trụ cột quan trọng của nền kinh tế xanh quốc gia. Thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết với quốc tế.

7. Nghị định số 110/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ.
Nghị định số 110 nhằm xử lý hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật đã không còn được áp dụng trên thực tế nhưng chưa có căn cứ xác định hết hiệu lực theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật.

8. Nghị định số 130/2022/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định về quản lý phân bón, Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.
Việc ban hành Nghị định số 130 nhằm thể chế hoá kiến nghị thực thi về lĩnh vực phân bón, giống cây trồng tại Quyết định số 2177/QĐ-TTg ngày 23/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2021; đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh phân bón, giống cây trồng.

9. Nghị định số 131/2022/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia hoạt động điện ảnh tại Việt Nam và ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động điện ảnh tại Việt Nam và cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động điện ảnh.

10. Quyết định số 25/2022/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Thông cáo, trong thời gian qua, một số bộ, cơ quan ngang bộ đã thực hiện rà soát và phát hiện một số văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành không còn được áp dụng trên thực tế nhưng chưa có căn cứ pháp lý để xác định hết hiệu lực theo quy định tại các Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (năm 1996, năm 2008, năm 2015 và các Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật). Về nguyên tắc, các văn bản này vẫn được xác định là “còn hiệu lực”. Do đó, để bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, đồng thời bảo đảm tuân thủ đúng quy định về hiệu lực của văn bản theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP), việc ban hành văn bản để bãi bỏ các văn bản nêu trên là cần thiết.
Quyết định số 25 được ban hành nhằm chấm dứt hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật đã không còn được áp dụng trên thực tế nhưng chưa có căn cứ xác định hết hiệu lực theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật.