Bồi thường thiệt hại khi đình công bất hợp pháp gây thiệt hại cho người sử dụng lao động: Có thể khởi kiện yêu cầu được bồi thường

20/06/2008
Đình công là một biện pháp được pháp luật qui định cho người lao động (NLĐ) sử dụng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình theo trình tự, thủ tục nhất định. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều cuộc đình lại diễn ra một cách bất hợp pháp, thậm chí gây thiệt hại cho người sử dụng lao động (NSDLĐ). Để giảm thiểu những thiệt hại này và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NSDLĐ, Bộ LĐTB&XH và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 07/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 11/2008/NĐ-CP (ngày 30/1/2008) của Chính phủ quy định về việc bồi thường thiệt hại (BTTH) trong trường hợp cuộc đình công bất hợp pháp gây thiệt hại cho NSDLĐ.

Thông tư 07 qui định, trách nhiệm bồi thường cho NSDLĐ về những thiệt hại do đình công bất hợp pháp (bị TAND tuyên bố là bất hợp pháp) gây ra thuộc về tổ chức, cá nhân lãnh đạo cuộc đình công. Cụ thể là Ban chấp hành công đoàn (BCH CĐ) cơ sở nếu tổ chức CĐ cơ sở lãnh đạo; hoặc thuộc về những người được cử làm đại diện tập thể lao động và những NLĐ tham gia đình công nếu do đại diện tập thể lao động lãnh đạo. Trong trường hợp này, đại diện tập thể lao động và những NLĐ tham gia đình công phải chịu trách nhiệm cá nhân theo phần trong việc thực hiện nghĩa vụ BTTH cho NSDLĐ.

Thời hạn để NSDLĐ có quyền yêu cầu được BTTH do đình công bất hợp pháp gây ra là 01 năm, kể từ ngày quyết định của TAND về tính bất hợp pháp của cuộc đình công có hiệu lực. Thông tư 07 qui định, yêu cầu BTTH phải được thể hiện bằng văn bản bao gồm các nội dung về giá trị thiệt hại, mức yêu cầu bồi thường, phương thức và thời hạn bồi thường. Văn bản yêu cầu BTTH và các tài liệu liên quan được gửi đến BCH CĐ cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động, Sở LĐTB&XH, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh nơi xảy ra cuộc đình công. Mức BTTH do hai bên thoả thuận trên cơ sở giá trị thiệt hại đã được xác định nhưng tối đa không vượt quá ba 3 tháng tiền lương, tiền công (làm cơ sở đóng, hưởng bảo hiểm xã hội) liền kề trước ngày đình công diễn ra theo hợp đồng lao động của những NLĐ tham gia cuộc đình công.

Thông tư cũng cho phép NSDLĐ được khởi kiện (theo thủ tục tố tụng dân sự) ra TAND cấp huyện nơi xảy ra cuộc đình công đòi BTTH nếu phía đại diện NLĐ từ chối thương lượng về vấn đề BTTH; Việc thương lượng không đạt kết quả trên cơ sở biên bản thương lượng; Bên có nghĩa vụ BTTH không thực hiện bồi thường theo đúng Cam kết BTTH hoặc Biên bản thương lượng.

Nguyên tắc xác định giá BTTH theo quy định của Thông tư 07 là giá thị trường tại thời điểm xảy ra đình công bất hợp pháp; riêng đối với tài sản cố định bị hỏng do ngừng vận hành, phải thay thế, sửa chữa thì giá BTTH được xác định căn cứ vào nguyên giá tài sản cố định, mức trích khấu hao tài sản cố định theo quy định hiện hành và giá trị thu hồi do thanh lý (nếu có). Nếu hai bên không nhất trí về giá trị thiệt hại thì có quyền yêu cầu tổ chức trung gian xác định giá trị thiệt hại.

Kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu BTTH, trong 10 ngày, BCH CĐ cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động phải có ý kiến trả lời bằng văn bản cho NSDLĐ. Nếu đồng ý thì có văn bản cam kết BTTH làm cơ sở pháp lý xác định nghĩa vụ BTTH của đại diện tổ chức công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động. Nếu không đồng ý thì có văn bản yêu cầu thương lượng gửi cho NSDLĐ, Sở LĐTB&XH, Liên đoàn lao động cấp tỉnh. Nếu nhận được văn bản yêu cầu thương lượng, NSDLĐ có trách nhiệm tổ chức phiên họp thương lượng trong vòng 3 ngày làm việc hoặc phải có văn bản nêu rõ lý không tổ chức được phiên họp và ấn định cụ thể thời gian sẽ tiến hành tổ chức phiên họp thương lượng tiếp theo. Hết thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu BTTH của NSDLĐ mà BCH CĐ cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động không có văn bản trả lời thì được coi là phía đại diện NLĐ từ chối thương lượng.

Nếu BCH CĐ cơ sở phải BTTH thì việc thực hiện BTTH được lấy từ nguồn kinh phí của tổ chức công đoàn cơ sở. Trường hợp đại diện tập thể lao động và những NLĐ tham gia đình công phải thực hiện BTTH thì mức bồi thường thuộc trách nhiệm cá nhân theo phần được xác định bằng tổng mức BTTH chia cho tổng số người tham gia đình công (kể cả người lãnh đạo đình công). Việc bồi thường của mỗi cá nhân theo Thông tư 07 được khấu trừ dần vào tiền lương, tiền công hàng tháng của người đó nhưng không quá 30% mức lương, tiền công ghi theo hợp đồng lao động làm cơ sở đóng, hưởng bảo hiểm xã hội. Trường hợp NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động trước khi hoàn thành nghĩa vụ bồi thường, phần bồi thường còn lại được tính là khoản nợ của NLĐ đối với NSDLĐ. Việc thanh toán khoản nợ này do hai bên thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện bồi thường bằng hiện vật hoặc bằng việc thực hiện một công việc do hai bên thoả thuận./.

Huy Long