Từ ngày 01/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng

14/12/2022
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, trong đó có quy định về chính sách tiền lương. Cụ thể:
Chưa thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trong năm 2023. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Bộ Chính trị.
Tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù đối với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở trung ương được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm bình quân năm 2022 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương theo ngạch, bậc khi nâng bậc, nâng ngạch).
Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Trong giai đoạn 2023 - 2025, cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán để dành nguồn cải cách tiền lương như quy định tại Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội giao cho Chính phủ:
1. Tập trung điều hành chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả, kịp thời ứng phó với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước, bảo đảm mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
2. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thu ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý thuế, đặc biệt trong một số lĩnh vực, hoạt động sản xuất kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế số, giao dịch xuyên biên giới,... bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước. Trường hợp thu ngân sách trung ương năm 2023 vượt so với dự toán, đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ theo hướng bố trí nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định và ưu tiên giảm bội chi ngân sách nhà nước. Tổng hợp, báo cáo Quốc hội tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước vào kỳ họp cuối năm 2023.
Từ năm 2023, Chính phủ xây dựng cơ chế theo dõi số thu thuế của nhà cung cấp nước ngoài kê khai và nộp đối với thu nhập phát sinh sau khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ phân biệt riêng cho cá nhân và doanh nghiệp tại Việt Nam để có cơ sở đánh giá, hoàn thiện và bảo đảm chế tài thực hiện chính sách quản lý thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài.
Quản lý chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu bảo đảm đúng đối tượng theo đúng quy định của pháp luật; tiếp tục triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
Khẩn trương xây dựng các giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, gắn với trách nhiệm người đứng đầu; sớm phê duyệt, điều chỉnh đề án tái cơ cấu doanh nghiệp; ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện.
Nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về tài chính trong lĩnh vực đất đai theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; có giải pháp củng cố, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.
3. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; phân bổ và giao dự toán đúng thời hạn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, khắc phục hạn chế trong chậm triển khai thực hiện dự án đầu tư công, chậm giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng giải ngân nhưng thiếu vốn, hạn chế tối đa việc chuyển nguồn; xem xét trách nhiệm trong xây dựng dự toán không sát thực tế, tổ chức thực hiện thiếu hiệu quả dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công thấp.
Chỉ đạo nghiên cứu điều chỉnh định mức kinh phí, ưu tiên bố trí bảo đảm công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, nhất là trong lĩnh vực giao thông; ban hành đầy đủ định mức kinh tế, kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng dịch vụ công, cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công để làm căn cứ xây dựng đơn giá, kế hoạch đặt hàng và giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp công lập.
Có giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đề xuất, công tác chuẩn bị, phê duyệt dự án ODA, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho từng giai đoạn thực hiện, nghiên cứu chế tài xử lý đối với các trường hợp trả lại kế hoạch vốn hằng năm do nguyên nhân chủ quan.
4. Tiếp tục chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
5. Chỉ đạo triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Chú trọng tổ chức thực hiện các nội dung liên quan tại Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
6. Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là đối với các hiệp định vay mới, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ; đánh giá, dự báo rủi ro về khả năng vay, khả năng trả nợ để có phương án quản lý, điều hành hiệu quả ngân sách nhà nước; chủ động thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả khi mua lại, hoán đổi, thanh toán trái phiếu Chính phủ; điều hành kinh phí chi trả chi phí phát hành, mua lại, hoán đổi, thanh toán trái phiếu Chính phủ trong phạm vi dự toán chi trả nợ lãi của ngân sách trung ương năm 2023 được Quốc hội quyết định.