Định mức kinh tế-kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ GTVT

05/12/2022
Ngày 01/12/2022, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 29/2022/TT-BGTVT hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Giao thông vận tải.

Theo đó, Thông tư này hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Giao thông vận tải. Đối với dịch vụ sự nghiệp công có nội dung công việc là hoạt động xây dựng, việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động xây dựng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ quy định về quản lý chi phí xây dựng, Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng và hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Thông tư áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Giao thông vận tải.
Thông tư quy định nguyên tắc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật như sau:
Tuân thủ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật, quy trình kỹ thuật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố, ban hành đối với thực hiện dịch vụ sự nghiệp công, đảm bảo tính tiên tiến, tính thống nhất và tính kế thừa.
Được xây dựng dựa trên thành tựu khoa học và công nghệ, bảo đảm tính ổn định trong thời gian nhất định và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Được xây dựng theo từng sản phẩm, dịch vụ riêng hoặc nhóm các sản phẩm, dịch vụ tương đồng về nội dung, quy trình thực hiện, giống nhau về tính chất, phương tiện, trình tự thực hiện các hạng mục công việc của sản phẩm, dịch vụ công; nhóm các dịch vụ này do cơ quan chủ trì xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật xác định và phải thuyết minh rõ trong quá trình xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.
Bảo đảm tính thống nhất trong công tác xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về dịch vụ sự nghiệp công của Bộ Giao thông vận tải.
Đảm bảo tính đúng, tính đủ, tính phù hợp và hiệu quả trong quản lý, thực hiện dịch vụ sự nghiệp
Thông tư cũng nêu rõ căn cứ xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật gồm: Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy trình kỹ thuật, quy trình công nghệ, hồ sơ thiết kế, tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất; Quy định pháp luật hiện hành về chế độ làm việc của người lao động; Điều kiện thực tế hoạt động của các đơn vị về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực tài chính, đất đai; năng lực, trình độ tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của đơn vị; Số liệu thống kê, số liệu khảo sát thực tế và các tài liệu có liên quan; Định mức kinh tế - kỹ thuật, quy trình xác định định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành đã ban hành để xác định mức tiêu hao đối với từng công việc hoặc nhóm công việc; Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Về phương pháp xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, Thông tư quy định như sau:
Phương pháp thống kê, tổng hợp: là phương pháp căn cứ số liệu thống kê hằng năm hoặc trong các kỳ báo cáo (số liệu thống kê phải đảm bảo độ tin cậy, tính pháp lý trong thời gian tối thiểu ba năm liên tục trước thời điểm xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật) và dựa vào kinh nghiệm thực tế hoặc các thông số so sánh để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.
Phương pháp so sánh: là phương pháp căn cứ vào các định mức của công việc, sản phẩm tương đương đã thực hiện trong thực tế để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.
Phương pháp tiêu chuẩn: là phương pháp căn cứ vào các tiêu chuẩn, quy định của pháp luật về thời gian lao động, chế độ nghỉ ngơi, mức tiêu hao máy móc, thiết bị để xây dựng định mức lao động, định mức máy móc, thiết bị cho từng công việc hoặc nhóm công việc.
Phương pháp phân tích thực nghiệm: là tổ chức khảo sát, thực nghiệm theo từng quy trình, nội dung công việc; căn cứ kết quả khảo sát, thực nghiệm để phân tích, tính toán từng yếu tố cấu thành định mức.
Phương pháp tổng hợp là phương pháp kết hợp từ hai phương pháp quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 của Điều 6 Thông tư này.
Định mức kinh tế - kỹ thuật gồm các nội dung chính như sau:
1- Hướng dẫn áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật bao gồm: phạm vi áp dụng, đối tượng áp dụng; điều kiện áp dụng; các yếu tố tự nhiên - xã hội và các điều kiện khác liên quan đến thực hiện công việc để xác định hệ số điều chỉnh tương ứng với các mức khó khăn so với điều kiện áp dụng (trong trường hợp cần thiết).
2- Nội dung công việc: liệt kê mô tả nội dung công việc, các thao tác cơ bản, thao tác chính để thực hiện công việc từ khi chuẩn bị đến khi kết thúc để thực hiện một dịch vụ sự nghiệp công.
3- Định mức hao phí: là các hao phí cần thiết để hoàn thành một sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công hoặc một khối lượng công việc của dịch vụ sự nghiệp công.
4- Trình tự xây dựng nội dung của định mức kinh tế - kỹ thuật; hồ sơ báo cáo kết quả xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và việc xác định các hao phí của định mức kinh tế - kỹ thuật thực hiện theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2023. Đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực giao thông vận tải không thuộc phạm điều chỉnh của Thông tư này mà chưa có quy định hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật thì tổ chức, cá nhân có liên quan có thể tham khảo hướng dẫn tại Thông tư này trong quá trình xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.