Hướng dẫn kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

31/10/2022
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 61/2022/TT-BTC hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Thông tư này hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (bao gồm cả kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, cưỡng chế kiểm đếm) theo quy định của pháp luật về đất đai. Các khoản kinh phí sau đây được điều chỉnh tại các pháp luật khác có liên quan; không thuộc kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này: 1- Kinh phí để định giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất được bố trí từ ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về giá đất, được lập dự toán, sử dụng và thanh, quyết toán theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; 2- Kinh phí để xác định hoặc thuê tổ chức thẩm định giá xác định giá trị quyền sử dụng đất, tiền thuê đất, giá trị còn lại của tài sản và kinh phí thẩm định giá trị quyền sử dụng đất, tiền thuê đất, giá trị còn lại của tài sản theo quy định tại Thông tư số 80/2017/TT-BTC ngày 02 tháng 8 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính được tổng hợp trong dự toán ngân sách giao cho cơ quan tài chính (của cấp có thẩm quyền thu hồi đất), được sử dụng và thanh, quyết toán theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; 3- Kinh phí để chi lương, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp lương theo chế độ quy định đối với các cán bộ, công chức, viên chức được huy động từ các cơ quan, đơn vị của nhà nước để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo chế độ kiêm nhiệm do cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức đó chi trả; 4- Kinh phí lập, chỉnh lý bản đồ địa chính ở địa phương được bố trí từ ngân sách địa phương theo quy định tại Thông tư số 136/2017/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập, quản lý, sử dụng kinh phí chi hoạt động kinh tế đối với các nhiệm vụ chi về tài nguyên môi trường.
Đối tượng áp dụng theo Thông tư là tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường) và các đối tượng khác có liên quan tới việc lập, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Thông tư quy định mức trích kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất được quy định như sau:
Đối với các dự án, tiểu dự án thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư, dự án, tiểu dự án xây dựng công trình hạ tầng theo tuyến, mức trích kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm (nếu có) được căn cứ trên cơ sở khối lượng công việc thực tế theo dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này. Đối với các dự án, tiểu dự án không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư này không phải thực hiện cưỡng chế kiểm đếm theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mức trích kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án. Đối với các dự án, tiểu dự án không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư này mà phải thực hiện cưỡng chế kiểm đếm theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mức trích kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (chưa bao gồm kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm) không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án; mức trích kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm được căn cứ trên cơ sở khối lượng công việc thực tế theo dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này.
Đối với các dự án, tiểu dự án phải thực hiện cưỡng chế thu hồi đất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mức trích kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất được căn cứ trên cơ sở khối lượng công việc thực tế theo dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này.
Mức chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất được quy định như sau:
Đối với các nội dung chi đã có định mức, tiêu chuẩn, đơn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì thực hiện theo quy định hiện hành.
Đối với nhà làm việc, máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường và cơ quan thẩm định thì các đơn vị này có trách nhiệm bố trí, sắp xếp trong diện tích nhà làm việc, máy móc, thiết bị hiện có của mình để phục vụ hoạt động. Trường hợp không bố trí được trong diện tích nhà làm việc, máy móc, thiết bị hiện có thì được thuê nhà làm việc, thuê và mua sắm máy móc, thiết bị để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Việc thuê nhà làm việc, thuê và mua sắm máy móc, thiết bị thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan.
Chi in ấn, phô tô tài liệu, văn phòng phẩm, thông tin liên lạc (bưu chính, điện thoại), xăng xe được tính theo nhu cầu thực tế của từng dự án, tiểu dự án.
Chi phí trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện thông qua Hợp đồng được ký giữa Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường và đơn vị cung cấp dịch vụ. Đơn vị cung cấp dịch vụ có nghĩa vụ thực hiện đúng hợp đồng đã ký và pháp luật có liên quan. Việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Ngoài ra, đối với các nội dung chi không thuộc phạm vi quy định nêu trên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức chi cụ thể để thực hiện cho phù hợp.
Lập dự toán, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất:
Trường hợp phải thực hiện cưỡng chế thu hồi đất thì khi có quyết định cưỡng chế thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường căn cứ nội dung chi quy định tại Điều 4 và mức chi quy định tại Điều 5 Thông tư này lập dự toán kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất gửi cơ quan tài chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư này thẩm định để trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt.
Dự toán kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được xác định là giá trị quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất với Chủ đầu tư dự án, tiểu dự án và được sử dụng để: Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường thực hiện thủ tục thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn của ngân sách nhà nước; Chủ đầu tư dự án, tiểu dự án thực hiện quyết toán dự án hoàn thành. Trường hợp dự án, tiểu dự án mà việc cưỡng chế thu hồi đất thực hiện trong nhiều năm thì phải phân bổ dự toán kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt cho từng năm để thực hiện thủ tục thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn của ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan.
Việc sử dụng, thanh, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất thực hiện như sau: Đối với các dự án, tiểu dự án do Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Việc sử dụng, thanh, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất thực hiện như quy định đối với kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này. Đối với các dự án, tiểu dự án do Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường là đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất theo dự toán đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt là nguồn thu của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường; được tổng hợp chung vào nguồn thu của đơn vị và được sử dụng, thanh, quyết toán theo cơ chế tài chính áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 11 năm 2022.