Quy định mới về việc kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với mật ong

28/10/2022
Ngày 24/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BNNPTNT quy định về việc kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với mật ong.
Thông tư này quy định việc kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y (sau đây viết tắt là VSTY) và an toàn thực phẩm (sau đây viết tắt là ATTP) đối với nuôi ong, thu mua, sơ chế, chế biến mật ong phục vụ mục đích thương mại để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đối tượng áp dụng: các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động nuôi ong, thu mua, sơ chế, chế biến mật ong phục vụ mục đích thương mại để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc kiểm tra, giám sát VSTY và ATTP đối với mật ong.
Chương trình giám sát được xây dựng trên căn cứ: danh sách các cơ sở sản xuất mật ong đã được cấp Giấy chứng nhận VSTY hoặc Giấy chứng nhận có giá trị tương đương Giấy chứng nhận VSTY với các thông tin liên quan đến cơ sở (tên cơ sở, địa chỉ, điện thoại, email), ngày cấp, hiệu lực Giấy chứng nhận, cơ quan cấp Giấy chứng nhận; sản lượng mật ong của năm trước liền kề năm xây dựng Chương trình giám sát; kết quả thử nghiệm mẫu mật ong và thức ăn nuôi ong của Chương trình giám sát thực hiện 3 năm trước liền kề năm xây dựng Chương trình giám sát; thông tin cảnh báo, khuyến nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về ATTP đối với mật ong để xác định các chỉ tiêu có nguy cơ cao gây mất ATTP; các yêu cầu, quy định của Việt Nam về sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y cấm, hạn chế sử dụng trong thú y; các quy định của nước nhập khẩu đối với chuỗi sản xuất mật ong xuất khẩu.
Nội dung chương trình giám sát gồm: giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về thú y và ATTP tại cơ sở sản xuất mật ong; xây dựng cơ cấu mẫu giám sát và thông báo kế hoạch triển khai Chương trình giám sát; tổ chức thực hiện lấy mẫu giám sát, điều chỉnh kế hoạch lấy mẫu giám sát (trong trường hợp cần thiết) và phân tích mẫu giám sát căn cứ chỉ tiêu, phương pháp phân tích hằng năm được phê duyệt: thực hiện theo quy định tại Điều 10 của Thông tư này; xử lý các trường hợp mẫu giám sát không bảo đảm VSTY và ATTP theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này; tổng hợp, báo cáo kết quả giám sát hằng năm theo yêu cầu quản lý và yêu cầu của các nước nhập khẩu (đối với cơ sở sản xuất mật ong xuất khẩu).
Để bảo đảm ATTP, thông tư quy định: chỉ sử dụng các loại thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam để phòng, trị bệnh cho ong theo quy định; sử dụng thuốc để phòng, trị bệnh cho ong phải theo hướng dẫn của cơ sở sản xuất và đơn thuốc của người hành nghề thú y; việc kê đơn thuốc thú y thực hiện theo quy định của Thông tư số 12/2020/TT-BNNPTNT ngày 09/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định về quản lý thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; kê đơn, đơn thuốc thú y; sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2018/TT-BNNPTNT; Thông tư số 13/2022/TT-BNNPTNT ngày 28/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư về quản lý thuốc thú y; việc sử dụng thức ăn trong nuôi ong phải tuân thủ quy định của pháp luật về thức ăn chăn nuôi.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2022.