Tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục

24/05/2022
Ngày 23/5/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 07/2022/TT-BGDĐT quy định công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.

Theo đó, Thông tư số 07/2022/TT-BGDĐT quy định về nhiệm vụ, hình thức triển khai và các điều kiện bảo đảm thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Thông tư áp dụng đối với: các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông); các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục có đào tạo giáo viên (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục đại học); các tổ chức và cá nhân có liên quan.
Việc áp dụng Thông tư này bảo đảm phù hợp với nhận thức, trình độ và đáp ứng nhu cầu của người học đối với từng cấp học, trình độ đào tạo. Đối với cấp tiểu học: Nội dung mang tính nhận biết. Đối với cấp trung học cơ sở: Nội dung mang tính trải nghiệm. Đối với cấp trung học phổ thông: Nội dung mang tính thực hành và định hướng về nghề nghiệp. Đối với trình độ đào tạo đại học, cao đẳng sư phạm: Nội dung tập trung vào phát triển nghề nghiệp, việc làm.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, huấn luyện khởi nghiệp được quy định tại Thông tư này phù hợp với chương trình giáo dục, đào tạo và không làm thay đổi khung thời gian năm học của các cơ sở giáo dục. Khuyến khích xã hội hóa trong công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục theo đúng quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ của công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm
Thông tư quy định, việc định hướng nghề nghiệp đối với cấp tiểu học như sau: Giáo dục học sinh nhận biết công việc, nghề nghiệp, việc làm của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số nghề nghiệp cơ bản; Giáo dục học sinh hình thành các kỹ năng nhận thức, quản lý, khám phá bản thân, quản lý tài chính, kỹ năng giao tiếp; Phát hiện, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu cho học sinh.
Định hướng nghề nghiệp, việc làm đối với cấp trung học cơ sở: Giáo dục học sinh có ý thức, thái độ tích cực về lao động, nghề nghiệp, việc làm; hướng dẫn học sinh khám phá sở thích, năng lực, sở trường, nguyện vọng nghề nghiệp của bản thân; Giáo dục học sinh hình thành, phát triển các kỹ năng xã hội, quản lý thời gian, ứng phó với căng thẳng, khủng hoảng, hợp tác và chia sẻ; Tạo môi trường, tổ chức cho học sinh làm quen, trải nghiệm thực tế một số nghề nghiệp, việc làm cơ bản phù hợp với điều kiện của nhà trường; Tư vấn, định hướng và bồi dưỡng kiến thức về nghề nghiệp, việc làm cho học sinh phù hợp với các ngành, nghề dự kiến lựa chọn; Cung cấp cho học sinh các thông tin, học liệu, tài liệu liên quan đến công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm.
Tư vấn nghề nghiệp, việc làm đối với cấp trung học phổ thông: Giáo dục học sinh phát triển phàm chất, năng lực bản thân và xác định nguyện vọng, sở thích nghề nghiệp; Cung cấp cho học sinh thông tin về các cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo và tư vấn cho học sinh về vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp; Cung cấp cho học sinh thông tin và xu hướng phát triển của các ngành, nghề trong xã hội; Giáo dục học sinh hình thành, phát triển các kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, lãnh đạo, lập kế hoạch, tự học, giải quyết vấn đề; Tổ chức cho học sinh tìm hiểu, trải nghiệm thực tế đối với nhóm nghề nghiệp, việc làm theo sở thích, nguyện vọng của học sinh và phù hợp với điều kiện của nhà trường.
Tư vấn nghề nghiệp, việc làm đối với cơ sở giáo dục đại học: Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin việc làm, tuyển dụng, yêu cầu về kỹ năng, thái độ của các nhóm nghề nghiệp, việc làm; thông tin về nhu cầu thị trường lao động liên quan đến ngành đào tạo; Đào tạo, bồi dưỡng giúp sinh viên rèn luyện, phát triển các kỹ năng nhận thức, kỹ năng xã hội, quản lý cảm xúc và các kỹ năng về nghề nghiệp, việc làm; Hỗ trợ sinh viên trải nghiệm, làm quen với công việc thực tế tại đơn vị đối tác; hướng dẫn sinh viên tham gia việc làm thêm phù hợp với thời gian học tập và theo quy định của nhà trường; Công bố thông tin về tình trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp; cập nhật dữ liệu thống kê việc làm của sinh viên vào phần mềm cơ sở dữ liệu ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hình thức triển khai của công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm
Đối với cấp tiểu học: Tích hợp, lồng ghép vào các môn học và các hoạt động giáo dục của nhà trường; Tổ chức cho học sinh tìm hiểu một số nghề nghiệp, việc làm phổ biến ở Việt Nam thông qua các học cụ, công cụ lao động, hình ảnh, video clip và các hoạt động sân khấu hóa phù hợp với tính chất vùng miền của từng địa phương; Tạo môi trường, hỗ trợ học sinh nhận biết các nghề nghiệp, việc làm thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm thực tế tại cộng đồng, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các đối tác tối thiểu 01 lần/năm học bảo đảm phù hợp với điều kiện của nhà trường; Phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, rèn luyện kỹ năng cho học sinh thông qua quá trình học tập, các hoạt động câu lạc bộ, hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động phối hợp với các đối tác.
Đối với cấp trung học cơ sở: Tích hợp, lồng ghép vào các môn học và các hoạt động giáo dục của nhà trường; Tổ chức cho học sinh tìm hiểu, nắm bắt xu hướng dịch chuyển nghề nghiệp, việc làm thông qua hình ảnh, video clip, các tài liệu, học cụ, công cụ lao động về nghề nghiệp, việc làm; Tạo môi trường, hỗ trợ học sinh được trải nghiệm, thực hành, tìm hiểu thực tế về các nhóm ngành nghề, việc làm thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm tại cộng đồng, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các đối tác tối thiểu 01 lần/năm học bảo đảm phù hợp với điều kiện của nhà trường; Tư vấn, hướng dẫn học sinh khám phá, nhận biết, phát triển năng khiếu, năng lực, sở trường, nguyện vọng về nghề nghiệp, việc làm thông qua quá trình học tập, rèn luyện; Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng về nghề nghiệp, việc làm cho học sinh thông qua các hoạt động câu lạc bộ, các hoạt động ngoài giờ lên lớp và hoạt động phối hợp với các đối tác.
Đối với cấp trung học phổ thông: Tích hợp, lồng ghép vào các môn học và các hoạt động giáo dục của nhà trường; Tổ chức cho học sinh tìm hiểu yêu cầu về phẩm chất, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ đối với các ngành nghề, việc làm thông qua các học cụ, công cụ lao động, tài liệu về nghề nghiệp, việc làm; Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng về nghề nghiệp, việc làm cho học sinh thông qua các hoạt động câu lạc bộ, hoạt động ngoài giờ lên lớp và hoạt động phối hợp với các đối tác; Tổ chức cho học sinh được trải nghiệm, thực hành đối với các nhóm ngành nghề, việc làm đã được tư vấn thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm tại cộng đồng, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các đối tác tối thiểu 01 lần/năm học bảo đảm phù hợp với điều kiện của nhà trường; Tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh, tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, tối thiểu 01 lần/năm học.
Đối với cơ sở giáo dục đại học: Hướng dẫn sinh viên khai thác cơ sở dữ liệu thông tin tuyển dụng của các đơn vị sử dụng lao động, thông tin về nhu cầu thị trường lao động; Cung cấp công cụ, phương pháp và hướng dẫn sinh viên đánh giá kỹ năng, thái độ, khả năng thích ứng với thị trường lao động; Tổ chức rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho sinh viên thông qua các hoạt hoạt động xã hội, các hoạt động ngoại khóa; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho sinh viên thông qua hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, các hoạt động ngoại khóa và hoạt động đào tạo, trải nghiệm tại đơn vị sử dụng lao động, hoạt động phối hợp với các đối tác; Tổ chức ngày hội việc làm, tuyển dụng cho sinh viên, tối thiểu 01 lần/trong năm học.
Nhiệm vụ của công tác hỗ trợ khởi nghiệp
Đối với cấp trung học cơ sở: Tuyên truyền, phổ biến cho học sinh các nội dung về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; Giáo dục và hướng dẫn học sinh các kiến thức, kỹ năng: Công dân tích cực, nhận thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, công nghệ, tư duy thiết kế, tư duy tài chính; Hướng dẫn, cung cấp học liệu và tạo môi trường để học sinh hình thành ý tưởng và được thực hành, trải nghiệm triển khai các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
Đối với cấp trung học phổ thông: Tuyên truyền, phổ biến cho học sinh các nội dung, hoạt động về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; Giáo dục, hướng dẫn học sinh hiểu và vận dụng các kiến thức, kỹ năng: Công dân tích cực, nhận thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, công nghệ, chuyển đổi số, tư duy thiết kế, kiến thức kinh doanh, quản lý tài chính, mô hình kinh doanh và giải pháp truyền thông; Hướng dẫn, cung cấp tài liệu, học liệu giúp học sinh hình thành các dự án khởi nghiệp; Bố trí cơ sở vật chất, nguồn lực, tạo môi trường giúp học sinh được trải nghiệm, thực hành, triển khai và phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp; Kết nối các dự án khởi nghiệp khả thi của học sinh với các đối tác, tổ chức ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp.
Đối với cơ sở giáo dục đại học: Cung cấp cho sinh viên thông tin về các chương trình, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp; Ban hành các quy định cụ thể về chế độ, chính sách và định hướng đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp gắn với các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học; Đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức rèn luyện cho sinh viên vận dụng các kiến thức, kỹ năng: Công dân tích cực, nhận thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, công nghệ, chuyển đổi số, tư duy thiết kế, kiến thức kinh doanh, khởi nghiệp tinh gọn, tài chính doanh nghiệp, truyền thông, xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ, gọi vốn, quản trị doanh nghiệp và các kiến thức, kỹ năng đổi mới sáng tạo khác phù hợp với các nhóm ngành đào tạo; Bố trí nguồn lực, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, tạo môi trường và không gian chung hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; Xây dựng chương trình ươm tạo doanh nghiệp, hỗ trợ sinh viên hình thành, trải nghiệm, thực hành, hoàn thiện các dự án, ý tưởng khởi nghiệp; Tư vấn, hỗ trợ và kết nối các dự án khởi nghiệp của sinh viên với các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, các đối tác.
Hình thức triển khai công tác hỗ trợ khởi nghiệp
Đối với cấp trung học cơ sở: Tổ chức tuyên truyền cho học sinh về các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp thông qua việc lồng ghép vào chương trình môn học, các hoạt động giáo dục, qua tài liệu và các phương tiện truyền thông; Tổ chức bồi dưỡng, cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và thông qua tài liệu do nhà trường cung cấp; Phát triển các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để học sinh có môi trường hình thành các ý tưởng, dự án khởi nghiệp; Phối hợp với các đối tác tổ chức cho học sinh thực hành, trải nghiệm và triển khai các dự án khởi nghiệp.
Đối với cấp trung học phổ thông: Tổ chức tuyên truyền cho học sinh về các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp thông qua việc lồng ghép vào chương trình môn học, các hoạt động giáo dục, qua tài liệu và các phương tiện truyền thông; Tổ chức bồi dưỡng, cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và thông qua tài liệu do nhà trường cung cấp; Phát triển các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để học sinh có môi trường hình thành các ý tưởng, dự án khởi nghiệp; Tổ chức diễn đàn, tọa đàm, giao lưu truyền cảm hứng, tinh thần khởi nghiệp cho học sinh, tối thiểu 01 lần/năm học; Phối hợp với các đối tác tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp; tổ chức thực hành, triển khai các dự án khởi nghiệp và kết nối các dự án khởi nghiệp khả thi của học sinh với các tổ chức ươm tạo doanh nghiệp.
Đối với cơ sở giáo dục đại học: Tổ chức tuyên truyền về các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho sinh viên thông qua hoạt động đào tạo, hoạt động ngoại khóa, qua tài liệu và các phương tiện truyền thông; Xây dựng chương trình đào tạo, chuyên đề bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn; Giáo dục, nâng cao nhận thức, truyền thụ tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên thông qua triển khai “Tuần sinh hoạt công dân - Học sinh, sinh viên”; Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, rèn luyện nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho sinh viên thông qua chương trình đào tạo, nghiên cứu tài liệu, hoạt động ngoại khóa, phương tiện công nghệ thông tin, hoạt động phối hợp với các đối tác; Hỗ trợ, tạo điều kiện thành lập các câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; Tổ chức thực hành, triển khai các dự án khởi nghiệp cho sinh viên thông qua hoạt động phối hợp với các đối tác; tổ chức cho sinh viên tham gia các cuộc thi, hội chợ, triển lãm trưng bày, giới thiệu thành tựu khoa học kỹ thuật, dự án khởi nghiệp.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/7/2022. Thông tư này thay thế Quyết định số 68/2008/QĐ-BGDĐT ngày 09/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp.