Quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp

14/04/2022
Ngày 05 tháng 4 năm 2022, Bộ Lao động Thương binh và xã hội đã ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BLĐTBXH quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, Thông tư này áp dụng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu liên kết đào tạo. Thông tư này không áp dụng với đối tượng liên kết đào tạo nước ngoài.
Thông tư quy định, liên kết đào tạo nhằm mục tiêu khai thác, phối hợp và huy động các nguồn lực xã hội để đào tạo nhân lực lao động trong giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Liên kết đào tạo được tổ chức theo 2 hình thức: Liên kết phối hợp đào tạo - Đơn vị phối hợp liên kết đào tạo trực tiếp tham gia giảng dạy, phối hợp quản lý quá trình đào tạo và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị để thực hiện liên kết đào tạo hoặc chỉ tham gia vào hoạt động giảng dạy trong chương trình liên kết đào tạo; Liên kết đặt lớp đào tạo - Đơn vị phối hợp liên kết đào tạo không tham gia giảng dạy, chỉ phối hợp quản lý và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị để thực hiện liên kết đào tạo.
Tổ chức liên kết đào tạo
Đơn vị chủ trì liên kết đào tạo: Chủ trì, phối hợp với đơn vị liên kết đào tạo chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ nhà giáo theo quy định trong chương trình đào tạo và chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị tối thiểu để tổ chức đào tạo theo các hình thức liên kết đảm bảo chất lượng đào tạo.
Đơn vị phối hợp liên kết đào tạo: Tham gia giảng dạy chương trình đào tạo tùy thuộc vào điều kiện và hình thức liên kết đào tạo. Kế hoạch, thời gian, khối lượng nội dung giảng dạy do hai bên thống nhất và được thể hiện trong hợp đồng liên kết đào tạo theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này.
Chỉ tiêu tuyển sinh liên kết đào tạo nằm trong tổng chỉ tiêu được cấp theo đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp của đơn vị chủ trì liên kết.
Việc quản lý người học trong quá trình đào tạo được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 17/2017/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên trong trường trung cấp, trường cao đẳng.
Việc liên kết theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 31/2017/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học.
Hợp đồng liên kết đào tạo
Hợp đồng liên kết đào tạo quy định cụ thể về các nội dung thực hiện liên kết đào tạo; quyền, trách nhiệm của đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp liên kết đào tạo. Nội dung hợp đồng liên kết đào tạo bao gồm những nội dung chính sau: 1- Tên ngành nghề, trình độ đào tạo hoặc nội dung đào tạo; thời gian, địa điểm đào tạo, quy mô và hình thức liên kết đào tạo; 2- Chương trình đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, thiết bị cho đào tạo; 3- Kế hoạch và tiến độ đào tạo. Trường hợp đơn vị phối hợp liên kết đào tạo là doanh nghiệp cần ghi rõ địa điểm, thời gian đào tạo tại doanh nghiệp, thời gian đào tạo tại đơn vị chủ trì liên kết đào tạo; 4- Nhà giáo tham gia giảng dạy, hướng dẫn; chế độ hoặc tiền lương cho nhà giáo và người học nếu làm ra sản phẩm đạt quy cách trong quá trình thực hành, thực tập (nếu có); 5- Thời hạn thực hiện của hợp đồng liên kết đào tạo; 6- Quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên tham gia liên kết đào tạo; 7- Tài chính thực hiện hợp đồng liên kết đào tạo; 8- Các nội dung khác có liên quan.
Quyền của các bên tham gia liên kết đào tạo
Các bên tham gia liên kết đào tạo có quyền thống nhất mức thu lệ phí tuyển sinh, học phí theo quy định. Trường hợp cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết đào tạo với doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp liên kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì hai bên thỏa thuận mức lương, tiền công cho người học, nhà giáo trực tiếp hoặc tham gia hoạt động làm ra sản phẩm trong thời gian đào tạo, thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Thỏa thuận, ký kết hợp đồng thực hiện liên kết đào tạo theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này.
Nghĩa vụ của các bên tham gia liên kết đào tạo
Đơn vị chủ trì liên kết đào tạo có trách nhiệm: 1- Đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp hoặc đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với ngành, nghề dự định liên kết đào tạo theo quy định. Trường hợp việc liên kết chỉ thực hiện đào tạo một hoặc một số nội dung học tập trong chương trình đào tạo thì không cần phải đăng ký hoặc đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp; 2- Chủ trì thực hiện công tác tuyển sinh theo quy định tại Thông tư số 05/2021/TT-BLĐTBXH ngày 07/7/2021; 3- Chủ trì tổ chức đào tạo, quản lý chất lượng, đánh giá và công nhận kết quả học tập cho người học; 4- Tổ chức quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ cho người học sau khi tốt nghiệp chương trình liên kết đào tạo theo quy định; 5- Người đứng đầu đơn vị chủ trì liên kết đào tạo ban hành quyết định tuyển sinh liên kết đào tạo khi đảm bảo các yêu cầu thực hiện liên kết đào tạo. Quyết định tuyển sinh liên kết đào tạo phải nêu rõ tên ngành, nghề, trình độ và hình thức đào tạo, đối tượng và hình thức tuyển sinh.
Đơn vị phối hợp liên kết đào tạo chịu trách nhiệm: Phối hợp với đơn vị chủ trì liên kết đào tạo chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng để tham gia tổ chức hoạt động liên kết đào tạo theo thỏa thuận trong hợp đồng liên kết đào tạo giữa hai đơn vị; Phối hợp theo dõi, giám sát việc thực hiện kế hoạch đào tạo, việc tổ chức dạy, học và phản ánh kịp thời với đơn vị chủ trì đào tạo những biểu hiện sai phạm để kịp thời chấn chỉnh.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20/5/2022. Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành. Các khóa học theo hình thức liên kết đào tạo được thực hiện trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành thì áp dụng theo quy định tại Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH. Trường hợp các văn bản viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo văn bản mới ban hành.