Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 158/2020/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.

16/07/2021
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 58/2021/TT-BTC ngày 12 tháng 7 năm 2021 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.
Thông tư này hướng dẫn các nội dung về:
Hoạt động giao dịch, bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, bao gồm: Hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán, hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ;
Hoạt động của thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Áp dụng đối với:
Cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh;
Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
Tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh, tổ chức cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, ngân hàng thanh toán;
Thành viên giao dịch, thành viên giao dịch đặc biệt, thành viên tạo lập thị trường, thành viên bù trừ;
Nhà đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ
Thông tư quy định, tài sản cơ sở của hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ là: Trái phiếu Chính phủ đang giao dịch trên thị trường; hoặc Trái phiếu giả định có một số đặc trưng cơ bản của trái phiếu Chính phủ. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng các đặc trưng cơ bản của trái phiếu Chính phủ, thiết kế trái phiếu giả định báo cáo Bộ Tài chính chấp thuận trước khi thực hiện.
Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ khi đáo hạn được thực hiện dưới hình thức thanh toán bằng tiền hoặc chuyển giao tài sản cơ sở theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Phương thức thanh toán phải được quy định trước khi niêm yết.
Mẫu hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ do Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam ban hành sau khi báo cáo và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Thông tư quy định thêm, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội phối hợp với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam xác định và công bố trên trang thông tin điện tử các nội dung sau:
Danh sách các trái phiếu Chính phủ có thể chuyển giao, nguyên tắc xác định và hệ số chuyển đổi (đối với hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ thực hiện hợp đồng dưới hình thức chuyển giao tài sản cơ sở);
Danh sách các trái phiếu Chính phủ được sử dụng để xác định giá thanh toán cuối cùng, nguyên tắc xác định và tỷ trọng từng trái phiếu trong danh sách đó (đối với hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ thực hiện hợp đồng dưới hình thức thanh toán bằng tiền).
Việc xác định và công bố thông tin về các trái phiếu Chính phủ quy định tại khoản 4 Điều này thực hiện theo quy chế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội phối hợp với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam xác định thời điểm cuối cùng để chốt danh sách các trái phiếu Chính phủ có thể chuyển giao hoặc được sử dụng để xác định giá thanh toán cuối cùng. Sau thời điểm đó, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam không được điều chỉnh danh sách các trái phiếu Chính phủ nêu trên.
Trường hợp vượt giới hạn vị thế trong giao dịch chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư
Về giao dịch chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư, Thông tư quy định:
Để giao dịch chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư phải mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh tại thành viên giao dịch và tài khoản ký quỹ bù trừ (sau đây gọi là tài khoản ký quỹ) tại thành viên bù trừ do thành viên giao dịch chỉ định. Trường hợp nhà đầu tư đã có tài khoản giao dịch chứng khoán cơ sở mở tại thành viên giao dịch, nhà đầu tư được phép sử dụng tài khoản giao dịch chứng khoán này để thực hiện giao dịch chứng khoán phái sinh sau khi đã mở tài khoản ký quỹ tại thành viên bù trừ do thành viên giao dịch chỉ định.
Trước khi đặt lệnh giao dịch, trong thời gian nắm giữ vị thế và khi thực hiện hợp đồng, nhà đầu tư phải ký quỹ theo yêu cầu của thành viên bù trừ.
Nhà đầu tư phải đảm bảo giới hạn vị thế trên tài khoản giao dịch theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Trường hợp vượt giới hạn vị thế, nhà đầu tư, thành viên bù trừ và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam phải thực hiện các biện pháp sau:
a) Nhà đầu tư phải thực hiện các giao dịch đối ứng để giảm vị thế;
b) Sau thời hạn quy định, nhà đầu tư không thực hiện việc giảm vị thế, thành viên bù trừ được thực hiện lệnh giao dịch đối ứng để đóng một phần hoặc toàn bộ vị thế của nhà đầu tư về mức đảm bảo tuân thủ giới hạn vị thế trên tài khoản;
c) Trường hợp thành viên bù trừ không thực hiện giao dịch đối ứng để đóng vị thế của nhà đầu tư, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được yêu cầu thành viên bù trừ khác hoặc được thực hiện lệnh giao dịch đối ứng để đóng một phần hoặc toàn bộ vị thế của nhà đầu tư đứng tên thành viên bù trừ.
Việc thực hiện giao dịch đối ứng theo quy định tại khoản 3 Điều này thực hiện theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được mở nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh
Thông tư quy định:
Nhà đầu tư phải ký hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh với thành viên giao dịch. Nhà đầu tư nước ngoài phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán theo quy định pháp luật trước khi mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh. Công ty chứng khoán có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh nhưng không phải là thành viên giao dịch được mở tài khoản giao dịch tại thành viên giao dịch để đầu tư chứng khoán phái sinh theo quy định tại Thông tư này.
Nhà đầu tư là Thành viên Hội đồng quản trị, Thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc (Tổng Giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng Giám đốc), các trưởng bộ phận, nhân viên của thành viên giao dịch chỉ được mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh cho mình tại chính thành viên giao dịch đó.
Ngoại trừ các trường hợp quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều này, nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh theo nguyên tắc tại mỗi thành viên giao dịch chỉ được mở 01 tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh. Ứng với mỗi tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư được mở 01 tài khoản ký quỹ tại thành viên bù trừ do thành viên giao dịch chỉ định theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này.
Về việc mở mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh, Thông tư quy định như sau:
Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được mở nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh tại mỗi thành viên giao dịch, cụ thể như sau:
a) Được mở 02 tài khoản giao dịch tổng đứng tên công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán để quản lý danh mục đầu tư cho nhà đầu tư ủy thác, trong đó 01 tài khoản để giao dịch chứng khoán phái sinh cho nhà đầu tư ủy thác trong nước, 01 tài khoản để giao dịch chứng khoán phái sinh cho nhà đầu tư ủy thác nước ngoài;
b) Được mở 01 tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh cho mỗi quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán do công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán quản lý, đứng tên quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán tại mỗi thành viên giao dịch.
Công ty chứng khoán thành lập ở nước ngoài được mở 02 tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh tại mỗi thành viên giao dịch, cụ thể như sau:
a) Được mở 01 tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh để thực hiện hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh;
b) Được mở 01 tài khoản giao dịch tổng để thực hiện hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh cho các nhà đầu tư nước ngoài khác.
Việc đăng ký thông tin tài khoản giao dịch, tài khoản giao dịch tổng trên hệ thống bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh thực hiện theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.